Hành trình của người kiến tạo Singapore Lý Quang Diệu

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 15:43 23/03/2015

Ông Lý Quang Diệu được nhân dân đảo quốc yêu mến gọi với cái tên "Người cha của đất nước", ông đã một tay tạo nên con hổ Châu Á đầu tiên: Singapore.

Theo thông tin từ văn phòng thủ tướng, hôm nay ông Lý Quang Diệu - người lập quốc - đã ra đi một cách yên bình và viên mãn tại bệnh viện đa khoa trung ương Singapore, hưởng thọ 91 tuổi.

Trong 60 năm chặng đường chính trị lừng lẫy của mình, ông Lý đã đưa một thành phố nhỏ nằm trong Malaysia lên thành một cường quốc sánh ngang các nước phương Tây. 



Ông Lý sinh ngày 16/9/1923 trong một gia đình gốc Hoa giàu có và sinh sống ở Singapore từ thế kỷ 19, ông được học tại những ngôi trường danh tiếng như trung học Telok Kurau, học viện Raffles (RI), khi theo học tại RI, ông Lý Quang Diệu làm lớp trưởng suốt 4 năm đại học và tham gia hướng đạo sinh, chơi các môn thể thao trong trường. Ông là một trong những sinh viên ưu tú nhất Singapore và Malaysia.

Từ năm 1942 đến 1945, quân Nhật chiếm đóng Singapore, ông Lý phải học tiếng Nhật và làm việc trong một xưởng dệt may, vì học giỏi nên sau đó ông trở thành nhân viên phiên dịch tiếng Nhật/Trung/Anh cho cơ quan tuyên truyền Hobudu. Trong 2 năm đó, nhờ may mắn mà ông thoát được vụ thảm sát Sook Ching, Singapore.


Ông Lý Quang Diệu (Ngoài cùng bên phải) khi đang học tập tại Anh.


Năm 1946, sau khi chiến tranh kết thúc, ông sang Anh quốc theo học tại trường kinh tế London, nhưng một thời gian ngắn sau lại chuyển sang đại học danh tiếng Cambridge, ở nước ngoài, ông mang tên Harry Lee, đây cũng là tên thân mật được bạn bè và người thân của ông gọi đến bây giờ.

Năm 1947, Ông Lý Quang Diệu bí mật kết hôn với bạn học tại Cambridge, bà Kha Ngọc Chi.


2 người kết hôn khi vẫn còn là sinh viên đại học Cambridge.


Trở lại Singapore năm 1949, ông Lý nhận thấy người Anh đã thất bại trong việc bảo vệ Singapore, và ông mong mỏi rằng đất nước mình sẽ được tự trị và độc lập.

Năm 1950, ông Lý trở thành luật sư tại công ty luật John Laycock (JL), mức lương khởi điểm của ông lúc bấy giờ là 500 USD mỗi tháng, nhờ làm việc tại JL mà ông được tiếp xúc với chính trị và các đảng phái trong nước.


Hình ảnh ông Lý khi là luật sư tại công ty John Laycock.

Năm 1954, ông Lý Quang Diệu cùng vài đồng nghiệp tại JL thành lập Đảng nhân dân hành động Singapore (PAP), mục tiêu lớn nhất của PAP cũng như anh thanh niên Harry Lee là chấm dứt chế độ thực dân tại Singapore.

Từ năm 1954 đến 1959, ông Lý và các cộng sự trong đảng PAP tranh đấu không mệt mỏi để giành quyền tự trị cho Singapore, ông Lý nhận chức ngày 5/6/1959 sau khi nước Anh trao trả lại Singapore cho Malaysia và trở thành thủ tướng đầu tiên của quốc gia này.


Ông Lý Quang Diệu trong ngày nhậm chức thủ tướng Singapore.

Năm 1965, Singapore chính thức tách khỏi Malaysia, trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập, ông Lý đã khóc ngay trên truyền hình khi công bố tin này với dân chúng, đây cũng là thời điểm ông thổ lộ mong muốn "Tôi chỉ ước Singapore có ngày được như Sài Gòn".

Việc tách khỏi Malaysia là một thách thức cực lớn với Lý Quang Diệu cũng như Singapore, vì đất nước này ít tài nguyên, năng lực quân sự yếu, nhưng những chính sách đúng đắn về cải cách kinh tế của ông đã khiến Singapore phát triển như diều gặp gió.


Thủ tướng Lý đi thăm các khu nhà chung cư năm 1966


Với 7 lần liên tiếp thắng cử trong 31 năm cầm quyền, ông có số phiếu bầu chọn lên tới 94.3% vào năm 1968, trở thành chính trị gia được tín nhiệm nhất trong lịch sử bầu cử của nhân loại.

Năm 1967, Singapore sáng lập hiệp hội các nước Đông Nam Á ASEAN. Đối với hoạt động trong nước, ông khuyến khích kế hoạch hóa gia đình, tăng lương cho người lao động, thu hút đầu tư nước ngoài.

Chân dung thủ tướng Lý Quang Diệu năm 1969.

Năm 1975, ông Lý phê duyệt xây dựng sân bay Changi, với lợi thế trung tâm khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Changi nhanh chóng trở thành cảng hàng không lớn với 6 lần đạt danh hiệu Sân bay tốt nhất thế giới.


Bên ngoài sân bay số 1 thế giới Changi.


Sau nhiều năm trực tiếp lãnh đạo Singapore, năm 1990 ông trao quyền cho phó thủ tướng Ngô Tác Đổng, tuy nhiên ông vẫn là người lãnh đạo đảng PAP để định hướng phát triển cho Singapore. Đất nước nhỏ bé này vẫn tiếp tục phát triển như vũ bão, vào năm đó, Singapore đang có GDP bình quân đứng thứ 3 trên thế giới.


Ông Lý Quang Diệu và ông Ngô Tác Đổng trong ngày trao quyền tổng thống năm 1990.


Năm 1998, Lý Quang Diệu là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên đưa ra quan điểm cởi mở về cộng đồng người đồng tính, ông cho rằng chính phủ hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào đều không có quyền can thiệp vào cảm xúc và tâm tư riêng của người khác.


Chính nhờ tư duy hiện đại của thủ tướng Lý Quang Diệu, cộng đồng LGBT Singapore có thể thoải mái sống là chính mình từ nhiều năm nay


Năm 2004, con trai cả của ông là Lý Hiển Long lên làm thủ tướng Singapore và trở thành chính khách được trả lương cao nhất thế giới, bên cạnh đó, con trai út Lý Hiển Dương là giám đốc tập đoàn viễn thông lớn nhất Singapore Singtel, con gái thứ 2 Lý Vỹ Linh là viện trưởng viện thần kinh học quốc gia.


Ông Lý Quang Diệu cùng vợ và 3 con.


Năm 2005, ông được tạp chí danh tiếng TIME bầu chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất tới lịch sử thế giới hiện đại.


Chân dung thủ tướng trên bìa tạp chí TIME năm 2005.

Năm 2010, người bạn đời Kha Ngọc Chi của ông Lý qua đời, lễ tang của bà được tổ chức theo nghi thức quốc tang Singapore.


Ông đã suy sụp trong lễ tang của bà Kha Ngọc Chi.

Tháng 2/2013, ông Lý Quang Diệu bị đột quỵ, đến tháng 2 năm 2015, ông lại nhập viện vì viêm phổi nặng, sức khỏe của ông ngày càng đi xuống và ông qua đời ngày 23/3/2015, chỉ hơn 1 tháng sau khi nằm viện.


Bìa cuốn hồi ký của thủ tướng Lý Quang Diệu.


Trong cuốn hồi ký, người cha Singapore Lý Quang Diệu nói rằng ông đã hát 4 bài quốc ca trong suốt cuộc đời mình, đó là God Save the King của Anh, Kimi Ga Yo của Nhật, Negaraku của Malaysia, và bài cuối cùng ông được hát trong kiêu hãnh và tự hào, đó là Majulah Singapura, quốc ca hiện tại của nước cộng hòa Singapore giàu mạnh.

(Tổng hợp)