Thực hiện 5 thói quen đơn giản này mỗi ngày sẽ giúp não bộ luôn ở trong trạng thái hoạt động tích cực nhất: Vừa cải thiện trí nhớ, vừa tránh xa lo âu, trầm cảm

Trần Ngọc, Theo Nhịp sống kinh tế 19:22 18/12/2019

Áp lực cuộc sống, công việc đôi khi khiến não bộ của chúng ra rơi vào trạng thái "não cá vàng". Nhưng rèn luyện mỗi ngày não bộ của bạn sẽ luôn ở trong trạng thái tích cực nhất.

Chắc hẳn bạn đã biết não bộ của chúng ta rất thần kỳ, nó không đứng im như một tảng đá mà luôn luôn thay đổi mỗi giây phút. Nó có thể thích nghi với những thay đổi, chữa lành, làm mới hay thậm chí là tái tạo lại chính mình.

Những thứ chúng ta làm mỗi ngày chính là một cách để thay đổi với não bộ. Có thể theo hướng tốt hơn, nhưng cũng hoàn toàn có thể theo con đường tệ đi. Các thí nghiệm về tính dẻo dai (khả năng thay đổi theo kinh nghiệm của não bộ) đã chứng minh rằng bộ não có khả năng tự sửa đổi, bằng cách thay đổi cấu trúc, tăng và giảm kích thước hoặc thay đổi sinh hóa.

Cải thiện trí nhớ luôn là từ khóa đứng đầu lượt tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến. Vì thế, để não bộ luôn ở trong trạng thái tích cực nhất dù là ở lứa tuổi nào, bạn cũng nên có những hoạt động và thói quen khoa học dưới đây:

1. Học tung hứng để cải thiện chất xám

Một nghiên cứu mới đã phát hiện việc học cách tung hứng có thể khiến một số khu vực trong não của bạn phát triển. Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện rõ rệt chất trắng ở hai vùng não liên quan đến thị giác và vận động. Đây là kết quả của việc học một kỹ năng hoàn toàn mới.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, bộ não có thể điều chỉnh hệ thống dây thần kinh riêng của mình để hoạt động hiệu quả hơn. Bốn tuần sau nghiên cứu, các nhà nghiên cứu thấy rằng lượng chất trắng mới vẫn ở đó và thậm chí lượng chất xám cũng tăng lên.

Tung hứng là một kỹ năng phức tạp mà không phải ai cũng học được. Nhưng thay vào đó bạn có thể học bất kỳ một cái gì mới cũng sẽ khiến cải thiện chất xám đấy.

2. Không bao giờ đi ngủ mà chưa học được gì mới

Cũng giống như học tung hứng, học bất cứ một thứ gì mới cũng đều giúp kích thích não bộ đáng kể. Đó là những thứ bạn không thường làm, như gặp những người bạn mới, học một kỹ năng mới (nhảy, vẽ, thiết kế…). Đó thậm chí có thể là một việc khiến bạn không mấy thoải mái và dễ chịu.

Mỗi hoạt động lại có nhiều kiểu tác động khác nhau đến não bộ. Với những người thường xuyên cần sự tập trung cao độ như học nhạc cụ mới, chơi cờ bàn, đọc sách… thì sẽ giúp giảm nguy cơ mất trí nhớ. Với những người có tần suất hoạt động cao như nhảy nhót, liên tục phải học động tác mới, thì đó là thách thức về cả thể chất và tinh thần, buộc bạn phải tập trung tốt hơn.

Học bất kỳ một điều gì mới không chỉ cải thiện bộ não của bạn, mà còn giúp bạn tập trung hơn bằng cách bỏ qua các thông tin không liên quan. Đừng bao giờ làm đi làm lại những điều cũ rích.

3. Ngủ đủ giấc

Thực hiện 5 thói quen đơn giản này mỗi ngày sẽ giúp não bộ luôn ở trong trạng thái hoạt động tích cực nhất: Vừa cải thiện trí nhớ, vừa tránh xa lo âu, trầm cảm - Ảnh 1.

Bạn có biết chất lượng giấc ngủ có liên quan trực tiếp đến khối lượng não bộ?

Các nghiên cứu đã cho thấy khó ngủ, hoặc ngủ không đủ giấc có liên quan đến việc giảm nhanh khối lượng não. Sự suy giảm này có thể ảnh hưởng đến các khu vực quan trọng của não như khu vực ngôn ngữ, xúc giác, khả năng cân bằng và khả năng tính toán hoặc đưa ra quyết định.

Một giấc ngủ 7 – 8 tiếng vẫn luôn là lời khuyên hữu ích mà các chuyên gia nói với bạn ngày này qua ngày nọ. Đó không những là thời điểm để cả cơ thể nghỉ ngơi mà còn là lúc các kết nối mới trong não âm thầm được hình thành và sức khỏe não bộ cũng được cải thiện.

4. Luôn giữ cho cơ thể được vận động

Thực hiện 5 thói quen đơn giản này mỗi ngày sẽ giúp não bộ luôn ở trong trạng thái hoạt động tích cực nhất: Vừa cải thiện trí nhớ, vừa tránh xa lo âu, trầm cảm - Ảnh 2.

Hoạt động thể chất vẫn luôn tốt cho sức khỏe nói chung, nhưng bạn có biết nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến não bộ. Không chỉ giúp máu lưu thông lên não tốt hơn, tăng lượng oxy lên não mà nó còn giúp giải phóng các hormone trong cơ thể, cung cấp một môi trường lành mạnh cho các tế bào não phát triển.

Ví dụ với việc đạp xe trong vòng 30 phút (loại xe tại chỗ trong phòng gym), bạn có thể giúp tăng thể tích hồi hải mã lên 12% ở những người có bệnh, 16% ở người bình thường trong khi không có bất kỳ thay đổi nào ở những người không luyện tập. Cần phải biết, hồi hải mã là một vùng quan trọng của não trước, có liên quan đến hoạt động lưu giữ thông tin và hình thành ký ức. Giảm thể tích hồi hải mã là nguyên nhân gây ra các bệnh như rối loạn cảm xúc, tâm thần phân liệt và Alzheimer.

Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên cũng giúp cải thiện tâm trạng, giấc ngủ và giảm lo âu. Bạn có thể không cần tới phòng gym mà tập luyện các bài tập có cường độ vừa như bơi lội, leo cầu thang, cầu lông, tennis hoặc khiêu vũ, yoga…

5. Thiền định

Thực hiện 5 thói quen đơn giản này mỗi ngày sẽ giúp não bộ luôn ở trong trạng thái hoạt động tích cực nhất: Vừa cải thiện trí nhớ, vừa tránh xa lo âu, trầm cảm - Ảnh 3.

Thiền định đang dần trở thành một hiện tượng toàn cầu, vì rất nhiều lý do đặc biệt.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thiền định có thể điều chỉnh lại não bộ của bạn để gia tăng mức độ hạnh phúc. Bằng việc nhìn nhận tất cả những việc đang xảy ra quanh cuộc sống một cách khách quan, không phán xét, thiền giúp tránh xa khỏi những lo âu không đáng có.

Ngoài ra, những lợi ích của thiền như: giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung, tăng cường trí nhớ, giảm lo âu, điều hòa những hành vi mang tích cảm xúc, nhận thức linh hoạt hơn, hài lòng với các mối quan hệ hơn…

Theo Medium