Lời chia sẻ từ những nạn nhân của "trò chơi cưỡng hiếp" gây rúng động thế giới

Trang Đỗ, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 22/01/2016

Đoạn video ghi lại cảnh 1 phụ nữ bị hàng chục gã đàn ông "quây" và xâm hại tình dục đang khiến nhiều người trên thế giới bàng hoàng.

Những ngày đầu năm 2016, người dân trên toàn thế giới nói chung và người dân châu Âu nói riêng đã không khỏi hoang mang trước thước phim kinh hoàng quay lại trò Taharrrus (trò chơi cưỡng hiếp) mà trong đó 1 hoặc vài phụ nữ yếu ớt trở thành mục tiêu tấn công tình dục của hàng chục gã đàn ông.

Trong số những thước phim đáng sợ nhất phải kể đến đoạn video được ghi lại tại Ai Cập, trong đó, 1 người phụ nữ yếu ớt đã bị cả nhóm gồm vài chục gã đàn ông vây quanh sau đó xâm hại tình dục. Đây được xem như 1 trong những ví dụ tiêu biểu của Taharrush.

Đoạn video khiến cả thế giới bàng hoàng và liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội với hastag Taharrush trong những ngày vừa qua.

Xuất hiện trong đoạn video, 1 người phụ nữ tóc vàng đã bị hàng chục đàn ông tấn công tình dục trong cuộc biểu tình chống Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi ở quảng trường Tahrir vào ngày 30/6/2013.

Theo phóng viên Ai Cập Dina Zakaria, người phụ nữ trong đoạn video đã liên tục gào hét kêu cứu trước khi bị đẩy ngã xuống nền đất và xâm hại tình dục.

Nạn nhân trong video được xác định là một nữ phóng viên người Hà Lan. Cô đã được đưa tới bệnh viện với nhiều vết thương nặng. Sau vụ tấn công kinh hoàng, cô đã được đưa trở về bên gia đình ở quê hương.

Sau sự việc đáng sợ này, Đại sứ quán Hà Lan ở Cairo đã lên tiếng xác nhận và đưa ra thông báo "Một phụ nữ Hà Lan 22 tuổi đã bị tấn công ở Quảng trường Tahrir. Đại sứ quán Hà Lan đã hỗ trợ nạn nhân chữa trị và đưa cô trở về với gia đình. Giới chức Ai Cập đã tiến hành điều tra ngay sau đó."

Cũng tại Quảng trường Tahrir, vào năm 2011, nữ phóng viên Lara Logan của đài CBS đã trở thành nạn nhân của "trò chơi cưỡng hiếp" trong khi đang đưa tin về cuộc ăn mừng ở Quảng trường Tahrir sau khi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức, cô đã bị một đám đông gồm khoảng 200 nam giới "quây". Khi đó, Logan đã bị xâm hại tình dục tàn bạo đến mức cô đã nghĩ mình sẽ chết.

Lời chia sẻ từ những nạn nhân của trò chơi cưỡng hiếp gây rúng động thế giới - Ảnh 2.

Nữ phóng viên Lara Logan của đài CBS cũng là 1 trong những nạn nhân của "trò chơi cưỡng hiếp" này.

Sau một thời gian dài im lặng vì tổn thương tinh thần, vài tháng sau vụ tấn công, cô mới dám lên tiếng kể lại thảm cảnh của mình trong chương trình 60 Minutes của đài CBS. Cô cho biết đám đông lên tới 200 người đàn ông đã dùng tay cưỡng bức, sờ soạng mình.

Cô nhớ lại: "Trước khi kịp biết có chuyện gì đang diễn ra, tôi cảm thấy các bàn tay đang sờ mó ngực mình, sờ vào đũng quần mình, túm lấy tôi từ phía sau. Chuyện không phải chỉ do một người thực hiện rồi dừng lại ngay. Thay vì thế, hết người này tới người khác tấn công tôi. Tôi đã gào thét vì nghĩ rằng ai đó sẽ nghe thấy tiếng của mình và rồi những người đó sẽ dừng lại... Thế nhưng trái ngược với những gì tôi nghĩ, tôi càng thét lớn, họ càng trở nên điên cuồng".

Chỉ sau khi 1 nhóm phụ nữ cố gắng mở vòng vây xung quanh, cảnh sát mới kịp thời đưa Logan ra ngoài. Cô đã phải mất 4 ngày điều trị trong bệnh viện trước khi quay trở lại Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở Ai Cập, cảnh sát Đức cho rằng Taharrush đã lây lan sang quốc gia này, mà cụ thể là ở Cologne và một số thành phố khác trong dịp năm mới.

Lời chia sẻ từ những nạn nhân của trò chơi cưỡng hiếp gây rúng động thế giới - Ảnh 3.

Cô gái có tên Michelle là 1 trong những nạn nhân của hiện tượng "Taharrush" ở Cologne, Đức.

Theo một báo cáo từ Cơ quan Nội vụ tại bang Bắc Rhine-Wesphalia (NRW), nơi quản lý thành phố Cologne, rất nhiều đơn tố cáo liên quan đến việc bị xâm hại tình dục đã được gửi tới các nhà chức trách Đức sau dịp năm mới.

 Lời chia sẻ của những nạn nhân bị xâm hại tình dục tập thể trong đêm giao thừa ở Đức.

Trên tờ Die Welt, lực lượng cảnh sát liên bang Đức cho biết các vụ phạm tội kiểu này thường do nhiều nhóm thanh niên trẻ thực hiện, trong những cuộc tụ họp đông người, như tại một cuộc biểu tình. Nạn nhân thường phải chịu nhiều hình thức xâm hại khác nhau, từ quấy rối tình dục cho tới hiếp dâm và cả ăn cắp tiền bạc.

Ngoài Đức, hiện tượng "Taharrush" được cho là đã lan sang cả Zurich (Thụy Sĩ) và Salzburg (Áo).

"Taharrush" có nghĩa là "xâm hại tình dục tập thể", hay còn được gọi là "trò chơi cưỡng hiếp". Nạn nhân thường bị những gã này vây xung quanh, sau đó một số tiến hành sờ mó và những kẻ còn lại sẽ đứng xem, hoặc đánh lạc hướng sự chú ý của người ngoài cuộc.

Trong một số tình huống, nạn nhân sẽ bị chúng hiếp dâm tập thể. Đôi khi nạn nhân, thường sẽ rơi vào trạng thái bị sốc và sợ hãi không dám phản kháng, còn bị cướp của.

Những kẻ thực hiện một vụ "Taharrush" thường sẽ khó bị trừng phạt. Nguyên nhân bởi có quá đông người tham gia và sự hỗn loạn trong các vụ tấn công thường khiến cảnh sát khó xác định kẻ thủ ác.

Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi quanh định nghĩa về "Taharrush". Một số nhấn mạnh rằng đây chỉ là một dạng chọc ghẹo phụ nữ, Tuy nhiên, kể từ sau những vụ tấn công tình dục ở Áo, nhiều người nhận định "Taharrush" đã thay đổi ý nghĩa và trở thành hiện tượng xâm hại tình dục tập thể đáng sợ.