Những hình ảnh về cái chết gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử báo chí

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 16:54 02/06/2015

Trong chiều dài tồn tại của nhiếp ảnh và ảnh báo chí, có những khoảnh khắc của sự chết chóc đã đi vào lịch sử bởi tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của chúng đến nhận thức của con người.

Tấm ảnh "The Falling Man" được ông Richard Drew ghi lại vào thời khắc 2 tòa tháp đôi WTC chuẩn bị sụp đổ sau vụ khủng bố của Al-Queda tại New York năm 2001, danh tính người đàn ông đang rơi đến tận bây giờ vẫn là một bí mật. Theo bình chọn của tạp chí TIME, đây là một trong những tấm ảnh có sức truyền tải mạnh mẽ nhất về sự kiện 11/9.



Tấm ảnh "David Kirby hấp hối" đã đưa ra lời cảnh báo chân thực nhất về căn bệnh thế kỷ AIDS, được chụp năm 1990 tại Ohio, Mỹ và đăng tải trên tạp chí LIFE chỉ vài ngày sau đó. Hình ảnh này ẩn chứa nhiều thông điệp mà nhiếp ảnh gia muốn gửi tới nền văn hóa Mỹ trong thập niên 90, với béo phì, AIDS và sự nuối tiếc trong đôi mắt người sắp ra đi. Là tấm ảnh vĩ đại nhất của LIFE, nhưng "David Kirby hấp hối" vẫn gây ra sự tranh cãi lớn khi nó được đăng tải.


"Tình yêu của mẹ" được chụp vào tháng 8 năm 2008 sau trận động đất dữ dội tại thành phố Phàn Chi Hoa, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Người mẹ vô danh trong bức ảnh đã bảo vệ con đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình.
 
Bức ảnh trở nên nổi tiếng và được chia sẻ đến tận ngày hôm nay,  nhiều thông tin cho rằng đứa bé vẫn còn sống, nhưng theo chính tác giả của bức ảnh, cả 2 mẹ con đã chết khi được tìm thấy.


Vào ngày 11 tháng 6 năm 1963, đại sư Thích Quảng Đức đã tự thiêu giữa ngã tư Sài Gòn nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Tấm ảnh kinh điển ghi lại sự kiện này đã được lan truyền đi khắp thế giới, phóng viên Malcolm Browne, tác giả của bức ảnh đã nhận được giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá.
Tấm ảnh đại sư Thích Quảng Đức tự thiêu đã trở thành biểu tượng bất tử về lòng trắc ẩn và sự dũng cảm của con người.



Năm 1985, thành phố Tolima, Columbia đã hứng chịu thảm họa núi lửa khủng khiếp phun trào, khiến 25 nghìn người thiệt mạng, phá hủy 14 thị trấn và làng mạc.

Ánh mắt của cô bé 13 tuổi Omayra Sanchez Garzon bị mắc kẹt đã trở thành huyền thoại của báo chí thế giới, tấm ảnh này được phóng viên ảnh Frank Fournier ghi lại khi ông tới đây tác nghiệp, các đội cứu hộ đã tìm mọi cách giải cứu cô bé nhưng không thành công, sau 55 giờ chịu đựng, Omayra qua đời trong vòng tay của các tình nguyện viên, để lại hình ảnh gây xúc động và ám ảnh nhất mọi thời đại về thảm họa thiên nhiên.



Đây là một tác phẩm trong bộ ảnh "The Morgue" do nhiếp ảnh gia Andres Serranos sáng tác, bức ảnh này chụp lại chiếc đồng hồ sau vụ tai nạn máy bay, mặc dù không có con người nào trong tấm ảnh, nhưng mảnh kim loại cháy đen của chiếc đồng hồ đã đem đến cảm giác về sự kết thúc của thời gian và cuộc sống.



Nhân vật trong ảnh là cô Jennifer Merendino, bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối, người chụp bộ ảnh nổi tiếng mang tên "Cuộc chiến không chọn lựa" này chính là nhiếp ảnh gia Angelo, chồng của Jennifer, bộ ảnh này đã tiếp thêm sức mạnh cho rất nhiều bệnh nhân ung thư vú trên thế giới, Jeniffer ra đi ngày 22/12 năm 2011 với lời nhắn đến toàn thế giới: "Tôi đã yêu thương tất cả".



"Sắc đẹp và cái chết" là một trong những tấm ảnh tai nạn giao thông nổi tiếng nhất thế giới, được chụp từ năm 1975, nhân vật trong bức ảnh là diễn viên Adela Legarreta Rivas, cô qua đời sau khi bị một chiếc xe hơi đâm trúng khi đang băng qua đường. 

Nét đẹp vẫn còn lưu giữ khi Rivas đã chết gây ám ảnh tới độc giả thời bấy giờ, thông điệp về an toàn giao thông được truyền tải đi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.



Tấm ảnh dưới đây ghi lại cảnh chú chó Leao đang nằm cạnh mộ chủ, người đã thiệt mạng trong trận lở đất kinh hoàng ở gần Rio de Janiero tháng 1 năm 2011, đằng sau Leao là hàng loạt những nấm mồ đào sẵn để chờ chôn những nạn nhân của thảm họa. Tác phẩm này của phóng viên Wallace Stevens đã nhận được nhiều giải thưởng báo chí danh giá.



"Hơi ấm cuối cùng" là tác phẩm của phóng viên Taslima Akhter khi anh đang tác nghiệp trong vụ sập nhà khủng khiếp ở Bangladesh năm 2013 khiến 750 người chết. Sau khi chụp tấm ảnh này, Taslima đã bị ám ảnh một thời gian dài. Tấm ảnh này đã lan tỏa đi khắp thế giới, kể lại cho độc giả nghe về tình yêu vĩ đại và cái chết đầy đau thương.



Câu chuyện về chú chó Hachiko có lẽ đã quá nổi tiếng khi nó đã trở thành đại diện của tình yêu và lòng trung thành, nhưng ít ai từng xem bức ảnh ghi lại thời khắc cuối cùng của Hachiko, sau 10 năm chờ đợi chủ ở ga tàu Shibuya, Hachiko đã ra đi vào tháng 3 năm 1935, để lại sự thương tiếc cho toàn bộ người dân Nhật Bản.



"Nụ hôn" là tác phẩm ghi lại khoảnh khắc vĩnh biệt giữa ông Mario và đàn hươu cao cổ mà ông đã chăm sóc tại vườn thú Diergaarde Blijdorp, Rotterdam, Hà Lan. Đây cũng là ước vọng cuối cùng của người đàn ông 54 tuổi bị ung thư giai đoạn cuối này.

Mario đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc cho những con vật tại vườn thú Diergaarde Blijdorp, khi chỉ còn vài ngày để sống, Mario đã tới thăm chuồng hươu và nhận được nụ hôn vĩnh biệt từ những đứa con của mình. Mặc dù tấm ảnh nổi tiếng này được một nhân viên y tế chụp lại bằng điện thoại, nhưng nó vẫn mang  sức mạnh truyền thông không thể chối cãi.



Trong thảm họa sóng thần xảy ra ở Ấn Độ năm 2004, hình ảnh người phụ nữ quỳ gục bên xác con do phóng viên Arko Datta của hãng thông tấn Reuters ghi lại cũng đã gây chấn động khắp thế giới, sự đau đớn lắng đọng trong từng chi tiết của tấm ảnh, gương mặt tuyệt vọng, 2 bàn tay xòe ra như cầu xin một sự cứu vớt đã lay động trái tim hàng triệu người.



Tấm ảnh chú chim hóa đá ở hồ Natron, Châu Phi do nhiếp ảnh gia Nick Brandt bấm máy đã khiến độc giả toàn thế giới kinh ngạc về sự chết chóc của nơi này, hồ Natron có nhiệt độ trung bình 60 độ C, hàm lượng muối cực cao và độ kiềm lên tới pH 9 - 10,5, ngang với dung dịch Amoniac tinh khiết, động vật và con người sẽ bị bỏng da và hỏng mắt nếu tiếp xúc với nước hồ.

Với môi trường nước khủng khiếp như vậy, hồ Natron với màu đỏ như máu là tử địa cho những loài sinh vật đến gần. Những xác chết sẽ được "hóa đá" nhờ kiềm trong không khí, tạo nên khung cảnh u tối và đáng sợ cho nơi này.




Mặc dù chỉ là khoảnh khắc cận kề với cái chết, nhưng tấm ảnh "Sư tử giận dữ" của Atif Saeed khiến độc giả hiểu thêm về những thời khắc nguy hiểm cùng cực của nghề nhiếp ảnh.

Ngay sau khoảnh khắc bấm máy, Atif đã vội vã chạy quay lại xe oto, tránh được cú tấn công của chúa tể Châu Phi, nếu anh chậm hơn chỉ vài giây, có thể Atif đã bị thương nặng hoặc mất mạng.



Trong khi tác nghiệp tại vùng chiến sự El Portenazo, phóng viên chiến tranh Hector Rondon đã ghi được khoảnh khắc cha xứ Luis Padillo  ôm lấy một người lính đang hấp hối.

Ánh nhìn tuyệt vọng và xót xa của cha Luis đã gây ám ảnh nặng nề cho độc giả về chiến tranh.

Được đặt cái tên "Viện trợ từ thiên đường", tấm ảnh này đã nhận giải thưởng Pulitzer năm 1963.



"Vụ tự tử đẹp nhất" là tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc cô gái trẻ Evelyn McHale rơi trúng chiếc xe hơi khi nhảy từ nóc tòa nhà Epire State, New York, Mỹ. Phóng viên ảnh Rober C.Wiles - Lúc ấy mới là một sinh viên - đã ghi lại đúng khoảnh khắc mà Evelyn rơi xuống.
Tấm ảnh "Vụ tự tử đẹp nhất" đã nhận giải thưởng Tấm ảnh của tháng do tạp chí Life bình chọn năm 1947.



Các bác sĩ tại bệnh viện thành phố Xích Phong, Trung Quốc cúi đầu cảm ơn em bé 2 tuổi Xiwang, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật, ngày 09/06 năm 2012, bé Xiwang qua đời nhưng bố mẹ em đã quyết định hiến tặng nội tạng Xiwang cho 2 em bé khác, cả 2 bé nhận nội tạng đều sống sót và khôn lớn khỏe mạnh.

Các y bác sĩ bệnh viện Xích Phong đã cúi đầu vĩnh biệt thiên thần dũng cảm Xiwang và đặt lên trán em nụ hôn cuối cùng trước khi đi xa.