Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh

Khắc Tâm, Theo Trí Thức Trẻ 17:11 31/10/2017

"Thor: Ragnarok" vừa ra rạp có nhiều điểm khác biệt so với phiên bản truyện tranh và thần thoại Bắc Âu.

Ragnarok đánh dấu sự diệt vong của các vị thần Bắc Âu. Vì tính chất quan trọng với thần thoại nên sự kiện này tiếp tục đóng vai trò then chốt trong đầu truyện về Thần Sấm của Marvel. Phiên bản điện ảnh Thor: Ragnarok mới ra mắt cũng dựa trên ngày tận thế này. Tuy nhiên, giữa ba phiên bản có nhiều sự khác biệt.

Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 1.

Sự kiện Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu

Khác với các "đồng nghiệp" Hy Lạp, những vị thần Bắc Âu đều có thể chết và tận thế của họ chính là Ragnarok. Theo thần thoại, Ragnarok được báo trước bởi ba sự kiện lớn trong Thần thoại Bắc Âu - Khi ba đứa con của Loki ra đời (Fenrir, Jormungand và Hel), cái chết của thần Balder và Fimbulvetr.

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 2.

Fenrir

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 3.

Jormungand

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 4.

Nữ thần chết chóc Hel

Fimbulvetr là ba mùa đông lạnh lẽo, khắc nghiệt, xảy ra liên tiếp nhau. Skoll và Hati, hai con sói là con của Fenrir và phù thủy sói trong rừng Jarnvid, đuổi kịp và giết chết mặt trời mặt trăng. Không có ánh sáng, thế giới chìm trong đêm tối triền miên và bão tuyết.

Để có thể giành chiến thắng trong Ragnarok, Odin, vua của Asgard, đã xây dựng Valhalla và chọn ra những trinh nữ từ các chủng tộc, đặt tên cho họ là các Valkyrie. Họ có nhiệm vụ mang linh hồn của những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên chiến trường về Valhalla. Các vị thần sau đó đã trói Fenrir bằng Gleipnir của tộc Người Lùn, ném Jormungand xuống đáy biển Midgard và quẳng Hel xuống Helheim nhằm trì hoãn quá trình diễn ra Ragnarok.

Khi Ragnarok xảy ra, Heimdall sẽ thổi chiếc tù và Gjalarhorn, với âm thanh lớn đến mức mọi nơi trong Chín Cõi đều nghe thấy. Các vị thần Asgard do Odin dẫn đầu và liên minh ác quỷ của Loki chạm trán nhau trên cao nguyên Vigrid, rộng mỗi bề 1000 dặm nằm giữa Asgard và Jotunheim. 

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 5.

Odin trong thần thoại Bắc Âu

Surt và những người Khổng Lồ Lửa sẽ phá hủy cây cầu Bifrost nhằm ngăn cản bước chân các vị thần. Surt với thanh gươm Laevateinn "sáng hơn ánh mặt trời" tiến đến tử chiến cùng vị thần. Cả Surt và Frey đều chết, lửa từ thanh kiếm bị gãy phun ra đốt cháy Cây Yggdrasil. 

Odin, cưỡi trên lưng con chiến mã Sleipnir, mình mặc bộ giáp vàng chói, tay vung ngọn giáo Gungnir xông thẳng vào giữa chiến trường, giết vô số kẻ thù. Tuy nhiên Ngài thất bại trước Fenrir và bị nó nuốt chửng. Vidar, con trai của Odin, đứng giữa hai hàm của con sói rồi xé toạc họng của nó, trả thù cho cha.

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 6.

Surtur luôn là kẻ đóng vai trò quan trọng trong tất cả phiên bản

Thor quyết chiến đến cùng với mãng xà Jormungand và giết nó thành công. Tuy nhiên, Ngài đã thấm quá nhiều hơi độc của nó nên chỉ đi được chín bước rồi chết. Heimdall vũ trang bằng thanh gươm Hofund, lao vào giao đấu với Loki và cả hai đều vong mạng bởi lưỡi kiếm của đối phương.

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 7.

Thor và Jormungand

Sau chín ngày kể từ khi Ragnarok kết thúc, mặt đất lại nổi lên, đã được thanh lọc và trở nên xanh tươi như thời viễn cổ. Thần Balder và người vợ Nanna rời khỏi Helheim, tập hợp lại những vị thần còn sống và trở về Idavoll, nơi là trung tâm của Asgard khi xưa. Magni và Modi nhặt được cây búa của Thor. 

Các vị thần sẽ đến lâu đài Gimli trên tầng trời Vidblainn, để dần dần xây dựng lại thế giới mới, nơi không còn chiến tranh hay thiếu thốn. Như vậy, Ragnarok không chỉ là một ngày tận thế mà đó còn là một sự khởi đầu của một trật tự thế giới mới, đẹp đẽ hơn và hoàn thiện hơn.

Ragnarok trong nguyên tác Marvel

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 8.

Những Kẻ Bề Trên Trong Bóng Tối trong truyện Marvel

Trong nguyên tác Marvel, Ragnarok không chỉ là tận thế mà còn là một vòng lặp tàn khốc. Các sự kiện diễn ra trong truyện tranh khá giống với thần thoại Bắc Âu với kết thúc là sự diệt vong của các vị thần. Tuy nhiên, họ sẽ được hồi sinh sau đó để tiếp tục một vòng lặp mới. Cái chết của Balder sẽ luôn là mở đầu và kết thúc cũng là sự hồi sinh của vị thần này. Surtur, dựa theo nguyên gốc Surtr, và Hela, dựa trên Hel, cũng như Fenrir, Jormungand và Loki sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngày tận thế.

Ragnarok trong truyện tranh sẽ làm độc giả liên tưởng tới những bộ phim như Edge of Tomorrow (2014) hay Happy Death Day đang trình chiếu ngoài rạp. Giữa các vòng lặp sẽ có có một số sự khác biệt như ở truyện Ragnarok AD 1 thì hai em trai của Odin là Vili và Ve cùng hai con trai của ông là Vidar và Vali, sẽ hợp nhất thành Odin và xây dựng lại Asgard. Loki lúc sẽ tử chiến với Heimdall, lúc sẽ đánh nhau với Thor.

Sự khác biệt rõ rệt nhất là Ragnarok ở thời hiện đại khi Thor được Odin phái xuống trái đất để học hỏi tính cách của nhân loại. Sau khi Odin bị Surtur đánh bại, Thần Sấm nhận sức mạnh Odin Force từ cha và trở thành King Thor. Anh đưa Asgard tới New York để dễ bề cai quản cả hai thế giới.

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 9.

Dàn nhân vật này không hề có trong nguyên tác

Khi Ragnarok xảy ra, Thor muốn có được thứ sức mạnh vượt trên cả thần thánh để ngăn cản tận thế. Anh bước đi trên con đường của Odin để tìm kiếm tri thức lẫn sức mạnh của ma thuật Runes cũng như của Giếng Tri Thức Mimir. Được sự trợ giúp của Odin Force, Thor đã hi sinh vượt cả những gì Odin đã từng làm. Anh móc cả hai mắt để hiến tế cho Mimir và hiến tế chính bản thân mình cho cái chết. Sau đó, Thor hồi sinh với tri thức và sức mạnh vượt qua cả Thần Thánh, trở thành Rune King Thor form mạnh nhất mà Thor từng đạt được.

Thẩn Sấm phát hiện ra Những Kẻ Bề Trên Trong Bóng Tối (Those Who Sit Above in Shadow) là những vị thần dựa hút năng lượng của Ragnarok để tồn tại. Những vị thần này đã sử dụng quyền năng sáng tạo của mình để tạo ra vòng lặp tận thế liên tiếp này. Nhờ vào nguồn sức mạnh mới, Rune King Thor đánh bại Những Kẻ Bề Trên Trong Bóng Tối, kết thúc Ragnarok mãi mãi.

Sự khác biệt của bản điện ảnh

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 10.

Fenrir lúc này trở thành thú nuôi của Hela chứ không còn là anh trai giống trong thần thoại nữa

Thor: Ragnarok là sự kết hợp giữa thần thoại và phiên bản truyện tranh cũng như sự sáng tạo, thêm thắt của Marvel. Bộ phim giống với thần thoại khi không hề có vòng lặp lẫn Những Kẻ Bề Trên Trong Bóng Tối. Thor cũng chẳng hề có sức mạnh Rune King Thor bá đạo trong loạt truyện. Hela và Surtur tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sự kiện này.

Phiên bản điện ảnh của Ragnarok đã được dự báo ngay từ Thor (2011) khi anh bị Odin đày xuống trần gian nhằm trở thành một vị thần tốt hơn. Kết thúc phim, Asgard vẫn bị hủy diệt còn Thần Sấm thì đưa người dân Asgard xuống trái đất để xây dựng một quê nhà mới. Thor cũng được Odin "bơm" cho sức mạnh theo một góc nhìn nào đó.

Thor: Ragnarok - Sự khác biệt giữa thần thoại, truyện tranh và điện ảnh - Ảnh 11.

Kết thúc phim khá giống với nguyên tác truyện tranh

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa điện ảnh và hai phiên bản còn lại là khá lớn. Nguồn gốc của Hela, Fenrir bị thay đổi để phù hợp với cốt truyện, nhiệm vụ của họ cũng có ít nhiều thay đổi khi chỉ muốn chiếm lấy Asgard. 

Loki đổi phe để thêm phần sức mạnh cho các siêu anh hùng. Ngoài ra, Hulk cùng dàn chiến binh Sakaar trong đầu truyện Planet Hulk cũng được gộp vào cho thêm phần đông vui. Con rắn Jormungand hoàn toàn mất dạng (chỉ được cameo rằng Thor thích rắn) còn Balder cũng không thấy bóng. Búa Thor thì bị phá hủy còn anh chàng cũng chưa kịp "có con" với Jane Foster hay Sif.

Nhìn chung, Thor: Ragnarok là sự chuyển thể hợp lý của Marvel để cốt truyện thêm phần hấp dẫn và bớt rối rắm so với nguyên tác.