Những thử thách khắc nghiệt mà các siêu máy bay phải chịu đựng

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 04/07/2015

Ít ai biết rằng, những chiếc siêu máy bay như A350-900 của Hàng không Việt Nam trước khi được thực hiện sứ mệnh của mình đã phải trải qua những giai đoạn thử nghiệm tàn khốc khó tin.

Bạn ngồi trên một chiếc máy bay, dù là máy bay dân dụng cũ hay những siêu phi cơ tối tân, thì có lẽ bạn chưa bao giờ thắc mắc rằng, "chú chim sắt" khổng lồ này đã phải trải qua những gì để được làm nhiệm vụ chở khách.


Màu nguyên bản của một chiếc Airbus A350-900 thân rộng.

Ngay sau khi hoàn thiện khâu thiết kế và lắp ráp, những chiếc siêu phi cơ mới như Airbus A350-900 bắt đầu trải qua những chặng đường bay thử khắc nghiệt kéo dài cả năm trời với đủ mọi loại thời tiết và "qua tay" khoảng 50 cơ trưởng thuộc các trình độ khác nhau. Giờ bay thử tối thiểu của mỗi chiếc là 1300 giờ và tối đa có thể lên tới 3300 giờ trước khi được các cục hàng không quốc gia cấp giấy chứng nhận đảm bảo.


Chiếc cánh cong đặc trưng của mẫu siêu phi cơ mới này.


Thử rung

Bài thử đầu tiên của một chiếc máy bay mới ra lò là thử nghiệm độ rung lắc, vì đó là yếu tố cơ bản đối với bất cứ phương tiện vận tải nào. Đặc biệt là đối với máy bay, khi đang ở tốc độ cao, chỉ cần những rung động nhẹ liên tục cũng có thể xé toang vỏ của bất cứ phi cơ nào.

Những chiếc máy bay sẽ được bay kiểu "xe đua" tức là tăng lên tốc độ tối đa nhanh nhất có thể để xem độ rung lắc của nó mạnh đến mức nào. 

Thử tốc độ tối thiểu

Sau khi "đỗ" bài thử rung, các phi công sẽ thử xem chiếc máy bay này có thể cất cánh ở tốc độ tối thiểu là bao nhiêu? thử nghiệm rất nguy hiểm này luôn cần những tổ lái kinh nghiệm lâu năm nhất.

Bài thử nghiệm này chỉ có một mục đích duy nhất: Ghi vào sổ và yêu cầu các phi công khác không bao giờ được cất cánh với tốc độ gần bằng chứ đừng nói là thấp hơn.

Thử bay trong nhiều điều kiện thời tiết


Một chiếc Airbus A350-900 thân rộng đang nằm trong hầm cấp đông nhiệt độ -40 độ C.


Sau khi qua được rung và biết được tốc độ tối thiểu cần để cất cánh, chiếc máy bay tội nghiệp sẽ bị cho vào lò hầm nóng, nhét vào tủ cấp đông, xịt nước ướt sũng ngày qua ngày với độ ẩm 100% để xem các thiết bị điện tử có chịu đựng nổi hay không.

"Máy bay của chúng tôi sẽ phải chịu nhiệt độ tối đa là 120 độ C và tối thiểu là âm 60 độ C" - Một phi công của Airbus cho biết.

Thử tải và phanh

Đến giai đoạn này, những chiếc máy bay sẽ được chất đầy hàng hóa và "hành khách nộm" ngồi kín các ghế, sau đó phi công sẽ lái nó bay vụt lên trời rồi hạ cánh để thử nghiệm hệ thống phanh, nếu những đĩa phanh không đạt chuẩn, nó sẽ bị nung nóng đến mức nứt gẫy và biến dạng.

Thử "Yoga"

Đến giai đoạn này, chiếc máy bay sẽ phải tập Yoga theo đúng nghĩa đen vì kỹ thuật viên sẽ chất lên nó số lượng hàng hóa nặng gấp rưỡi (150%) mức tải trọng tối đa trên giấy. Sau đó nó sẽ được lái lao thẳng lên trời, lượn vòng, giảm độ cao đột ngột, xoay tròn, Các bước này nhằm kiểm tra tổng thể về điều áp, độ bền cũng như kết cấu của cả chiếc máy bay.

Những chiếc máy bay trong giai đoạn này sẽ bị hành hạ đến mức cực điểm, đối với những chiếc chưa đạt chuẩn còn bị rách cánh và...méo thân.

Thử... dừng giữa không trung

Ở cuộc thử nghiệm gần cuối cùng này, các phi công sẽ lái máy bay lên độ cao tiêu chuẩn với tốc độ cực đại, sau đó họ...tắt hết động cơ đi để nghiên cứu xem máy bay sẽ còn có thể khởi động và bay tiếp ở tốc độ nào.

Đây là thử nghiệm cực kỳ quan trọng và cũng nguy hiểm nhất, vì các phi công sẽ phải thử xem đang bay mà chết máy thì phi hành đoàn sẽ có bao nhiêu lâu để xử lý trước khi máy bay không thể bay trở lại được nữa.

Sau những bài kiểm tra nói trên, bây giờ chiếc máy bay mới đủ "từng trải" để xin giấy chứng nhận của Cục hàng không liên bang Mỹ  (Boeing) và Cục hàng không Châu Âu (Airbus) để có thể bàn giao đến khách hàng.

Giao hàng rồi... thử tiếp


Airbus A350-900 thân rộng của hãng hàng không Việt Nam với màu sơn đặc trưng. (Ảnh: Zing)

Sau khi bàn giao sản phẩm hoàn thiện, phi công của các hãng hàng không sẽ thử lái vài lần nữa cùng với khách mời để phi hành đoàn sử dụng thành thạo "đồ chơi" mới. Họ sẽ bay mô phỏng nhiều tình huống khác nhau rồi nhận phản hồi chi tiết từ hành khách, ví dụ như... túi nôn hơi nhỏ không chứa hết một...bãi, độ sáng đèn của toa-lét hơi yếu cho đến các vấn đề to tát hơn như độ êm của ghế và tiếng ồn của máy bay

Video đội hình 5 chiếc Airbus A350-900 bay thử nghiệm tại khu vực bay Toulouse, Pháp