Hàn Quốc: Người già neo đơn lo lắng về cái chết không người chôn

Hoàng Ân, Theo Trí Thức Trẻ 16:17 02/01/2015

Ngày nay, rất nhiều người già neo đơn Hàn Quốc luôn sống trong lo lắng về cái chết không người chôn cất, an táng.

Ông Ham Hak Joon sống cô đơn trong một căn phòng tồi tàn trên đỉnh đồi. Hàng ngày ông ngắm nhìn thành phố và nhớ về những quãng đời đã qua của mình. Cô đơn ở tuổi 86, đã mất liên lạc với vợ con từ lâu. Câu hỏi lớn nhất của ông lúc này là cuộc đời sẽ kết thúc ra sao và ai sẽ tổ chức tang lễ cho mình.

Hàn Quốc: Người già neo đơn lo lắng về cái chết không người chôn 1
Ông Ham sống cô đơn suốt 15 năm trong căn phòng tối tăm và không có cửa sổ này

Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Time, ông Ham nói rằng đã 15 năm nay ông không gặp và nói chuyện với các con, người bạn duy nhất của ông bây giờ cũng đã già và sống trong nghèo khổ.

“Tôi đã định sẽ hiến xác cho trường đại học, nếu làm vậy, lúc tôi chết sẽ có ai đó đến đây đem tôi đi” - Ông Ham chia sẻ.

Nhưng kế hoạch của ông đã thay đổi sau khi ông biết đến quỹ từ thiện Good Sharing, được thành lập năm năm trước khi mà thông tin về những thi thể người già vô thừa nhận ngày càng tăng tại Hàn Quốc. 

Giám đốc quỹ Good Sharing, ông Park Jin Ok cho biết: “Tại Hàn Quốc, tang lễ và nơi an nghỉ là một phần rất quan trọng của cuộc đời mỗi người, rất nhiều người già cô đơn luôn lo lắng về điều đó vì họ không có ai bên cạnh, nhưng bây giờ họ đã có chúng tôi rồi”. Trong những năm trước đây, số thi thể vô thừa nhận tại Hàn Quốc rất cao, mỗi năm có trung bình 700 người chết trong cô độc mà không có ai bên cạnh, đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng là trách nhiệm chính của các tình nguyện viên trong quỹ từ thiện này.

Ngày trẻ, ông Ham là tài xế xe bus, đến khi ông vay mượn để thành lập công ty vận tải riêng thì cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á xảy ra, ông phá sản và bị vợ bỏ, sau khi ly hôn năm 1998, ông không được gặp và liên lạc với vợ con mình cho đến bây giờ.

Hàn Quốc: Người già neo đơn lo lắng về cái chết không người chôn 2
Những ngọn nến là nguồn sáng duy nhất trong căn phòng của ông Ham sau khi các bóng đèn đều đã hỏng


Nguồn thu duy nhất hiện giờ của ông Ham là 100USD (hơn 2 triệu đồng) tiền trợ cấp của chính phủ mỗi tháng, với các bệnh về xương, ông cũng không thể đi nhặt rác kiếm sống như trước được nữa. 

Chính phủ cũng không thể trợ cấp cao hơn vì ông vẫn có 2 người con, theo luật Hàn Quốc, con cái có nghĩa vụ phải nuôi dưỡng bố mẹ già, nhưng theo báo cáo năm 2014 cho thấy, chỉ có 30% số người già được con cái nuôi dưỡng và chu cấp. 

Mỗi khi nhận được thông tin người già neo đơn qua đời, quỹ Good sharing sẽ chờ khoảng một tháng sau mới hỏa táng và tổ chức đám tang, trong quãng thời gian đó, họ sẽ đăng thông tin lên báo chí với hy vọng rằng thân nhân người đã khuất sẽ đến để đưa thi thể về nhà.

Nhưng do chi phí tang lễ tại Hàn Quốc quá đắt đỏ, mỗi đám tang sẽ tiêu tốn khoảng 5 triệu Won (tương đương 97 triệu đồng) nên phần lớn các thi thể người già neo đơn đều không có ai tới nhận, do nguồn lực và nhân sự hạn chế, mỗi đám tang do Good Sharing tổ chức chỉ kéo dài trong một buổi sáng thay vì 3 ngày như tang lễ truyền thống của Hàn Quốc.

Hàn Quốc: Người già neo đơn lo lắng về cái chết không người chôn 3
Ông đã tự chuẩn bị ảnh thờ từ nhiều năm trước và ghi đầy đủ thông tin cá nhân đằng sau


Cầm trên tay di ảnh của chính mình, ông Ham chia sẻ: “Giờ thì tôi có thể yên tâm rằng mình không chết trong cô độc nữa rồi, những ngày còn lại của đời tôi sẽ dễ chịu hơn rất nhiều”.

(Nguồn: Time)