"The Greatest Showman" và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình

Splendid River, Theo Trí Thức Trẻ 15:00 10/01/2018

"The Greatest Showman" không chỉ dừng lại là một bộ phim nhạc kịch xuất sắc mà còn là một khúc ca nhiệt huyết của người nghệ sĩ.

Nếu bạn là một người với tâm hồn nghệ sĩ và mơ ước về một tương lai sống chết với đam mê nghệ thuật của mình giống như người viết, chắc chắn rằng bạn sẽ được ngập tràn trong cảm xúc khi xem The Greatest Showman.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 1.

Từ đầu tới cuối, câu chuyện của The Greatest Showman dường như đang nói hộ lòng của những người nghệ sĩ trẻ luôn phải vật lộn với đam mê của mình: Từ những khó khăn về tài chính, những định kiến xã hội, những hoang mang về tương lai. Cùng với phần âm nhạc được dàn dựng tuyệt vời, The Greatest Showman đã chạm tới tâm hồn của những người đang theo đuổi con đường nghệ thuật đầy trắc trở.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 2.

Các bài hát được viết bằng những ca từ đẹp nao lòng, và phần phối khí được thiết kế để khiến người xem rung động bằng cách này hay cách khác, nâng cảm xúc của họ tới khi rơi lệ. Người viết có thể nhìn thấy chính mình trong nhân vật Phineas của Hugh Jackman, và đã không thể kiềm chế được những giọt nước mắt.

Nhạc phim được dựng theo phong cách nhạc hiện đại, có cả sự pha trộn điện tử với tinh thần của nhạc kịch, nhưng hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xưa cũ của nước Mỹ thế kỷ 19. Đây chính là một bộ phim tuyệt vời để tôn vinh tinh thần của những bản nhạc kịch kinh điển trong lịch sử điện ảnh. The Greatest Showman không ngừng lạc quan, không ngừng truyền cảm hứng xuyên suốt, bởi vì những nhân vật trong phim luôn chủ động nắm lấy vận mệnh của chính mình, vượt qua các thử thách của cuộc đời, vươn xa và nắm lấy giấc mơ của đời mình mà không hề nao núng.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 3.

Đây là câu chuyện của những đam mê "thực thụ", tinh khiết, về tình yêu và những sự cố gắng, về những cảm xúc hết sức "thật" cho dù mang vẻ ngoài có phần tươi sáng. Những nhân vật này, họ đang hát về những điều từ tận sâu trong trái tim mình thật rõ ràng và vang vọng, về những điều mà họ sẵn sàng dâng hiến cả mạng sống của mình.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 4.

"Never Enough" qua giọng hát của Jenny Lind (Rebecca Ferguson và giọng lồng tiếng của Loren Allred) là một trong số những bài hát đẩy được cảm xúc khán giả lên cao nhất, bởi vì đây chính là giây phút "trần trụi" nhất trong phim. Đây chính là thời điểm khi sự mất phương hướng của P.T. Barnum bắt đầu hiển hiện trong ánh mắt anh, và mục tiêu của anh bị thử thách. Từ đây, anh bắt đầu lạc đường khỏi lối đi mà mình đã chọn, lóa mắt trong "ánh hào quang" rực rỡ của danh vọng đang tỏa ra từ Jenny xinh đẹp.

Nhưng cùng lúc đó, bài hát như một lời tâm sự ngọt ngào đang trào dâng trong tâm hồn của một người nghệ sĩ. Đây chính là tâm hồn thực sự của những người làm nghệ thuật, là những điều họ luôn đau đáu trong lòng mỗi giây mỗi phút về chính những tác phẩm do chính họ tạo ra. Sẽ chẳng bao giờ đủ với con đường mà họ đã chọn, họ sẽ luôn muốn làm được nhiều hơn, được vượt qua chính giới hạn của bản thân, và đạt được nhiều thành công hơn.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 5.

Có 2 câu chuyện ẩn chứa phía dưới vẻ ngoài "hào nhoáng" ca hát của The Greatest Showman: Đây chính là những điều mà ai cũng ước gì mình có thể có. Bởi vì họ đang sống với giấc mơ và tình yêu của họ, một cách căng tràn nhất, và thành đạt không kể xiết. Còn câu chuyện kia là về sự thực phũ phàng rằng ước mơ không phải lúc nào cũng theo đúng ý mình, và rằng nó luôn đầy sự thất bại và thất vọng.

Từ khi còn thơ, chúng ta vẫn luôn được dạy rằng theo đuổi ước mơ thuở nhỏ như P.T. Barnum là không thực tế. Và điều đó chẳng mấy khi xảy ra với đa phần mọi người trong số chúng ta. Chưa kể khả năng gượng dậy mỗi khi bị cuộc đời quật ngã hết lần này tới lần khác như anh đã làm trong phim. Anh ấy chẳng bao giờ từ bỏ, luôn luôn trở lại, và không hề nao núng trước những chông gai. Bởi vì đây là tình yêu thực sự và duy nhất của anh.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 6.

Tình yêu này chính là động lực, cho anh nhiều sức mạnh hơn bất cứ ai trên Trái Đất này để sáng tạo ra những ý tưởng mới, những điều khác biệt, kể cả phải đạp lên định kiến và sự ghẻ lạnh của xã hội để làm điều mà anh thực sự say đắm. Và anh còn có những sự ủng hộ vô hạn từ những người thân yêu. Đây đích thực, một cách tuyệt đối, chính là một giấc mơ. Không thể nào đây lại là đời thực. Đây chính là tất cả những gì mà những người làm nghệ thuật đều mơ ước đạt được, nhưng hầu hết đều sẽ không làm nổi, có người sẽ bỏ cuộc, có người sẽ quỵ ngã trước những rèm pha và đánh giá từ người đời, và có người sẽ đổ lỗi cho nghịch cảnh.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 7.

The Greatest Showman chính là một bộ phim kể về "đam mê" theo cái nghĩa tinh khiết và trong sáng nhất. Nhưng cái giấc mơ tươi đẹp và rực rỡ sắc màu đó không phải là không có cái giá của nó.

Jenny Lind và "Never enough" của cô không chỉ là giây phút lạc lối của Phineas, mà còn đại diện cho sự cám dỗ của tham vọng. Khi làm nghệ thuật, đúng là sẽ chẳng bao giờ bạn cảm thấy mình làm đủ hay đạt đủ những thành tựu. Nhưng khi bạn dừng làm điều đó vì tình yêu dành cho tác phẩm, mà chỉ để chứng tỏ một điều gì đó, hoặc vì một mục đích nào đó, đó chính là khi vạch đích dần mờ đi trước mắt bạn.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 8.

Đã có lúc ca khúc "The Greatest Show" ngay từ đầu phim nhắc nhở chúng ta rằng "tất cả những gì bạn muốn đang ở ngay trước mắt bạn". Đam mê thật ra đơn giản lắm, đó chính là tình yêu dành cho quá trình tạo ra tác phẩm, chứ không hẳn là kết quả hay phần thưởng mà chúng ta giành được sau đó.

Phineas đã mờ mắt vì Jenny Lind, và ở nàng "họa my" này, anh đã không nhìn thấy một nàng thơ xinh đẹp, cũng không còn là tình yêu cho nghệ thuật nữa, mà là một điều hoàn toàn khác. Anh thấy sự chấp nhận của xã hội đối với mình, là danh vọng, và chiến thắng trước giới thượng lưu và những kẻ chê bai, đặc biệt là với gia đình vợ mình. Anh chỉ còn thấy "vinh quang" đang tỏa ra trước mắt, những điều không có thực, và hoàn toàn không phải lý do anh khởi nghiệp lúc ban đầu.

The Greatest Showman và câu chuyện của người nghệ sĩ nguyện sống chết với đam mê của mình - Ảnh 9.

Đây là cảm giác hoang mang, cảm giác của sự mê muội, và sự mơ hồ về tương lai, mà vì đó bạn sẽ bám víu lấy bất cứ thứ gì có thể chứng tỏ được giá trị của bản thân trong mắt cả thế giới. Đó là sự đầu hàng trước những cám dỗ và tham vọng hoàn toàn không liên quan tới tình yêu thực sự cho nghệ thuật.

Đây có lẽ là một trong số những bộ phim nhạc kịch hay nhất có sự trung thành với tinh thần của các tác phẩm kinh điển trong thể loại này từ thế kỷ trước, bởi vì nó tôn vinh đam mê, mơ ước, tình yêu, sự háo hức, và tất cả những gì tốt đẹp nhất của loài người. Đây chính là linh hồn của nhạc kịch đã từng chiếm trọn trái tim khán giả trong quá khứ, với một chút hơi thở hiện đại trong âm nhạc. The Greatest Showman xứng đáng là một trong số những tác phẩm xuất sắc nhất năm 2017.