Xây cáp treo không xấu như chúng ta tưởng, đó là cỗ máy kiếm tiền cực kỳ thân thiện với môi trường

Cafebiz, Theo Trí Thức Trẻ 16:14 03/02/2016

Những ngày gần đây, trong cộng đồng người trẻ Việt Nam, trong đó đặc biệt là rất nhiều phượt thủ phản đối dữ dội các dự án cáp treo tại nóc nhà Đông Dương Fanxipan.

Xây cáp treo không xấu như chúng ta tưởng, đó là cỗ máy kiếm tiền cực kỳ thân thiện với môi trường - Ảnh 1.

Phía bên ủng hộ cho rằng đó là cơ hội tốt để phát triển du lịch, mang đến cơ hội du lịch cho nhiều người còn phía bên phản đối khẳng định rằng nó sẽ phá hoại môi trường bởi khi số lượng người đến nhiều hơn, lượng rác xả ra sẽ tăng theo cấp số nhân.

Bên nào cũng có quyền giữ ý kiến của họ thế nhưng câu chuyện ở nước Nhật dưới đây sẽ mang đến cho độc giả một cái nhìn khác.

Du lịch cáp treo phát triển bùng nổ tại Nhật

Ngay từ khi phát triển các khu du lịch của Nhật tại các khu vực đồi núi thì cáp treo đã được đưa vào trong quy hoạch và nó được coi như một công cụ để hỗ trợ phát triển du lịch. Người viết bài đã từng đến hơn 20 tỉnh thành ở Nhật, tức khoảng một nửa nước Nhật, và nhận thấy một điểm chung rằng người Nhật lắp rất nhiều cáp treo.

Cũng là một người từng đi leo núi nhiều ở Việt Nam và so sánh với Nhật, ở rất nhiều địa điểm của Nhật mà người viết cảm thấy thực sự không cần thiết có cáp treo thì người Nhật vẫn làm cáp treo. Và cùng lúc đó ở phía dưới, họ cũng làm đường cẩn thận để cho những người có yêu thích với việc leo núi vẫn được đảm bảo quyền lợi của mình.

Nhật xây dựng tuyến cáp treo đầu tiên tại nước này từ năm 1930. Tính cả 47 tỉnh thành của nước Nhật có đến 170 cáp treo tại các khu vực đồi núi, như vậy nếu tính trung bình thì mỗi tỉnh có đến 3,5 cái cáp treo. Trên thực tế, có những tỉnh ít thì cũng có 1,2 cáp treo lên núi, có những tỉnh nhiều như tỉnh Nagano hay tỉnh Niigata thì mỗi tỉnh có đến gần 20 cái cáp treo.

Ở những tỉnh đó, gần như tất cả các khu nghỉ đều có cáp treo riêng phục vụ cho khách. Khách có thể kết hợp giữa trượt tuyết và sau đó đi cáp treo để ngắm quang cảnh từ trên cao.

Vậy là cùng lúc, người trẻ vẫn có thể muốn leo núi theo cách mà họ thích còn người có sức khỏe yếu, phụ nữ, trẻ em, người già vẫn tận hưởng được cảnh núi non theo cách riêng của mình. Không ai xâm phạm quyền lợi của ai và cũng không tổn hại đến môi trường.

Dù có nhiều cáp treo như vậy nhưng tất cả các khu du lịch có cáp treo của Nhật đều giữ được sự sạch sẽ cũng như cảnh quan chung. Không bị tình trạng rác rưởi tràn ngập hay ô nhiễm môi trường.

Trên thực tế nếu xét đến yếu tố nhân khẩu của Nhật với lực lượng dân số già đang tăng nhanh chóng, ước tính đến năm 2060, có đến một nửa dân số Nhật trên 60 tuổi, nếu không phát triển hệ thống cáp treo, Nhật sẽ mất đi một lượng du khách rất lớn. Hay nói cách khác thì không có cáp treo, ngành du lịch nội địa Nhật phát triển bằng gì?

Hãy cứ thử một lần nhìn vào ánh mắt và nụ cười hạnh phúc của những người già Nhật khi họ lên được đến đỉnh núi, được chụp ảnh ở nơi mà nếu không có cáp treo họ sẽ chẳng bao giờ có thể đến được thì bạn sẽ hiểu tại sao người Nhật lại phải xây dựng nhiều cáp treo đến như vậy.

Và không những cáp treo giúp thu hút nhiều khách du lịch đến khu vực có đồi núi đẹp mà thậm chí họ còn đến và trở lại đó nhiều lần trong năm. Nếu thông thường không có cáp treo, có lẽ sẽ nhiều người không bao giờ đến khu vực đó một lần nào trong đời họ.

Người Nhật phát triển cáp treo mạnh như vậy cũng là bởi họ từng đối diện với rất nhiều tai nạn đau thương liên quan đến việc leo núi trong quá khứ. Đỉnh núi Tanigawa thuộc tỉnh Gunma được phát hiện vào thập niên 1930 và được coi như một trong những khu vực đồi núi có cảnh quan đẹp nhất tại Nhật.

Hàng trăm ngàn người Nhật cũng như người nước ngoài đổ xô đến đây leo núi, và điều gì đã xảy ra? Từ đó cho đến nay đã có đến 871 người thuộc nhiều quốc tịch, trong đó chủ yếu là Nhật chết khi leo núi này, con số tử vong vì leo núi cao nhất thế giới, nhiều hơn cả số người chết khi leo Everest. Chính vì vậy sau này tuyến cáp treo đã được xây dựng để mang đến lựa chọn tốt hơn cho việc chinh phục đỉnh núi Tanigawa.

Cách quản lý và ý thức của con người quyết định tất cả

Quay trở lại câu chuyện cáp treo ở Fanxipan, người viết chỉ muốn đặt ra một câu hỏi rằng cho đến hiện tại, với lối leo núi tự phát như hiện nay thì bao nhiêu lượng rác sẽ được thải ra ở trên đường bởi thông thường những người đi leo núi rất mệt và chỉ muốn giảm bớt lượng hành lý mang theo. Theo logic đó thì họ sẽ phải xả rác trên đường đi.

Đó là còn chưa kể đến việc việc chặt cây lấy củi để đun đốt nóng hoặc đi vệ sinh bừa bãi trên đường đi leo núi. Việc lắp cáp treo đi kèm với các hạ tầng vệ sinh, nghỉ ngơi sẽ giúp quản lý tốt hơn lượng khách, giảm bớt lượng rác xả ra trên đường.

Ngoài vấn đề tài chính, không phải ai cũng có đủ sức khỏe, thời gian để dành ra vài ngày đi leo núi. Cáp treo sẽ giúp họ thực hiện ước mơ đó. Và bởi khách đến và đi theo tuyến nên nếu quản lý tốt sẽ hạn chế được tối đa lượng rác thải xả lại trên đường đi.

Trên phương diện khác, cáp treo mang đến cơ hội thưởng thức cảnh đẹp công bằng hơn cho mọi người. Được tự leo lên “nóc nhà Đông Dương” để ngắm nhìn đất nước từ trên cao là niềm mơ ước của rất nhiều người Việt Nam: già, trẻ, trai, gái cũng như nhiều người nước ngoài.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đã nói: “Bạn chinh phục được Fanxipan, còn bố mẹ bạn thì sao?”.

Cáp treo cũng mang đến một nguồn thu du lịch quan trọng, tạo công ăn việc làm cho địa phương cũng như cả nước nói chung. Sẽ có nhiều người trong và ngoài nước muốn nhân cơ hội có cáp treo để đến đây thăm quan, họ sẽ chi bao nhiêu tiền cho vé máy bay, vé tàu, chưa kể các dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi, mua sắm.

Hãy nhìn vào cách người Nhật ứng xử với cáp treo, số lượng cáp treo ở Nhật nhiều gấp hàng chục lần so với Việt Nam nhưng bất kỳ ai trên thế giới cũng phải thừa nhận rằng người Nhật biết giữ cảnh quan thiên nhiên, Nhật là đất nước sạch sẽ nhất thế giới.

Vậy rõ ràng việc cáp treo có ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan hay không, ảnh hưởng đến mức độ nào tùy thuộc vào chính khả năng của cơ quan quản lý các bộ ngành, công ty trực tiếp vận hành tuyến cáp treo và chính những người khách du lịch sử dụng dịch vụ này.

Yếu tố con người vẫn mang tính quyết định cho sự thành công hay thất bại và những tác động của tuyến cáp treo đến môi trường chứ bản thân việc làm cáp treo không phải là một vấn đề.

Nếu bạn là người thích chinh phục các đỉnh cao, chấp nhận được vất vả và có đủ sức khỏe, bạn hãy cứ tiếp tục với mơ ước tự leo đỉnh Fanxipan. Người không đủ sức khỏe và quyết tâm thì đi cáp treo, quyền lợi của ai cũng được đảm bảo, hay nói cách khác là “nước sông không phạm vào nước giếng”.

Nếu như từng nhà quản lý biết chú ý tối đa đến bảo vệ cảnh quan, nếu như người khách du lịch đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, tham gia du lịch một cách có văn hóa, chắc chắn cảnh quan và môi trường luôn được bảo vệ cho các thế hệ sau.