Clip: Cộng đồng mạng phản ứng dữ dội trước "Bi kịch tị nạn Châu Âu"

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 14:11 04/09/2015

Trước sự thờ ơ của một số nước Châu Âu trong vấn đề khủng hoảng dân tị nạn, nguyên nhân dẫn đến "bi kịch Aylan Kurdi", cư dân mạng thế giới đã tỏ thái độ rất mạnh trên các mạng xã hội và diễn đàn lớn.

Bức ảnh xác cậu bé Syria trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã và đang làm Internet dậy sóng trong những ngày hôm nay, không chỉ xúc động trước sự tàn khốc của chiến tranh, sự khổ sở của những người dân tị nạn, mà còn phẫn nộ trước thái độ dửng dưng của các nước Châu Âu.

Video về phản ứng của cư dân mạng thế giới trước bi kịch mang tên "Aylan Kurdi".

Gia đình Aylan đến từ thị trấn Kobani nằm ở phía nam Syria. Thị trấn này ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và đang là điểm nóng quân sự, liên tục xảy ra giao tranh giữa lực lượng IS và người Kurd. Cả gia đình 4 người, cùng 19 người khác chia nhau lên 2 chiếc thuyền cao su liều mạng băng qua Địa Trung Hải tới đảo Kos, Hi Lạp, hi vọng có được một cuộc sống bình yên không tiếng bom rơi đạn lạc. Thế nhưng chỉ sau 4 phút ra khơi, vì bị trưởng đoàn bỏ rơi, gặp sóng dữ, hai chiếc thuyền cao su quá tải bị lật, mang theo tính mạng 12 con người chôn vùi dưới lòng biển, trong đó có 3 thành viên gia đình Aylan.

Gia đình Aylan không phải trường hợp duy nhất, mỗi ngày có tới 2000 con người, chủ yếu từ Syria, Sudan và các nước Châu Phi sử dụng các phương tiện thô sơ băng qua Địa Trung Hải để được sống một cuộc sống mới ở "vùng đất hứa Châu Âu". Hiện tại, Lebanon đang là "trạm trung chuyển" của gần 1,2 triệu người Syria đến đây ngày ngày mong chờ một chuyến đi khỏi khu vực loạn lạc. Để hạn chế tình trạng dân tị nạn và nhập cư ồ ạt này, nhiều nước đã ban hành chính sách "cấm cửa", hoặc lập các rào chắn khu vực biên giới. Không khó để thấy tình trạng hàng trăm, nghìn người, ôm theo con nhỏ vạ vật tại các đường biên giới mỗi ngày.

Tuy nhiên, chính phủ các nước Châu Âu lại tỏ ra vô cùng thờ ơ, không quan tâm đến vấn đề khủng hoảng tị nạn này. Thậm chí thủ tướng nước Anh còn phát biểu vô cùng lạnh lùng, rằng làn sóng dân nhập cư quá lớn tại các nước không có nghĩa là Anh cũng phải "chịu chung" cuộc khủng hoảng. Điều này đã làm cư dân mạng trên thế giới tỏ ra vô cùng phẫn nộ, bởi một trong các nguyên nhân dẫn đến "bi kịch Aylan Kurdi" chính là từ sự vô tâm của các quốc gia Châu Âu, khiến dân tị nạn phải tìm đến những phương thức mạo hiểm nhất. Hàng loạt những đoạn "tweet" trách móc trên mạng xã hội Twitter đã được đăng tải nhắm thẳng trực tiếp vào các lãnh đạo Châu Âu.


2-cc21a
"Xin lỗi vì đã chia sẻ điều này, nhưng nước thủ tướng Anh nói rằng không cần giúp dân tị nạn Syria đấy..."


3-cc21a
"Châu Âu ngay lập tức nên giúp những con người đó. Những hình ảnh kia thật đáng hổ thẹn"


4-cc21a
"Tôi tin rằng thằng bé chỉ biết mang đến niềm vui, nhưng hãy xem thế giới này đã làm gì với nó"

5-cc21a
"Tình người trôi dạt đấy, thế giới nên khóc đấy. Nhưng mà, họ vẫn chưa đâu"

6-cc21a
"Sự thờ ơ của những nhà chính trị Pháp trước tình trạng dân tị nạn thật đáng ghê tởm, đáng phẫn nộ"

Vậy thế giới nên làm gì để giúp Syria và các nước tương tự? Nguyên nhân sâu xa chính là do chiến tranh. Thế giới nên làm gì đó để giải quyết giao tranh quân sự tại các nước ấy, và rồi sẽ không còn những thảm kịch như Aylan Kurdi nào nữa. Cũng giống như cậu bé 13 tuổi Syria đã phát biểu: "Hãy dập tắt chiến tranh ở Syria, và rồi chúng tôi sẽ không muốn tới Châu Âu nữa. Chỉ vậy mà thôi".