Thêm một bé trai bị chó cắn thủng tay và gáy khi cho chó ăn

Chi Lê, Theo VTC News 20:45 23/07/2018

Cháu bé bị chó cắn được đưa tới khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với vết cắn sâu hoắm trên tay và gáy, hai vết thương nặng đều do chó nhà gây ra.

Sự việc bé gái 8 tháng tuổi vừa bị chó ngao Tây Tạng cắn chết thương tâm chưa nguôi, lại xảy ra một vụ chó nhà cắn chủ khác. Bé trai ở Hưng Yên bị chó cắn vào tay và vùng gáy chỉ mới 10 tuổi.

Cậu bé này bị chó nhà cắn khi cho chó ăn. Vết thương sâu hoắm khiến cháu bé mất nhiều máu, đang phải tiếp tục theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thêm một bé trai bị chó cắn thủng tay và gáy khi cho chó ăn - Ảnh 1.

Cháu bé bị chó nhà tấn công ở vùng tay và gáy. (Ảnh: Facebook bác sĩ Ngô Đức Hùng)

Thông tin về bệnh nhân bị chó cắn được bác sĩ Ngô Đức Hùng - công tác tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ trên trang cá nhân.

Theo bác sĩ Hùng, cháu bé bị chó nhà cắn, trong lúc đang cho chó ăn. Cháu bé được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị chó cắn nát tay, có cả vết thương sau gáy, cháu bị mất nhiều máu, vết thương sâu đến tận xương.

Bác sĩ Hùng chia sẻ thêm: "Thời gian gần đây, tai nạn do thú vật cắn, đặc biệt là do chó cắn bắt đầu xuất hiện nhiều.

Vừa mấy hôm trước, bên BV Việt Đức có cháu bé bị chó ngao cắn chết mình nghe tin mà xót hết cả ruột.

Nhớ ngày xưa, hàng xóm có con chó dữ, thỉnh thoảng mình đi qua nhà họ lại bị nó đuổi, có lần bị cắn vào chân phải tiêm phòng dại, thời ấy, chỉ có giống chó ta, không to như chó tây bây giờ.

Bây giờ, nhân dân ở các thành phố lớn theo trào lưu nuôi chó dữ làm cảnh, mỗi lần đi đâu thấy có thanh niên dắt con chó bull dãi dớt lòng thòng chạy lông nhông, mình lại dựng hết cả tóc gáy.

Bệnh dại đang quay lại. Từ năm 2015 trở về trước, đời bác sĩ nội trú, mình gặp đúng 1 ca dại lên cơn. Thế mà từ 2015 đến nay, mỗi năm vài ca. Vừa xong, một bạn bác sĩ thú y lên cơn dại chết ở viện. Đáng sợ quá, đáng sợ quá".

"Nhà có trẻ con, thì nhất định đừng nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân phải tiêm phòng đầy đủ, chó phải được thuần dưỡng, chó ra đường phải rọ mõm, đặc biệt là không được nuôi giống chó dữ...", bác sĩ Hùng khuyên.

Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ em bị chó cắn, người nhà cần sơ cứu, rửa sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước sạch càng sớm càng tốt.

Cách tốt nhất là rửa vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó sát trùng bằng cồn hoặc cồn i-ốt, ngoài ra có thể dùng các chất sát trùng thông thường sẵn có như rượu, cồn, xà phòng,...

Trong trường hợp trẻ bị mất máu quá nhiều, gia đình hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.

Sau khi bị chó cắn, ai cũng phải tiêm vắc xin phòng dại. Vì bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bị chó, mèo hay các động vật khác bị dại hoặc nghi ngờ bị dại cắn.

Để phòng chống bệnh dại, mỗi người cần có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; không bán hoặc tiêu thụ thịt chó, mèo… bị ốm hoặc nghi ngờ dại vì có thể làm cho bệnh dịch lây lan.

Người dân cũng cần nhốt hoặc theo dõi chó, mèo trong vòng 1 tuần, nếu có biểu hiện bất thường hoặc ốm, chết thì phải đưa người bị chó mèo cắn đi tiêm phòng ngay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày