"Thủ khoa đi bán bánh tráng trộn có gì chê trách?"

ĐẶNG CHUNG, Theo Lao Động 21:09 20/08/2018

“Một người làm bánh tráng cũng có thể học được đại học. Người có bằng đại học nhưng nếu đam mê với việc làm bánh tráng thì có thể theo đuổi và không có gì đáng phải chê trách” - GS-TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ.

“Không có nghề nào là thấp hèn”

Những giờ qua, thông tin “nữ sinh bán bánh tráng trộn đỗ thủ khoa một trường đại học và sau khi tốt nghiệp đại học quay lại với nghề bán bánh tráng” được chia sẻ trên nhiều diễn đàn.

Dù câu chuyện chưa được xác thực và cũng chưa thể tìm ra danh tính của nữ sinh này, nhưng không ít người gắn vấn đề với số con số 200.000 cử nhân thất nghiệp để chê trách chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam.

Thủ khoa đi bán bánh tráng trộn có gì chê trách? - Ảnh 1.
Thông tin nữ sinh bán bánh tráng trộn đỗ Đại học Ngoại thương, sau khi ra trường quay lại bán bánh tráng trộn đang được chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, Đại học Ngoại thương lên tiếng chưa nhận được thông tin nào liên quan đến trường hợp này. 

Chia sẻ về thông tin này, GS-TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp câu chuyện là có thật, thì việc sinh viên tốt nghiệp và lập nghiệp bằng nghề bán bánh tráng trộn không đáng để chê trách. Đồng thời, việc gán ghép câu chuyện để nói rằng “đây là thực trạng buồn của giáo dục đại học Việt Nam” có phần khiên cưỡng.


“Vấn đề cử nhân thất nghiệp cần nhìn từ hai phía, công bằng là do cả cơ chế tuyển dụng chứ không nên đổ lỗi hết cho các trường đại học.

Ngoài ra, không có nghề nào gọi là nghề thấp hèn cả. Tại sao xã hội lại nhìn nghề làm bánh tráng là thấp hèn? Một người làm bánh tráng cũng có thể học được đại học, ngược lại nếu học đại học nhưng có đam mê với việc làm bánh tráng thì không có gì phải chê trách cả. Miễn nghề đó xuất phát từ đam mê và mang lại niềm vui cho mọi người” - GS-TS Phạm Quang Minh chia sẻ.

Thủ khoa đi bán bánh tráng trộn có gì chê trách? - Ảnh 2.

GS-TS Phạm Quang Minh cho rằng câu chuyện thủ khoa đi bán bánh tráng trộn không có gì đáng để chê trách. Ảnh: Đ.C

“Nhiều sinh viên Việt Nam vào đại học không vì đam mê”

GS Phạm Quang Minh cũng cho rằng, hiện nay không ít người Việt Nam vẫn còn giữ quan niệm vào đại học mới có một nghề nghiệp ổn định, là cứu cánh, cơ hội để đổi đời. Sinh viên Việt Nam vào đại học nhưng nhiều khi là theo phong trào, trong khi chưa xác định rõ mình học như thế nào và sau này sẽ làm gì. Điều này gây ra nhiều hệ lụy.

“Việc vào đại học bằng mọi giá khiến chúng ta bị khủng hoảng nguồn nhân lực, nếu nói thiếu thì rất thiếu, mà thừa cũng rất thừa. Tỉ lệ sinh viên thất nghiệp cao nhưng chúng ta đang rất thiếu người giỏi làm việc”- đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ.

GS Phạm Quang Minh dẫn chứng câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực của nước Đức để so sánh với Việt Nam.

"Ở Đức không có hệ thống các trường đại học nổi tiếng, nhưng người Đức tự hào là họ có những công nhân lành nghề nhất thế giới. Họ làm ra những sản phẩm, máy móc tốt nhất thế giới.

Có được điều này là do nước Đức thực hiện phân luồng học sinh tốt và xã hội của họ không trọng bằng cấp.

Ở Đức, chỉ một số ít người có năng lực lựa chọn con đường vào đại học, còn người không thích, hoặc không có khả năng học đại học sẽ đi theo hướng học ở những trường thực hành, trường nghề và sau này vào làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp.

Ở Đức, không ai buồn về việc không vào được đại học. Sinh viên của họ có lựa chọn rất rõ ràng, học theo sở thích và theo năng lực. Còn sinh viên Việt Nam, vào đại học không vì đam mê và chưa biết đam mê của mình là gì. Điều này cũng là lý do khiến con số cử nhân thất nghiệp không ngừng tăng lên mỗi năm, chứ không nên chỉ đổ lỗi cho chất lượng giáo dục đại học" - GS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.