Thì ra Trái đất từng có loài "sát thủ trên không" to như chiếc máy bay và ăn thịt cả khủng long

Minh Hòa, Theo Trí thức trẻ 18:35 11/11/2017

Với sải cánh tương đương chiếc máy bay cỡ nhỏ và có thể xơi tái cả khủng long, loài quái thú này từng thống trị bầu trời 70 triệu năm trước.

Các nhà khoa học vừa khai quật được hóa thạch của một loài động vật bay khổng lồ tại Mông Cổ.

Trang Newsweek miêu tả, loài quái vật này có mỏ dài, khi đứng dưới mặt đất thì cao không kém gì hươu cao cổ, có thể phóng vút lên bầu trời chỉ trong vài giây và thường xuyên bay lượn. Đó là nhận định mà các nhà khoa học đưa ra sau khi nghiên cứu 5 mảnh đốt sống cổ hóa thạch được tìm thấy tại khu khảo cổ Nemegt Formation nằm trên sa mạc Gobi, Mông Cổ.

Thì ra Trái đất từng có loài sát thủ trên không to như chiếc máy bay và ăn thịt cả khủng long - Ảnh 1.

Những mảnh xương của con "quái vật mỏ dài" được các nhà khoa học khai quật.

Kết quả nghiên cứu đăng trên trang JVP (Tạp chí Cổ sinh Động vật có xương sống) tiết lộ, hóa thạch thuộc về loài thằn lằn bay khổng lồ (pterosaur) nay đã tuyệt chủng. Theo đó, động vật này thuộc họ Azhdarchidae, cùng họ với Quetzalcoatlus – loài dực long (thằn lằn bay) được phát hiện năm 1971.

Nhà khảo cổ học Takanobu Tsuihiji từ Đại học Tokyo – một thành viên trong nhóm nghiên cứu kể lại: "Khi nhìn thấy các mảnh hóa thạch, tôi lập tức nhận ra đó là loài thằn lằn bay, tôi khá ngạc nhiên trước kích thước khổng lồ của nó. Ngay sau đó, chúng tôi trở lại địa điểm khảo cổ để khai quật nốt những mẫu vật còn lại".

Với sải cánh dài tới 10m tương đương với loài Quetzalcoatlus, sinh vật mới được phát hiện này có thể là một trong những loài dực long lớn nhất từng được biết tới. Song, cũng theo các chuyên gia, mọi sự kết luận chắc chắn ở thời điểm hiện tại đều là vội vàng vì đây chỉ là hóa thạch của một cá thể, kích cỡ trung bình của cả loài có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn. Tuy vậy, khả năng cao loài săn mồi này có một cái cổ rất to và nặng, thiếu cân đối so với toàn bộ cơ thể. Nếu cơ thể chúng lớn hơn nhiều so với dực long Quetzalcoatlus thì bay lượn quả là một điều khó khăn.

Thì ra Trái đất từng có loài sát thủ trên không to như chiếc máy bay và ăn thịt cả khủng long - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Một điều thú vị ở phát hiện lần này là đây là hóa thạch thằn lằn bay đầu tiên được tìm thấy ở châu Á. Điều đó cũng đồng nghĩa, không chỉ xuất hiện ở Bắc Mỹ và châu Âu, loài bò sát bay này còn mở rộng "địa bàn hoạt động" sang tận châu Á, thay đổi những đánh giá trước đó về khu vực sinh sống của loài vật này.

Dù sống cùng thời kỳ với khủng long (tức ở kỷ Phấn Trắng, 70 triệu năm về trước), nhưng thằn lằn bay thuộc loài bò sát có cánh, chứ không phải khủng long như mọi người vẫn nhầm tưởng. Với kích thước to lớn vượt trội, loài vật này có thể ăn thịt những con khủng long con dưới mặt đất và dễ dàng thống lĩnh cả bầu trời.

(Nguồn: Newsweek)