Thôi đừng chăm chỉ nữa!

An Anh Vũ; Thiết kế: Minh thần kì, Theo Trí Thức Trẻ 08:06 07/04/2020

Mạng xã hội luôn khiến bạn tin rằng bạn đang không tận dụng khoảng “thời gian trống” mà bạn đang có một cách hợp lý. Nhưng việc ở trong nhà và đáp ứng những nhu cầu cơ bản của bản thân cũng có dễ dàng gì?

Khi Dave Kyu, 34 tuổi, một quản trị nghệ thuật ở Philadelphia, nhận được thông tin rằng anh sẽ phải làm việc tại nhà trong tương lai gần sắp tới, anh bắt đầu tưởng tượng về những dự án mới mà anh có thể hoàn thành cho chính căn nhà của mình.

"Chúng tôi đi mua sơn và các phụ kiện tủ kệ, nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiến hành dự án tủ kệ bếp mà chúng tôi đã muốn thực hiện từ lâu," anh chia sẻ. Nhưng hai tuần sau đó, anh và vợ vẫn chưa hề đụng tay vào đống vật liệu. Họ phải chăm hai đứa nhóc và công việc thì vẫn cần họ giải quyết. Không hề có chút thời gian dư dả nào.

"Chúng tôi chợt nhận ra đó là một ý tưởng ngu ngốc," Kyu nói. "Mọi thứ căng thẳng hơn nhiều so với chúng tôi nghĩ.

Khi đại dịch coronavirus bùng phát khiến tất cả mọi người phải ở yên trong nhà, nhiều người bắt đầu cảm thấy áp lực khi phải sắp xếp ngăn nắp mọi căn phòng trong nhà, trở thành đầu bếp tại gia, hay đơn giản là duy trì tập thể dục. Không những thế, Internet luôn liên tục bày ra những bài hướng dẫn, những thử thách viral - lại càng thôi thúc bạn hoàn thành nhiều việc hơn nữa.

"Chúng xuất hiện ở khắp mọi nơi," Julie Ulstrup, 57 tuổi, một nhiếp ảnh gia ở Colorado chia sẻ. "Trên blog cũng có, trên mạng xã hội cũng có, thậm chí trong mấy cái email mà mọi người gửi nhau cũng có, chúng bảo ‘hãy tận dụng thời gian!’, như thể tôi thường lãng phí nó vậy."

Nhưng giữa một đại dịch toàn cầu đang làm đảo lộn mọi mặt của cuộc sống hiện đại, việc hoàn thành công việc đang ngày càng trở nên khó khăn hơn với nhiều người.

"Việc chăm chỉ ngay trong những thời gian thuận lợi nhất đã khó, huống chi là trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu như thế này." Chris Bailey, một cố vấn năng suất công việc và là tác giả của cuốn sách "Hyperfocus: How to Be More Productive in a World of Distraction", đã nói. "Ý tưởng rằng giờ đây chúng ta có nhiều thời gian hơn trong ngày thật tuyệt, nhưng khoảng thời gian này lại không hề thoải mái chút nào. Chúng ta ở nhà vì chúng ta phải ở nhà, và sự tập trung của chúng ta cũng giảm sút trầm trọng vì chúng ta có lẽ đều đã trải qua quá nhiều thứ."

Thôi Đừng “Chăm Chỉ” Nữa - Ảnh 1.

Sau khi văn phòng thông báo đóng cửa vì dịch, Sara Johnson, 30 tuổi, nhân viên của một tổ chức từ thiện, đã lên một kế hoạch chi tiết về những gì cô sẽ làm trong vòng ba tiếng đồng hồ mà cô tiết kiệm được mỗi ngày nhờ không phải di chuyển đi làm. "Tôi ngồi lại vào dịp cuối tuần và cảm thấy mình không tối ưu hóa được lượng thời gian mà mình thường không có được trước đây." cô nói.

"Tôi đặt lịch mỗi ngày một giờ đồng hồ để tập thể dục. Sau đó tôi sẽ họp trực tuyến trong 3 tiếng, rồi đi làm bữa sáng, đi dạo sau khi ăn trưa, làm gì đó ngoài màn hình máy tính vào buổi xế, rồi nấu nướng cho buổi chiều và đi chạy bộ," cô chia sẻ. Cho đến hiện tại, cô phải thừa nhận, "không điều gì trong kế hoạch trên còn đi theo dự tính."

Sự thôi thúc phải thật chăm chỉ, ngay cả khi trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, là một phần trong văn hóa "luôn-làm-việc". Trong một bài báo gần đây trên tờ The New Republic, Nick Martin đã viết rằng "ý niệm này là hệ quả tất yếu của lối sống hối hả kiểu Mỹ - một ý tưởng rằng mỗi giây trong cuộc đời chúng ta đều phải hướng đến lợi nhuận hay việc tự cải thiện bản thân." Drew Millard phát biểu một cách thẳng thắn hơn trong một bài viết trên tờ The Outline: Nếu bạn may mắn có một công việc, thì người duy nhất quan tâm đến việc bạn đang làm gì lúc này chỉ có sếp bạn thôi.

Thôi Đừng “Chăm Chỉ” Nữa - Ảnh 2.

Annie Helen Petersen, một nhà báo và tác giả của cuốn sách "Can’t Even: How Millennials Became the Burnout Generation", cũng ủng hộ luận điểm trên. "Chúng luôn muốn làm việc trong bất kì khoảnh khắc nào, ở một mức độ nào đó," cô chia sẻ. "Chẳng hạn như khi tôi đang đi bộ, tôi vẫn muốn nghe tin tức để biết nhiều hơn, và cải thiện bản thân tốt hơn."

Petersen cho rằng khao khát muốn tối ưu hóa mọi giây phút như trên đặc biệt thường thấy ở thế hệ millennial, và đa phần trong số họ đang phải cân bằng giữa công việc và chăm con tại nhà. "Tôi nghĩ đối với thế hệ millennial, não của chúng ta đang vụn vỡ bởi áp lực về năng suất." cô nói. "Có thể bạn sẽ chấp nhận từ bỏ hoặc lúc nào cũng cảm thấy tệ."

Thôi Đừng “Chăm Chỉ” Nữa - Ảnh 3.

Maggie Schuman, 32 tuổi, đang phải đối mặt với một tình huống khó xử khi gia đình cô tham gia một thử thách trên ứng dụng tập thể dục của Peloton.

"Mỗi ngày mọi người đều truyền đi một dấu tích xanh, và bởi một lý do nào đó, giờ đây mỗi khi trong đầu tôi có một việc gì đó mà lẽ ra tôi phải làm, tôi sẽ không làm nó." Schuman chia sẻ. "Tôi cảm thấy có hơi chút thất bại." Cô cũng phớt lờ chị gái mình khi được tag vào một thử thách chống đẩy trên Instagram.

Thay vào đó, Schuman bắt đầu viết nhật ký và học cách chấp nhận. "Bạn lẽ ra phải nghĩ ra một ý tưởng lớn nào đó cho công việc hoặc làm một điều gì đó tuyệt vời cho đáng với thời gian được ở nhà." cô nói. "Nhưng tôi đang cố chấp nhận việc tôi chỉ đơn giản là sống."

Thôi Đừng “Chăm Chỉ” Nữa - Ảnh 4.

Noelle Kelso, 38 tuổi, một cố vấn khoa học ở Georgia, chia sẻ rằng cô luôn muốn "chăm chỉ trong từng khoảnh khắc nhỏ" nhưng những sự kiện gần đây đã khiến cô phải thay đổi góc nhìn.

"Đối với nhiều người hiện tại, dù bạn thuộc tầng lớp thượng lưu, trung lưu hay lao động, công việc của bạn đều bị ảnh hưởng, và thậm chí cuộc sống, sức khỏe của bạn cũng bị ảnh hưởng," cô nói. Hiện tại, cô chỉ đang cố để không khiến tâm trí mình ‘rơi vào tình trạng hoảng sợ, lo lắng hay căng thẳng.’ và thay vào đó, cô tự động viên bản thân "giữ vững niềm tin và sự biết ơn."

"Sự căng thẳng hay áp lực chỉ càng khiến hiệu năng công việc giảm đi nặng nề mà thôi," Ulstrup nói. "Tôi đang tải căng thẳng vào người trong một thời kỳ sẵn đã căng thẳng rồi."

Adam Hasham, 40 tuổi, một quản lý sản phẩm ở Washington, cho rằng chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi mọi người nhận ra rằng việc tối ưu hóa bản thân chỉ là chuyện phù phiếm. "Tôi đã ngừng nhìn vào ánh sáng ở cuối đường hầm," anh nói, cho rằng sự lạc quan của anh đã biến mất.

"Cảm giác như bạn bị dìm dưới nước vậy," Hasham nói.

Petersen nói rằng giữ được tình thương trong một thời kỳ như thế này là điều then chốt nhất. "Tôi nghĩ rằng mỗi người sẽ đối mặt với nó theo một cách khác nhau, và việc chê bai những ai không hành xử giống bạn hay ở trong một tình huống khác thực sự là một xu thế," cô chia sẻ.

Tìm những niềm vui nho nhỏ cũng rất hữu ích. Bailey đưa ra một lời đề nghị: "Làm chút đồ ăn và nhâm nhi một chai rượu cùng người thân. Chúng ta đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, và giờ quan trọng là cần phải tiếp tục bình tĩnh."

---

Được dịch từ bài viết "Stop Trying to Be Productive" của The NewYork Times.