"The Magnificent Seven" và thăng trầm dòng phim viễn Tây

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 21/09/2016

Liệu 7 anh chàng cao bồi đa sắc tộc trong "Magnificent Seven" có đưa khán giả trở lại kỷ nguyên huy hoàng của dòng phim viễn Tây?

Từ thuở bình minh của điện ảnh, dòng phim cao bồi đã trở thành một biểu tượng anh hùng trên màn ảnh khiến vạn người mê. Từ The Good, The Bad, and the Ugly, Treasure of the Sierra Madre, Butch Cassidy and the Sundance Kid, The Wild Bunch, The Man Who Shot Liberty Valance tới gần đây là 3:10 to Yuma hay The Killer Inside Me, nhiều tác phẩm lấy bối cảnh miền Tây đã đi vào lịch sử.

Tuy nhiên theo thời gian, ý tưởng về những cao bồi đã dần cạn kiệt. Người ta không còn ham những áo da súng ngắn bên hông, phi ngựa vun vút dưới bầu trời khô khốc, mà dần ưa nhìn những tòa nhà chọc trời vỡ vụn giữa trận chiến của các siêu anh hùng. Liệu có phải dòng phim viễn Tây đã trở nên lỗi mốt, hay chính thị hiếu của khán giả đang dần làm khó các nhà làm phim khiến dòng phim này đang dần vắng bóng trên màn ảnh rộng?

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 1.

Phim "Broken Arrow" năm 1950

Phim miền Tây và chiếc dây cương lịch sử

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 2.

Paul Newman trên phim trường "Hombre" (1967)

Có những câu chuyện được kể lại về lịch sử của dòng phim cao bồi, ở đó chúng sinh ra như một thứ nghệ thuật để biện minh cho việc người da trắng xâm chiếm và tàn sát người da đỏ bản địa, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, nữ quyền, nghiệp đoàn, văn minh và công nghiệp hóa.

Từ Redskin năm 1921 tới Broken Arrow năm 1950 và Dances with Wolves năm 1990, mọi thứ được cô đọng trong hình ảnh một cao bồi phi ngựa nước đại giương họng súng về phía trước. Giai đoạn hoàng kim của dòng phim miền Tây được kể lại bằng những Stagecoach (1939), High Noon (1952), Ride Lonesome (1956), The Magnificent Seven (1960), A Fistful of Dollars (1964), For a Few Dollars More (1965), The Good, The Bad, and the Ugly (1966), The Wild Bunch (1969)…

Những người Mỹ, đủ đầy với vật chất tiện nghi trong thời kì kinh tế dư dật, đua nhau tới rạp để xem cuộc đối đầu giữa những kẻ ngoài vòng pháp luật, săn vàng, săn đầu người để nhận tiền thưởng, chiến tranh giữa người da trắng và thổ dân bản địa, hay công cuộc khai phá chế ngự thiên nhiên cằn cỗi miền Tây. Hollywood muốn khán giả ngưỡng mộ khí chất anh hùng trong những vai chính diện, những kẻ có đạo đức, tin tưởng vào danh dự và hy sinh trong những Shane, The Searchers, Butch Cassidy and the Sundance Kid, McCabe & Mrs. Miller... Và khán giả đã phản ứng y hệt những gì họ mong muốn.

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 3.

John Wayne – một tượng đài của dòng phim miền Tây

11/06/1979 , ngày mà Marion Mitchell Morrison – hay còn được thế giới biết tới rộng rãi với cái tên John Wayne – ra đi, người ta bảo nhau rằng từ đây dòng phim cao bồi sẽ dần trở nên xa lạ với thế giới. Bởi đơn giản, một trong những người nắm trong tay linh hồn của nó đã không còn. Tương tự như những cái tên John Ford, Howard Hawks hay Anthony Mann, họ đều ra đi trước khi thập kỉ 70 kết thúc, để lại một khoảng trống lớn không thể bù đắp cho dòng phim cao bồi khiến khoảng thời gian 20 năm từ 1970 đến 1980 là hai thập kỉ cằn cỗi vô cùng của phim miền Tây.

Người Mỹ lúc này cũng dần bận rộn với những cuộc chiến tranh mà họ tạo ra và sa lầy vào đó, đặc biệt là tại Việt Nam. Với làn sóng phản chiến dâng cao, số lượng nhân vật cao bồi là antihero (phản anh hùng) trên màn ảnh tăng lên, những nhân vật trong phim viễn Tây xuất hiện trên màn ảnh cũng theo đó mà trở nên tăm tối và phức tạp hơn.

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 4.

"Dance with Wolves" (1990)

Chiến tranh lạnh kết thúc, nước Mỹ hồ hởi giữ vị trí kẻ chiến thắng, người dân hài lòng với những chính sách vực dậy của tổng thống Reagan và trùng hợp thay, Unforgiven của Clint Eastwood ra đời hồi sinh thứ chủ nghĩa anh hùng của phim viễn Tây thời kì đầu. Tương tự là Dances with Wolves (1990) của Kevin Costner. Những năm đầu thiên niên kỷ 21 với các chính sách không được lòng dân từ phía tổng thống George W. Bush, dòng phim miền Tây phong cách cũ cũng đột ngột vắng bóng và từ đó gần như biến mất khỏi màn ảnh rộng.

Phim miền Tây thời hiện đại – Đối mặt với cái túi tiền và chủ nghĩa chống phân biệt

Dòng phim cao bồi đã gắn chặt với tấm poster cũ kĩ vẽ hình ảnh một anh chàng da trắng với mũ da, súng ngắn lăm lăm trên tay. Tuyệt nhiên phụ nữ, người da đen, người da vàng không có chỗ. Không phải khán giả không nhận ra, nhưng họ đã cố tình lờ đi cho tới khi các cuộc vận động chống phân biệt nổ ra ngày càng nhiều trong và ngoài Hollywood.

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 5.

Clint Eastwood trong "The Good, The Bad and the Ugly"

True Grit, The Assassination of Jesse James by the Coward Robert Ford , The Lone Ranger, Wild Wild West, thậm chí cả Brokeback Moutain được ra mắt trong những năm gần đây tiếp tục lấy nhân vật chính trong phim là người da trắng như một điều tất nhiên, thậm chí cho diễn viên da trắng vào vai thổ dân (Johnny Depp, mặc dù anh chàng có một chút gốc gác người bản địa). Đấy là chưa kể tất cả trong số trên (trừ Brokeback Moutain) đều được chỉ đạo bởi nam đạo diễn da trắng.

Người ta khó có thể làm một bộ phim về cướp biển mà thiếu đi cảnh mua bán nô lệ và đi tìm kho báu. Tương tự, khó có thể hình dung một bộ phim viễn Tây thiếu đi hình ảnh đối đầu giữa cao bồi và người da đỏ, hay những người giữ đất đối đầu với các ông trùm đường sắt, những hình ảnh hoặc có thể gây giận dữ với khán giả hiện đại, hoặc không khiến họ thấy thú vị.

Khi điện ảnh hội nhập và tìm kiếm những khán giả mới tới từ thị trường nước ngoài, nhất là Trung Quốc, phim viễn Tây bỗng dưng bị bỏ lại ở địa hạt như chỉ dành riêng cho người Mỹ. Vì thế có thể coi thất bại phòng vé của Lone Ranger như một trong những nỗ lực cuối cùng hồi sinh cho chủ nghĩa anh hùng thời kỳ đầu của thể loại phim viễn Tây.

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 6.

Vấn đề tiếp theo mà những nhà làm phim phải đối mặt khi muốn dựng lại một miền Tây hoang vu chính là cái túi tiền. Ngân sách để làm một bộ phim miền Tây không phải là nhỏ. Peter Sarsgaard, người sẽ vào vai phản diện trong bản remake của The Magnificent Seven cho biết để làm được bộ phim phải ngốn rất nhiều tiền vào phục dựng hạ tầng, trang phục và nhất là ngựa. Nếu như trước đây việc thuê ngựa để đóng phim miền Tây là một điều đơn giản, thì nay là một công việc "mướt mồ hôi" với cánh sản xuất.

The Magnificent Seven và nhiệm vụ hồi sinh dòng phim viễn Tây

Được làm lại từ tác phẩm kinh điển cùng tên The Magnificent Seven năm 1960, mà bộ phim cũ thực chất cũng là phiên bản Mỹ của bộ phim Nhật Seven Samurai năm 1954, The Magnificent Seven được kỳ vọng sẽ tạo nên thành công thương mại cho dòng phim viễn Tây vốn đã quá nhiều bom xịt và thiếu bom tấn dạo gần đây.

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 7.

Bản remake này đã giải quyết câu hỏi về tính đa dạng khi dàn nhân vật trong phim được thay bởi các ngôi sao đa quốc tịch, từ Denzel Washington, Chris Pratt, Ethan Hawke, Vincent D'Onofrio, Lee Byung-hun, Manuel Garcia-Rulfo, Martin Sensmeier, Haley Bennett tới Peter Sarsgaard. Câu hỏi còn lại là liệu tính đa dạng của phim có đáp ứng được thị hiếu của khán giả, và bộ phim có sai lạc tinh thần của một tác phẩm viễn Tây hay không thì còn phải chờ đợi ngày phim ra mắt.

Dòng phim cao bồi là sản phẩm của lịch sử và chính trị, liệu phim viễn Tây có còn đúng là phim viễn Tây khi diễn viên chính là người Trung Quốc? Liệu các nhà làm phim có nên bỏ lại các anh hùng cao bồi lại như một dấu ấn của lịch sử, tương tự như những gì chúng ta đối xử với dòng phim câm. Các tác phẩm đang thống trị phòng vé hiện nay đang làm rất tốt vai trò của chúng – truyền tải một thế giới tiến bộ về khoa học – kỹ thuật và các trận chiến long trời lở đất thách thức trí tưởng tượng của con người.

The Magnificent Seven và thăng trầm dòng phim viễn Tây - Ảnh 8.

Tuy nhiên, phải nhớ rằng không một dòng phim nào gắn kết chặt chẽ với lịch sử - đặc biệt là thời kì trước Thế chiến II như dòng phim viễn Tây. Cũng không có thể loại nào phát triển thứ ngôn ngữ điện ảnh giàu có và phong phú đóng vai trò là trái tim của văn hóa nghệ thuật thế giới trong suốt một thế kỷ như phim viễn Tây.

Lịch sử của phim miền Tây đã trải qua từ thời kỳ phim câm với The Covered Wagon (1923), The Iron Horse (1924), hay Tumbleweeds (1925), tới kỷ nguyên vàng phim cao bồi cùng Outlaw (1943), Duel in the Sun (1946), High Noon (1952), Vera Cruz (1954) hay The Big Country (1958), cho tới các phim miền Tây hạng B, phim miền Tây thể loại Noir, phim miền Tây theo chủ nghĩa xét lại… cho thấy sức sống lâu bền và khả năng thích nghi với những thay đổi.

Thành công của những "Western films" thời gian gần đây như No Country for Old Men (2007), The Hateful Eight (2015), Django Unchained (2012), Cowboys & Aliens (2011) hay series truyền hình Preacher (2016) cho thấy tác dụng khi thêm thắt những ý tưởng hiện đại hoặc đưa yếu tố đa dạng sắc tộc vào chất liệu thô ráp của miền Tây nước Mỹ. Đây cũng là một hướng đi cho dòng phim viễn Tây để thích nghi với những điều kiện mới từ văn hóa và thị hiếu khán giả.

Nhân dịp The Magnificent Seven được chiếu tại Việt Nam, hãng phát hành dành tặng khán giả 8 vé xem phim tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bạn hãy bình chọn xem phim tác phẩm nào về Cowboy nào là ấn tượng nhất từ trước đến nay và gửi vào hòm thư cinegame@kenh14.vn kèm thông tin cá nhân chi tiết. Chúc bạn may mắn!