Vấn nạn nghiện... siro ho ở Ấn Độ

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 17/10/2015

Trong thuốc ho dạng siro có chứa chất Codeine, một loại thành phần hóa học có khả năng gây nghiện cao. Người dân Ấn Độ đã và đang sử dụng loại dược phẩm này như một chất gây nghiện.

Ấn Độ đang phải đối mặt với một vấn nạn xã hội, không phải nghiện hút, không phải cướp giật, mà là người dân nghiện... si-rô thuốc ho. Các nhà chức trách Ấn Độ đang tìm mọi cách để giảm thiểu nguồn cung cấp loại dược phẩm chứa chất Codeine, một thành phần khiến thuốc ho gây nghiện còn hơn cả ma túy.

Thực tế, đất nước Nam Á đã ban lệnh cấm loại dược phẩm thuốc ho này từ những năm 1980 của thế kỷ, thế nhưng rất nhiều người dân "phải lòng" thứ chất gây nghiện vẫn đang lùng sục thuốc ho mỗi ngày. Có một ông bố người Ấn Độ, một cựu nhân viên ngân hàng, từng thổ lộ rằng, tình yêu mà ông dành cho thuốc ho có lẽ còn lớn hơn cả tình cảm với cậu con trai ruột thịt của mình. Cũng không hề ít những câu chuyện đau lòng về việc nghiện thuốc ho dẫn đến hủy hoại sự nghiệp, gia đình tan đàn xẻ nghé tại Ấn Độ. Có thể nói, thuốc ho tại nước này có hệ lụy còn kinh khủng hơn là những loại ma túy trên thế giới.

cough-syrup_dc016eba-7236-11e5-984c-f6a239d2879e-25cdc
Trong thuốc ho có chứa chất Codeine có khả năng gây nghiện.

Bởi trong thuốc ho có chứa chất Codeine, một chất hóa học có trong thuốc ho mang tác dụng giảm đau, giảm ho. Khi sử dụng nhiều, Codeine có khả năng mang lại cảm giác hưng phấn, sảng khoái, vì vậy các loại dược phẩm chứa chất này thường phải thông qua kiểm tra và kê đơn trước khi bán cho bệnh nhân. Rất nhiều công ty dược phẩm lớn tại Ấn Độ như Cipla đã ngừng sản xuất thuốc ho từ nhiều năm nay, trong khi các nhãn hiệu nước ngoài phải cắt giảm số sản phẩm được bán ra tới một nửa so với các nước khác.

Biện pháp cắt giảm nguồn cung cấp là một trong những cách tốt nhất để giúp đẩy lùi nạn nghiện thuốc ho, đồng thời ngăn chặn các trường hợp lạm dụng thuốc gây nguy hiểm. Các nhà sản xuất cũng phải chuyển phương thức cung cấp hàng từ từng lô lớn xuống chỉ sản xuất các mẻ nhỏ cũng giúp ích ít nhiều cho các nhà chức trách quản lý và điều tra nguồn gốc thành phẩm. Cũng nhờ biện pháp này, nạn buôn lậu, trộm cắp thuốc ho bán sang các nước láng giềng như Bangladesh cũng được hạn chế tối đa.

Tripura-BSF-BD-Cough-Syrup-985af
Có rất nhiều vụ cướp đoạt thuốc ho do việc cắt giảm làm loại dược phẩm gây nghiện này trở nên khan hiếm.

Theo các báo cáo, nạn nghiện thuốc ho của người dân Nam Á cũng đem đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Tính từ tháng 3 năm nay, đã có tới 83.000 lọ si-rô ho đã bị cướp đoạt ở Ấn Độ, trong khi con số này là 750.000 lọ ở Bangladesh trong năm 2014. Đã có không hề ít vụ bạo lực, cướp bóc, thậm chí giết người để đoạt được những lọ thuốc ho khan hiếm, biến nạn nghiện thuốc ho trở thành một trong những vấn đề liên quan đến ma túy nghiêm trọng nhất mà Nam Á đang phải đối mặt.

Trong cuộc họp về các vấn đề liên quan đến ma túy vào tháng 7 vừa rồi, đã có ý kiến đưa ra nên cấm tiệt việc buôn bán thuốc ho công khai. Rất nhiều nhà chức trách có mặt trong cuộc họp nhìn thấy rõ tình trạng lạm dụng, xuất khẩu trái phép của loại dược phẩm này cũng đã bỏ phiếu tán thành. Tuy nhiên cho đến nay ý kiến vẫn chưa được thông qua, và Ấn Độ cũng như các nước láng giềng trong khu vực Nam Á vẫn sẽ phải tiếp tục chiến đấu với phương thức gây ngiện từ loại dược phẩm hợp pháp như si-rô thuốc ho này.