Thủ phạm gây ra ô nhiễm khủng khiếp tại Trung Quốc là gì?

Thị Nhung, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 10/12/2015

Than đá được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tới mức báo động ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc hiện nay.

Mức độ ô nhiễm không khí tại Trung Quốc hiện đang ở mức báo động cao nhất trong suốt một thập kỷ qua.

 Cả thành phố Bắc Kinh đang chìm trong khói bụi.

Vào đầu năm nay, màn sương khói bụi dày đặc kéo dài hàng năm trời ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã khiến cho chính phủ nước này lần đầu tiên trong lịch sử buộc phải nâng mức cảnh báo ô nhiễm từ báo động cam lên báo động đỏ. Mức báo động này đồng nghĩa với việc bầu không khí của thành phố đang bị khói bụi độc hại bao trùm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Ngày 12/1 vừa qua, chỉ số chất lượng không khí AQI tại Bắc Kinh đã vọt lên mức cao kỷ lục là 755, trong khi mức nguy hiểm là 301-500. Cùng ngày, lượng hạt bụi nhỏ hơn 2,5 micron lên tới 886 microgam/m3, cao gấp 40 lần chỉ số an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới WHO đặt ra. Tỷ lệ tử vong tại những thành phố này thường cao hơn những thành phố “sạch hơn” tới 15-20%. Năm 2007, WHO ước tính hàng năm có tới 656.000 người Trung Quốc tử vong do ô nhiễm không khí và 95.600 người khác tử vong vì ô nhiễm nguồn nước.

Vậy đâu là thủ phạm gây nên bầu không khí u ám này? Câu trả lời chính là than đá. 

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc nỗ lực mở rộng ngành sắt thép nên ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Nhờ đó, năng lực sản xuất điện của Trung Quốc từ năm 2005 đến 2011 đã tăng gấp đôi, trong đó 80% là sử dụng than. Chỉ trong năm 2000, Trung Quốc đã tiêu thụ 1,5 tỷ tấn than, chiếm 28% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Đến năm 2011, lượng than tiêu thụ đã tăng 153%, lên 3,8 tỷ tấn, tức 47% lượng than tiêu thụ của thế giới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

 Trước tình trạng này, các trường học tại Bắc Kinh phải đóng cửa và người dân được khuyến cáo hạn chế hoạt động ngoài trời.

Nhận nhiều chỉ trích nặng nề từ dư luận, Trung Quốc cũng chuyển hướng sang sản xuất năng lượng thay thế từ phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, năng suất từ loại điện này vẫn rất èo uột, nên việc tiêu thụ than sẽ vẫn tiếp tục tăng. Như vậy, Trung Quốc vẫn là nước có lượng phát thải từ than đá nhiều nhất thế giới. Riêng trong tháng 11/2015, Trung Quốc đã thải ra 1 tỷ tấn carbon dioxide, yếu tố chủ đạo gây nên hiệu ứng nhà kính.

Than đá là loại nhiên liệu không có khả năng tái tạo được hình thành từ các vết tích bị nén chặt của thực vật sống trong đầm lầy 250 - 350 triệu năm trước. Các lớp thực vật xếp chồng lên nhau và chịu tác động của áp lực cùng nhiệt độ, dần phân hủy hoặc tích tụ tạo thành than. Loại vật chất này lưu giữ mọi năng lượng thu được từ ánh sáng mặt trời trong hàng triệu năm và cung cấp lại cho con người thông qua việc đốt cháy.

Mặc dù từ những năm 2000, tần suất sử dụng than đá của Trung Quốc đang dần chững lại, nhưng nước này vẫn phải tiếp tục đốt hàng tấn than để duy trì và theo kịp nhu cầu năng lượng khổng lồ của mình. Ước tính, Trung Quốc có tới 4.000 người chết mỗi ngày vì ô nhiễm không khí, một con số khiến cho nhiều người phải sốc. Được biết, độ độc hại của không khí Trung Quốc tương đương với việc hút 40 điếu thuốc một ngày. Tuy nhiên, đó lại là hậu quả khó tránh của một quốc gia đang tiến rất gần với nguy cơ sống chung với hiệu ứng nhà kính, mưa acid và hàng loạt căn bệnh hô hấp nguy hiểm khác.