Thủ đô Tokyo chật vật khi phải xử lý hàng triệu món đồ bị thất lạc vô thừa nhận

Gya Rados Spiderum, Theo Thời Đại 08:00 13/07/2017

Có thể tin được không khi giữa hàng triệu món đồ bị thất lạc tại quầy lost-and-found (trung tâm tìm đồ thất lạc) tại Tokyo vào năm ngoái lại là một cái bình đựng hài cốt của ai đó?!

Chỉ riêng năm ngoái, tại Sở Cảnh sát Thủ đô ở phường Bunkyo đã cố gắng tìm ra 10 “khổ chủ” của những chiếc bình đựng hài cốt và trả lại cho họ. Nhưng trớ trêu thay, tất cả “khổ chủ” của chúng đều từ chối đến để nhận hài cốt của người thân đã mất của họ.

Ô dù cũng là một trong những vật dụng phổ biến có mặt tại trung tâm tìm đồ thất lạc, nhiều đến độ phải dành hẳn một căn phòng rộng 660 mét vuông ở tầng hầm để chứa những cây dù khốn khổ ấy. Căn phòng không có nhiều dù vào cuối tháng Tư, nhưng theo lời của người đứng đầu trung tâm Shoji Okubo, tình trạng này sẽ diễn biến phức tạp hơn vào mùa mưa tháng Sáu.

Thủ đô Tokyo chật vật khi phải xử lý hàng triệu món đồ bị thất lạc vô thừa nhận - Ảnh 1.

Shoji Okubo, người đứng đầu trung tâm tìm đồ thất lạc tại phường Bunkyo đứng cùng những chiếc dù bị thất lạc đang chờ khổ chủ đến nhận!

Ông Okubo cũng nói rằng có khoảng 3.000 chiếc ô đã được tìm thấy tại thủ đô Tokyo vào một ngày mưa bình thường. Năm 2016, số lượng chiếc ô mà những cảnh sát thủ đô đã thu nhận được lên đến con số 381.135 trong suốt cả năm.

Trên mỗi chiếc dù đều có chiếc thẻ chứa đầy đủ những thông tin chi tiết nhất về nơi chốn và khoảng thời gian nó được tìm thấy. Những thông tin ấy chiếu theo ngày mà những kiểm soát viên trên xe lửa đã nhặt được và giao cho cảnh sát.

Vào ngày 27/4, trung tâm đã giữ khoảng 900.000 vật dụng bị thất lạc vô thừa nhận, từ ví tiền, iPhone đến kính mát và cả những bình đựng hài cốt bị vứt bỏ trong trung tâm thành phố.

Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia, có tới 26,7 triệu món đồ bị thất lạc được báo cáo đến các cơ quan cảnh sát trên cả nước vào năm 2015, trừ tiền mặt. Theo những số liệu do cơ quan này thu thập, chỉ riêng ở thủ đô Tokyo vào năm 2016, Sở Cảnh sát Thủ đô đã ghi nhận 3,83 triệu món đồ vô thừa nhận, tăng gấp đôi so với 1,37 triệu món đồ bị thất lạc vào năm 1997. Giấy phép lái xe và thẻ tín dụng là những món đồ thất lạc phổ biến nhất do Sở Cảnh sát Thủ đô thu nhận vào năm ngoái, chiếm 15,6% tổng số món đồ. Thẻ đi tàu, quần áo và giày dép cũng “hiên ngang” lọt vào danh sách này!

Những món đồ bị thất lạc của Tokyo ngày càng có xu hướng tăng nhanh, trung tâm sáu tầng ở phường Bunkyo đang được tân trang để mở rộng không gian lưu trữ. Ông Okubo lo lắng rằng nếu con số cứ tiếp tục tăng như vậy, không bao lâu trung tâm sẽ trở nên quá tải và sức chứa không thể nào đáp ứng hết được.

Thủ đô Tokyo chật vật khi phải xử lý hàng triệu món đồ bị thất lạc vô thừa nhận - Ảnh 2.

Giao trả tài sản bị thất lạc.

Ông Okubo cho biết cơ quan có thẩm quyền sau đó cố gắng tìm ra những khổ chủ từ những thông tin mà họ thu thập được bằng cách gọi hơn 250 cuộc điện thoại và gửi thông báo qua đường bưu điện. Nếu cảnh sát tìm thấy hộ chiếu của những người nước ngoài, họ sẽ chuyển tiếp chúng đến các cơ quan đại sứ quán.

Vào năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 286 người đã đến trung tâm để lấy lại những món đồ của họ. Đúng như bạn nghĩ, những khổ chủ cảm thấy vui mừng khôn xiết khi tìm lại được những món đồ của mình. Du khách nước ngoài vô cùng cảm kích và thậm chí còn đòi chụp hình chung với mọi người trong trung tâm.

Tuy vậy, không phải tất cả những “khổ vật” sẽ đến tay của “khổ chủ”. Trong khi những tài sản có giá trị như tiền mặt và thẻ tín dụng luôn được nhiệt tình đến nhận lại thì những chiếc ô và chiếc nón khổ sở lại không có ai đếm xỉa đến nữa.

Bằng chứng là vào năm 2016, chỉ 0.8% ô dù và 3.8% quần áo giày dép được nhận lại. Trong khi đó, 74% tổng giá trị tiền mặt được trả lại trong tích tắc. Luật Sở hữu Tài sản thất lạc quy định rằng khi nhặt được của rơi phải trả về cho khổ chủ hoặc mang nó đến sở cảnh sát hay ban quản lí cơ sở vật chất ở nơi gần nhất. Những người tìm thấy những đồ vật bị mất sẽ được thưởng 5 đến 20 phần trăm giá trị của tài sản.

Luật này cũng có quy định rằng sau ba tháng kể từ khi những đồ vật được giao đến sở cảnh sát vẫn không có ai đến nhận - trừ những vật dụng có chứa thông tin cá nhân như thẻ tín dụng - sẽ trở thành tài sản của người nhặt chúng. Chủ sở hữu mới sẽ có thêm khoảng hai tháng để đến nhận trước khi những món đồ ấy thuộc quyền sở hữu của chính quyền địa phương.

Số tiền mặt mà cảnh sát thủ đô Tokyo nhận được lên đến 3.67 tỉ Yên (khoảng 735 tỷ VND) vào năm ngoái, trong đó 2.7 tỉ Yên (khoảng 541 tỷ VND) đã được hoàn trả cho khổ chủ. Khoảng 500 triệu Yên (100,2 tỷ VND) được trao cho những người đã nhặt được số tiền ấy và khoảng 440 triệu Yên (88,2 tỷ VND) đã được thêm vào kho bạc thủ đô Nhà nước.

Những người ở Nhật Bản quan niệm rằng những món đồ bị mất nên được giao cho đồn cảnh sát hoặc kōban (hộp cảnh sát), và bạn sẽ chẳng cần phải lặn lội tìm kiếm những mẩu chuyện trên mạng xã hội mà người ta sẽ trả lại những ví tiền đầy tiền mặt trong đấy.

Các chuyên gia nhận định rằng đức tính này là do sự giáo dục của cha mẹ khi dạy trẻ nhỏ nhặt được của rơi phải trả về cho khổ chủ hoặc gửi đến đồn cảnh sát. Okubo hài hước chia sẻ rằng đó cũng chính là lí do đôi khi những đồng tiền 1 Yên, 5 Yên, 10 Yên rớt trên đường hay thậm chí là những vật dụng nhỏ như dây buộc tóc cũng được lũ trẻ mang đến đồn cảnh sát.

Đôi khi người ta còn đem những con vật thất lạc vào đồn cảnh sát. Vào năm 2016, khoảng 1000 con vật đã bị lạc mất chủ và được giao cho cảnh sát, bao gồm chó, mèo, vẹt đuôi dài, chồn furô, ếch hay thậm chí là… cá vàng!

Shigeru Haga, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Rikkyo ở Tokyo, nói rằng trong thời hiện đại, người ta rất dễ làm thất lạc những món đồ của mình. Ông Haga nhận định rằng sự gia tăng đột biến của điện thoại thông minh có thể phần nào chịu trách nhiệm về tình trạng tài sản bị thất lạc trong vài năm qua. Haga cũng nói rằng người ta cũng sẽ mua những món đồ mới thay vì nhọc công tìm kiếm những món đồ đã mất của mình và sau đó còn phải điền vào những mẫu đơn yêu cầu bồi thường rối rắm.

Thủ đô Tokyo chật vật khi phải xử lý hàng triệu món đồ bị thất lạc vô thừa nhận - Ảnh 3.

Shigeru Haga, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Rikkyo ở Tokyo có những chia sẻ thú vị về lí do tại sao chúng ta dễ thất lạc đồ đạc của mình hơn trước kia.

Ông cho rằng “sự nhận thức của chúng ta đôi khi có vài điểm hạn chế. Chính vì lẽ đó, chúng ta sẽ đưa (những thông tin cần thiết trong tương lai) vào trong tiềm thức và lôi chúng ra khi cần.”

Ví dụ, nếu một người được nhờ vả mua một hộp sữa trên đường về nhà, họ sẽ tạm thời đưa thông tin đó vào tiềm thức và sau đó hi vọng mình sẽ nhớ ra khi tạt ngang một siêu thị trên đường. “Đó quả là một quy trình phức tạp,” Haga nói. Nhưng bằng cách nào đó, chúng ta đều có thể nhớ được.

Đấu giá những món đồ vô thừa nhận

Nếu không ai thừa nhận món đồ, chính quyền thủ đô và người điều hành tàu lửa có khả năng sẽ bán lại cho các đại lí bán đồ cũ.

Saneyoshi Yogi, người đứng đầu công ty PX của Saitama sở hữu một đại lí kiểu vậy. Anh thường xuyên đấu thầu trong các cuộc đấu giá để mua hàng ngàn những mặt hàng vô thừa nhận và sau đó phân phối cho các tiệm đồ cũ. Những người điều hành tàu lửa tổ chức những cuộc đấu giá này vài lần trong một năm để bán mọi loại mặt hàng trong một thùng các-tông lớn. “Nó kiểu như đánh bạc vậy. Bạn sẽ chẳng biết bên trong thùng có thứ gì.”, Yogi hài hước chia sẻ.

Thủ đô Tokyo chật vật khi phải xử lý hàng triệu món đồ bị thất lạc vô thừa nhận - Ảnh 4.

Còn đây là ông chủ công ty PX đang tham gia một phiên chợ bán những hàng hoá bị thất lạc trong những trung tâm mua sắm tại Fujisawa, tỉnh Kanagawa

Thủ đô Tokyo chật vật khi phải xử lý hàng triệu món đồ bị thất lạc vô thừa nhận - Ảnh 5.

Những chiếc giày mới toanh đôi khi cũng trở thành những món đồ bị thất lạc và được bày bán tại các phiên chợ.

Yogi còn nói rằng anh có khả năng dự đoán những đồ vật nằm bên trong những chiếc thùng lớn dựa vào mùa của ba tháng trước đó. Nếu cuộc đấu giá diễn ra vào tháng Năm thì sẽ có rất nhiều khăn và găng tay. Nếu nó được tổ chức vào tháng Chín, chững chiến lợi phẩm sẽ là ô dù. PX tiêu khoảng 60 triệu Yên mỗi năm tại các cuộc bán đấu giá này và sau đó sẽ bán tại các tiệm đồ cũ bốn lần một năm.

Nhiều người nghĩ rằng PX sẽ có lợi nhuận lớn từ những cuộc bán đấu giá này, thế nhưng sự thật lại là một câu chuyện khác hẳn. “Việc kinh doanh chính của chúng tôi là bất động sản và đồ gia dụng. Chúng tôi không tạo được nhiều lợi nhuận trong việc bán buôn này đâu. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản vui vẻ là chính. Nhưng cũng thật tuyệt vời khi nhiều khách hàng rất ưa chuộng loại hình này.”