"Thử thách dọn rác" đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn

Quỳnh Trân - Ảnh: Hòa Trần, Chavi, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 31/03/2019

Theo chị Châu Ngọc Cẩm Vân, Phó bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chúng ta không nên chỉ nhìn vào những bao rác hay khu vực mà các bạn trẻ đã dọn, vấn đề quan trọng là sau khi tham gia "Thử thách dọn rác", các bạn sẽ có những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày.

"Zero Waste" là một chuyên đề do Kenh14 thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường, đồng thời đem đến cho các bạn cái nhìn gần gũi, tự nhiên hơn về chủ đề nghe có vẻ thô cứng này. Đến với chuyên đề "Zero Waste", bạn sẽ được lắng nghe những câu chuyện từ chính những bạn trẻ đã và đang cố gắng từng ngày bằng những hành động thiết thực nhất nhằm cứu lấy môi trường.

Bền bỉ trong một tháng qua, phong trào #ChallengeForChange - Thử thách dọn rác chưa bao giờ giảm nhiệt như bao trào lưu "sớm nở, chóng tàn" khác. Rủ rê ra một bãi rác, dọn sạch, rồi chụp ảnh check-in - Một thử thách với các bước nghe có vẻ đơn giản nhưng không hề "dễ xơi" bởi nó cần sự chuẩn bị, đầu tư, thậm chí đòi hỏi kiến thức căn bản và tính kiên nhẫn nữa!

Vì sao lại cầu kỳ phức tạp đến thế? Bởi vì bạn phải đối mặt với vô số vấn đề phát sinh khi dọn rác: bị người dân phản đối, cần xin phép chính quyền, giẫm phải kim tiêm, bị viêm nhiễm hoặc dị ứng do không mang găng tay và đeo khẩu trang, dọn xong lại bị tái ô nhiễm...

Trên thực tế, nhiều bạn trẻ lần đầu lăn xả vào bãi rác đã phải thừa nhận rằng: Nhìn núi rác kia, tưởng không to mà... to không tưởng, dọn miệt mài chỉ sạch được 1/4.

Hàng loạt người trẻ, KOL, người nổi tiếng cùng tham gia vào thử thách này.

Đây là một thử thách vừa khó, lại vừa đẹp. Cái đẹp này đã lan tỏa mạnh mẽ suốt một tháng nay qua những bức ảnh Before - After liên tục được chia sẻ trên FB như để truyền lửa cho cộng đồng chung tay xử lý rác, bảo vệ môi trường.

Để tiếp lửa và cũng là cung cấp cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ tiếp tục với Thử thách dọn rác, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng chị Châu Ngọc Cẩm Vân, Phó bí thư Đoàn Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, người có kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia và tổ chức các hoạt động tổng vệ sinh, dọn rác trên thành phố. Hãy cùng nghe những kinh nghiệm và câu chuyện thú vị mà chị Vân đã trải qua.

Chào chị Cẩm Vân, thời gian gần đây, lối sống Zero Waste và phong trào "Thử thách dọn rác" đang lan tỏa trong giới trẻ, chị có chia sẻ gì trước những tín hiệu tích cực này?

Thật sự đáng mừng khi chúng ta, đặc biệt là giới trẻ đã quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường vì cảnh quan, chất lượng sống và sức khỏe của bản thân.

Chúng ta là những người thấy trực tiếp, bị ảnh hưởng trực tiếp do các vấn đề về môi trường gây ra như ô nhiễm, ngập nước, khói bụi, biến đổi khí hậu…Thế nhưng trước đây, nếu cúi xuống nhặt rác có thể làm chúng ta thấy hơi xấu hổ vì không biết người khác nghĩ gì về mình, chúng ta chọn làm lơ với rác ở dưới chân, thì hiện nay,"Thử thách dọn rác" đã thay đổi tất cả. Nó giúp các bạn tự hào và tự tin hơn với việc này.

Theo tôi, giới trẻ là lực lượng tích cực và mạnh mẽ nhất có lan toả những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống. Chọn lối sống xanh và có trách nhiệm hơn với cộng đồng và môi trường, không chỉ là lựa chọn thông minh với chính bạn mà có thể trở thành làn sóng mạnh mẽ nếu bạn biết duy trì và truyền cảm hứng cho những người xung quanh.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 3.

Một số người vẫn nói "Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng" và chuyện kêu gọi nhau dọn rác chỉ để check-in, "làm màu". Chị nghĩ sao về quan điểm này?

Quan điểm này cũng giống như việc dọn dẹp cả căn nhà nhưng không dọn phòng riêng của mình vậy. Theo tôi, miễn là làm việc tốt thì không phân biệt việc chung hay riêng, check – in không chỉ để thể hiện, nó giúp mọi người tham gia cảm thấy vui sau khi lao động cực nhọc, thấy được thành quả từ sự đổi nơi mình dọn rác, đồng thời có được hình ảnh để truyền thông đến nhiều người hơn cùng làm những việc tốt, có sao đâu?

Từ những kết quả mà "Thử thách dọn rác" mang lại, có thể thấy hoạt động này không chỉ trên thế giới ảo, không phải một trào lưu bùng phát ngắn trên Facebook mà nó đã bước ra đời thật, trở thành hoạt động thực tế và thật sự nghiêm túc, ý nghĩa.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 4.

Tôi không chỉ nhìn vào những bao rác hay khu vực mà các bạn dọn xong, mà tôi vẫn nghĩ, sau khi tham gia, các bạn sẽ có những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày. Ít nhất, trước khi buông tay vứt rác xuống đường hay bỏ lại rác của mình bên bờ biển, bãi cỏ, gốc cây, các bạn ấy sẽ suy nghĩ và... thu tay lại.

Thay vì nhìn và phán xét, sao chúng ta không cùng chung tay với các bạn mình để hoạt động này hiệu quả hơn. Rủ bạn bè không được, ta rủ thêm anh chị, gia đình mình. Sẽ rất "cool" nếu trong những bức ảnh cùng dọn rác đó có cả ba mẹ và ông bà của chúng mình cùng tham gia. Biết đâu dọn rác ở ngoài xong, lại có thêm 1 trào lưu khoe ảnh dọn dẹp và phủ xanh chính ngôi nhà của mình thì sao?

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 5.

Nhiều bạn trẻ khi dọn rác ở các khu vực bãi đất trống, dưới chân cầu, những bãi rác lưu cữu lâu năm... thì rất sợ tình trạng giẫm hoặc cầm phải kim tiêm. Trong trường hợp này các bạn nên trang bị cho mình những dụng cụ bảo hộ và kỹ năng gì để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy đến, thưa chị?

Câu chuyện những chiếc kim tiêm trong góc cây, dọc bờ tường và lẫn trong rác ở miệng cống, ven bờ kênh, ngay cả trong công viên... không xa lạ với những người tả xung hữu đột vào nhặt rác. Tôi thừa nhận nếu không có đồ bảo hộ đúng cách, cứ thế xông vào thì nguy hiểm rất cao. Thật khó để các bạn tự trang bị những dụng cụ bảo hộ chuyên nghiệp nên theo tôi khi dọn rác, các bạn cố gắng mang giày có đế chắc chắn, nhìn thật kỹ và nên có kẹp gắp, bao tay, hạn chế dùng tay trực tiếp nhặt rác.

Nếu không may bị kim tiêm đâm vào người, các bạn cứ bình tĩnh, lấy các dụng cụ gây tổn thương ra khỏi cơ thể. Rửa trực tiếp vết thương dưới vòi nước sạch trong ít nhất 5 phút nhằm gột rửa bớt phần máu và dịch tiết lây nhiễm. Sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn và băng vết thương bằng gạc, băng cuộn hay băng cá nhân để cầm máu.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 6.

Nếu không có đồ bảo hộ đúng cách, cứ thế xông vào dọn rác thì nguy hiểm rất cao.

Lưu ý: Tuyệt đối không nặn máu. Chỉ cần rửa vết thương bằng nước sạch và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được xử trí các bước dự phòng phơi nhiễm tiếp theo.

Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV hiệu quả bảo vệ rất cao, lên đến 90-95% trong vài giờ đầu và duy trì trong khoảng 72 giờ tính từ thời điểm phơi nhiễm. Hiệu quả này giảm dần theo thời gian đến viện điều trị sau khi bị đâm. Do vậy, người bị phơi nhiễm cần nhanh chóng đến cơ sở y tế và tham gia điều trị càng sớm càng tốt, không nên chờ đợi quá thời gian cho phép là 72 giờ.

Theo tôi, nên có các hướng dẫn chính thống của cơ quan y tế. Ví dụ: Đoàn thanh niên của Trung tâm y tế dự phòng hay Sở y tế nào đó thiết kế một infographic để cung cấp thông tin về cách xử lý khi bị kim nghi nhiễm HIV đâm trúng cho các nhóm đang lăn xả trong bãi rác thì quá tốt.

Trong 10 năm tham gia các chiến dịch làm sạch môi trường cùng cộng đồng, chị có gặp những tình huống tréo ngoe nào khiến công tác dọn rác của mọi người bị đình trệ không? Lúc đó chúng ta nên làm gì?

Rất nhiều tình huống có thể xảy đến, tôi xin kể một số trường hợp tôi đã trải qua:

Lần đó nhóm sinh viên tới 1 chỗ có khá nhiều rác, dự định dọn rồi làm cái vườn hoa nho nhỏ ở đó. Đang lụm rác cần mẫn thì 1 người đàn ông bay ra chửi bới ầm ĩ, trút hết mấy bao rác tụi nhỏ đã gom ra ngoài và "Cấm tụi bây làm ở đây!". Hỏi ra mới biết ông chuyên lựa phế liệu từ đống rác đó, nên dọn rồi không ai đem rác đổ thì ông ấy thất thu.

Ghê hơn là lần bị người dân xung quanh điểm dọn rác quây lại, thắp nhang khắp nơi để ngăn cản, thách mấy đứa nhổ nhang lên để làm vì đó là đất đang tranh chấp.

Còn chuyện dọn rác trong đất công cộng hay khu đất tư nhân cũng khá phức tạp, có nhiều người mua đất đầu cơ hay sao đó nhưng không rào chắn hay chăm sóc, lâu ngày thành nơi đổ rác của người dân xung quanh. Chính quyền địa phương còn không liên hệ được chủ đất do sang tay đổi chủ nhiều lần, nhưng mình vô dọn dẹp hay trồng cây cho là ông chủ ở đâu không biết lập tức bay ra sân si.

Để tránh những tình huống không mong muốn này, đối với các hoạt động dọn rác có quy mô lớn, chúng ta nên có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị cách làm, nhân sự, phương tiện hỗ trợ mang rác đi sau khi thu gom. Nên tìm hiểu những thông tin có liên quan, kết nối với người dân, chính quyền đoàn thể địa phương trước khi lập nhóm đến dọn rác.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 7.

Nhắc đến việc kết nối với chính quyền địa phương, 2 chữ "xin phép" đều khiến các nhóm tình nguyện có chung suy nghĩ là... rắc rối. Chị có thể giải thích rõ hơn về việc xin phép chính quyền khi tụ tập đông người để dọn rác?

Do chưa có tiền lệ nên quy định cụ thể xin ai, xin ra sao, cần làm những thủ tục nào và quy mô nào, khu vực nào phải xin, bao lâu thì được cấp phép, bao nhiêu giấy phép của bao nhiêu bên là đủ... muôn hình muôn vẻ và đủ cách mà các nhóm có thể triển khai nên không nói rõ hết được, tôi chỉ tóm gọn: Với các hoạt động nhỏ nhỏ thì cứ bắt tay nhau làm, còn có quy mô to, huy động đông người và nhất là những nơi có vị trí, địa hình hoặc đặc điểm phức tạp thì cần có kế hoạch cụ thể để tránh rủi ro cho những người tham gia.

Theo tôi, giải pháp về "xin phép" dễ nhất và hiệu quả nhất là: Tìm 1 đơn vị ở địa phương hay đơn vị có liên quan rồi "rủ rê" cùng phối hợp.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 8.

Các bạn Đoàn viên thanh niên thuộc phường 3, quận Bình Thạnh cùng dọn sạch rác tại dải phân cách trên đường Phan Xích Long.

Lúc đó, các bạn cần gì, triển khai ra sao, có những đặc điểm lưu ý gì thì đã có địa phương hướng dẫn và tìm cách phụ mình, có khó khăn vướng mắc thì đã có địa phương lo, phối hợp thì kết nối thêm nguồn lực và làm xong bàn giao địa phương giám sát duy trì tiện cả đôi đường.

Có khá nhiều cơ quan, đoàn thể ở địa phương có thể welcome và hỗ trợ. Mạnh ai nấy làm thôi thì cùng nhau làm, thêm bạn thêm vui, hiệu quả hơn, cũng là người mình, cũng vì môi trường cả thôi chứ phân biệt anh - tôi chi cho mất đoàn kết!

Chống tái ô nhiễm sau khi dọn sạch rác thì cần sự đồng lòng của người dân khu vực và sự quản lý sát sao của ban ngành địa phương nơi đó. Theo chị, mức độ kết nối giữa nhóm dọn rác và chính quyền địa phương hiện nay như thế nào?

Tái ô nhiễm rác trở lại là vấn đề đau đầu, đau lòng sau khi dọn rác. Khi chúng ta bỏ rất nhiều công sức dọn dẹp, có những khu vực rác tích tụ lâu ngày tốn bao nhiêu sức người và cả phương tiện cơ giới mới dọn nổi, vậy mà vài ngày hay vài tuần sau, người ta lại bỏ rác trở lại như không thấy, không nghe, không liên quan đến họ!

Tôi rất dị ứng với chuyện mình kéo người đến làm cực muốn chết mà người dân xung quanh ra đứng chống nạnh nhìn. Nhưng cũng nhiều cô chú cưng lắm, lấy bánh lấy nước, lấy cuốc xẻng ra tiếp sức cho mấy đứa nhỏ, còn kêu con cháu trong nhà ra phụ nữa. Ấm lòng ấm dạ vô cùng!

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 9.

Sau này khi huy động lực lượng làm tổng vệ sinh, tôi rất quan tâm sự tham gia và đồng tình của người dân ở ngay tại đó, xung quanh đó. Cùng tham gia dọn thì cùng biết mệt, cùng cực khổ mới thấy xót. Chính người dân ở xung quanh đó chứ không ai khác là người có thể giám sát, thay đổi và giữ gìn thành quả sau khi dọn xong.

Theo dõi "Thử thách dọn rác" của các bạn trẻ, tôi thấy nhiều nhóm đã kết nối được chính quyền, đoàn thể, các đơn vị và người dân địa phương cùng phối hợp, hỗ trợ. Đây là hoạt động vì cộng đồng, vì môi trường nên các bạn đừng ngại trình bày nó với mọi người. Quan trọng cần có kế hoạch đầy đủ, rõ ràng thì việc thuyết phục sẽ dễ dàng hơn.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 10.

Nhóm bạn ở Hà Nội tự thiết kế biển "Xin đừng đổ rác" để hạn chế tình trạng người dân đổ rác tại đây.

Trên một bài viết chia sẻ ở FB, chị từng gợi ý về việc trồng cây, hoa sau khi dọn sạch bãi rác. Đây là một ý tưởng rất hay và cũng từng được một số nhóm bạn trẻ Hà Nội thực hiện trong chiến dịch "vườn hoa sinh ra từ bãi rác" vào năm ngoái. Chị có nghĩ giới trẻ cả nước cần nhân rộng mô hình này và nên bắt đầu như thế nào, kết hợp với đơn vị nào để mang lại hiệu quả?

Như đã nói ở trên, sau một thời gian dọn rác mà người ta lại bỏ rác trở lại là vấn đề lớn nhưng rất thường gặp. Do đó giải pháp dọn rác xong sẽ làm thêm một công đoạn nữa là làm cho chỗ đó thật đẹp bằng việc hình thành công viên mini, vườn hoa hoặc vườn cây nho nhỏ là rất hữu ích.

Việc này không chỉ Hà Nội mà ở Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai khá nhiều, trong hoạt động của hệ thống Đoàn thanh niên, và cũng đã lan toả khá tốt với nhiều hiệu quả thiết thực khi không chỉ xoá điểm ô nhiễm rác mà còn tăng cường mảng xanh, làm đẹp cảnh quan và thêm khu vui chơi cho người dân xung quanh, chính người dân xung quanh sẽ thụ hưởng và giữ gìn thành quả này.

Nhưng giải pháp này không dễ thực hiện do việc giữ gìn và chăm sóc cây rất lâu dài, đặc biệt nếu chúng ta làm ở khu vực khác nơi mình đang sống thì không thể tự tưới cây hay cắt tỉa. Cần chọn loại cây dễ thích ứng, dễ sống và không cần chăm sóc nhiều, gởi gắm hoặc bàn giao lại cho địa phương, người dân xung quanh, tổ dân phố.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 11.

Đây là nỗ lực trong 5 ngày của một nhóm bạn trẻ Sài Gòn, để cải tạo một công viên ngập trong rác thải trở thành vườn hoa xinh đẹp khiến ai nấy cũng thích thú.

Có kinh phí thì làm công viên mini, không thì cứ lên luống, rồi hoa mười giờ, hoa dã quỳ, rau lang rau muống mà cắm xuống. Cho nó đẹp, nó có ích, để không ai nỡ quăng rác vào đó nữa.

Cảm ơn những chia sẻ của chị Cẩm Vân ./.

Thử thách dọn rác đang thay đổi tất cả: Không còn xấu hổ, chúng ta tự hào và tự tin hơn - Ảnh 12.