Thêm một quan điểm cực "chất" về việc xóa trường chuyên đang gây tranh cãi: 5 việc cần làm sau đây mới là quan trọng

Minh Hà, Theo Nhịp Sống Việt 07:58 01/07/2020

Chủ đề nóng về trường chuyên đang gây tranh cãi thời gian gần đây tiếp tục ghi nhận thêm một ý kiến sâu sắc...

Anh Giang Nguyễn từng tốt nghiệp ĐH Cornell và ĐH Luật Boston, hiện là Giám đốc The Ivy-League Vietnam. Xoay quanh chủ đề trường chuyên đang nhận được hàng nghìn ý kiến trái chiều từ phụ huynh, chuyên gia trong suốt thời gian qua, anh Giang Nguyễn cũng đã đưa ra quan điểm của mình và nhận được sự đồng tình từ cộng đồng mạng.

Anh cho rằng, thay vì bình luận chỉ trích trường chuyên đã lỗi thời, hãy bình luận cụ thể trường chuyên cần cải tổ những gì. Nguyên văn bài chia sẻ của anh Giang Nguyễn như sau:

"Tôi muốn khẳng định giáo dục năng khiếu và tài năng (Gifted and Talented Education) chưa bao giờ là lỗi thời cả. Nếu muốn biết cụ thể, hãy học tập những gì Singapore, châu Âu, Mỹ, Hàn, Nhật đã và đang làm.

Nước Nhật trước kia không có mô hình giáo dục này và đề cao giáo dục đại đồng, học sinh tài năng và học sinh khác đều nhận được sự giáo dục như nhau. Nhưng gần đây đã chú trọng rồi.

Triết lý của giáo dục năng khiếu và tài năng (sau đây gọi là giáo dục chuyên) xuất phát từ luận điểm cho rằng những con người có khả năng đặc biệt cần môi trường đặc biệt để phát triển.

Điều đáng nói là giáo dục chuyên ở các nước khác ta ở chỗ họ không chỉ đào tạo các em gà nòi để đi thi lấy thành tích cao mà đào tạo ra những con người có năng lực đặc biệt về một lĩnh vực nào đó có ích cho sự phát triển của xã hội.

Thêm một quan điểm cực chất về việc xóa trường chuyên đang gây tranh cãi: 5 việc cần làm sau đây mới là quan trọng - Ảnh 1.

Nhìn vào cách tuyển chọn học sinh để quy hoạch nhân tài của Singapore thì mới thấy họ thực hiện giáo dục chuyên bài bản, không đặt nặng thành tích thi cử mà đặt nặng yếu tố phát triển con người và tài năng.

Tôi tạm không đi vào bàn chi tiết các mô hình giáo dục chuyên trên thế giới trong bài này, nhưng một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng giáo dục chuyên chưa bao giờ lỗi thời.

Những quan điểm hô hào xóa sổ hệ thống trường chuyên có lẽ đã nhìn nhận giáo dục chuyên một cách cực đoan chăng?

Theo tôi, hệ thống trường chuyên ở Việt Nam không những không nên xóa mà còn phải được đầu tư mạnh hơn để cải tổ triệt để.

Tôi có mấy đề xuất thế này:

Từ thượng tầng, chúng ta bỏ ngay việc đặt nặng thành tích huy chương quốc gia, quốc tế lên hàng đầu mà hãy thiết kế lại mô hình trường chuyên theo hướng đào tạo nhân tài thực thụ cho quốc gia, nhân loại. Bây giờ ai đi khoe nước tôi có bao nhiêu huy chương vàng toán mà nên khoe nước tôi có bao nhiêu bằng sáng chế!

Khi xác định được triết lý vận hành của trường chuyên thì nghĩa là chúng ta đã cải cách được một nửa rồi vì đó là phần hồn. Việc còn lại là cải cách cái thân xác.

Thứ nhất: Các trường chuyên cần cải tổ ngay khâu tuyển sinh

Liệu chúng ta có chắc chắn rằng hàng ngàn học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên hàng năm thực sự có năng khiếu về môn chuyên đó? Hay chúng ta mới chỉ tuyển chọn dựa trên kết quả bài thi? Tôi nhớ câu của ông Nguyễn Minh Thuyết nói: học sinh trường chuyên chỉ là thợ giải bài tập. Ông Thuyết nói thế là không oan chút nào đâu.

Các em học các lò luyện thi chuyên chỉ chăm chăm giải bài tập qua ngày tháng hằn sâu vào não bộ rồi. Nhiều em vào được chuyên xong là lơ là ngay chính môn chuyên của mình, không còn đam mê với khoa học mà chỉ học mang tính đối phó. Các em vào học chuyên nhưng thực sự chỉ có lớp đội tuyển mới gọi là học chuyên, mới đáng được gọi là gà nòi còn 90% học sinh còn lại thì cũng học như bình thường thôi.

Như vậy nếu để trường chuyên thực sự là chuyên theo kịp với xu hướng nhân loại thì chúng ta cần cải tổ ngày từ khâu đầu vào. Làm sao để phát hiện năng khiếu thực sự là một vấn đề nan giải. Năng khiếu một con người cần được vun dưỡng qua thời gian nhưng cũng cần được giám sát. Các trường cần phải gạn lọc, loại trừ và tuyển mới nếu sau một thời gian học sinh chuyên đó không còn giữ được niềm đam mê với môn chuyên.

Sẵn sàng loại bỏ những nhân tố thui chột để tuyển mới các em có đam mê thực sự là một điểm đáng cân nhắc. Đã vào chuyên là phải có tài năng nổi bật về môn chuyên và khát khao kiến thức, chứ vào chuyên chỉ để khoác áo thì uổng phí đầu tư của nhà nước và gia đình.

Thêm một quan điểm cực chất về việc xóa trường chuyên đang gây tranh cãi: 5 việc cần làm sau đây mới là quan trọng - Ảnh 2.

Thứ hai: Các trường chuyên cần cải tổ khâu đào tạo

Các chuyên gia hãy ngẫm nghĩ các cháu trong trường chuyên học những gì? Và học như thế thì có xứng đáng gọi là chuyên không? Riêng tôi thì thấy 3 năm học chuyên của đại đa số học sinh chuyên đang thực sự lãng phí. Nếu đã gọi là vào chuyên, thì phải học đúng cái chuyên đó. Môn chuyên phải thực sự giỏi. Các em phải học làm nghiên cứu khoa học về chuyên ngành của mình. Các thầy ngoài việc dạy lý thuyết trên lớp bằng bảng đen và phấn trắng thì cũng nên giao đề tài, viết tiểu luận, đi sâu nghiên cứu theo từng chuyên đề, khuyến khích các em làm nghiên cứu độc lập.

Sang thăm các trường ở một số nước, tôi thấy học sinh cấp 3 của họ (không cần phải trường chuyên) đã làm việc trong phòng thí nghiệm như một nhà nghiên cứu thực sự. Xét về kỹ năng giải bài tập có lẽ các em đó thua xa học sinh Việt Nam nhưng xét về tầm nhìn khoa học hãy kiến thực phổ quát cũng như chuyên sâu có lẽ học sinh Việt Nam thua họ. Thua không phải vì học dở hay học sinh ta kém thông minh hơn họ, mà thua về phương pháp và triết lý giảng dạy: một bên là luyện đề còn một bên là luyện nghề.

Đã vào chuyên thì không tránh được học lệch. Rõ ràng môn chuyên phải chiếm phần lớn thời gian. Với phân phối chương trình như hiện nay thì thực sự để phân bổ thời gian cho môn chuyên nhiều hơn là khó vì còn phải đảm bảo các môn còn lại. Tôi nói thật chứ chẳng có nước nào học 13 môn/học kỳ như ở Việt Nam cả đâu. Học sinh ở các nước mà tôi biết chỉ học 3, 4 môn mỗi học kỳ thôi.

Các em được quyền lựa chọn môn học. Không hiểu sao họ không hề có môn giáo dục công dân mà học sinh vẫn rất yêu nước, cư xử xã hội chuẩn mực, hiểu biết rất rộn về âm nhạc, lịch sử, văn học nghệ thuật. Còn ta cái gỉ gì gi cũng đưa vào học mà cuối cùng chẳng học hành gì cả. Học sinh ngồi trong giờ văn thì giở toán ra làm, trong giờ sử thì giở tiếng Anh ra làm, trong giờ giáo dục công dân thì ngáp ngủ.

Vậy cải tổ lại chương trình với học sinh chuyên là để giúp các em thực sự có thời gian phát triển tài năng về lĩnh vực chuyên của mình là điều nên làm. Quỹ thời gian và sức tiếp thu của con người có hạn, làm sao tiếp thu nổi tất cả 13 thứ cùng một lúc đây.

Thứ ba: Nên cải tổ trường chuyên theo hướng cắt bớt môn chuyên

Chúng ta nên tập trung nguồn lực đào tạo các nhân tài về một số lĩnh vực toán và khoa học. Các trường chuyên không phải là cái giàn hợp xướng mà môn gì cũng chuyên cả. Tôi thấy trong khi điều kiện ngân sách chưa cho phép thì tập trung nguồn lực đào tạo các ngành chuyên khoa học cơ bản thôi. Đó mới là những gì đất nước cần. Các môn chuyên khác cũng rất cần cho cuộc sống và sự phát triển của xã hội nhưng có lẽ không cần phải học chuyên đâu. Có mấy cháu học chuyên văn mà thành nhà văn lỗi lạc đâu? Hay các ngành ngoại ngữ cũng nên bớt chuyên đi. Ngày nay học ngoại ngữ là cái gì đó tất yếu, phổ thông quá rồi đâu cần phải đi đào tạo chuyên nữa. Nói ra điều này các phụ huynh đừng giận. Tôi nói chân tình đó.

Nếu làm được như thế thì ngân sách đầu tư cho trường chuyên sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Khỏi phải co ro, vặt mũi đút miệng nữa. Học sinh tài năng sẽ được chăm bẵm xứng đáng.

Thứ năm: Chính các phụ huynh phải cải tổ tư duy và nhận thức về học chuyên

Tâm lý cho con vào trường chuyên bằng mọi giá dù con không có đam mê và tài năng thực sự về môn chuyên. Con không đủ vào chuyên này thì thi vào chuyên khác dù con chả có chút thiên bẩm gì về cái chuyên đó cả. Tôi lấy ví dụ nhé thi trượt chuyên Anh thì tụt xuống chuyên Nga, chuyên Trung... thế chẳng là cố đấm ăn xôi cho con vào chuyên bằng được hay sao?

Tôi hiểu tâm lý phụ huynh là muốn con mình vào môi trường tốt để học tập cùng với các bạn có tư chất ngang hoặc hơn con mình từ đó khích lệ các cháu phát triển. Nhưng chính vì tư duy đó khiến trường chuyên cứ phình ra mà đón nhận, mở thêm môn này, hệ kia làm pha loãng cả mục đích nguyên thủy của trường chuyên đó.

Tôi vẫn khẳng định lại quan điểm của mình: Không nên vì những điều bất cập của trường chuyên mà xóa đi cả một hệ thống lâu đời. Thay vì đạp đổ, chúng ta hãy cải tổ để trường chuyên đúng nghĩa là chuyên!

Không thể cứ mãi vừa hồng vừa chuyên!