Chùm ảnh: Những tác hại mà các thiết bị điện tử gây ra cho loài người

Lương Hồng Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 28/05/2015

Sự phát triển công nghệ, đặc biệt là điện thoại thông minh đã làm cho cuộc sống con người trở nên dễ dàng hơn, nhưng bên cạnh đó nó cũng đem lại rất nhiều tác hại về môi trường và sức khỏe con người.

Trong năm sau, ước tính sẽ có đến 2 tỷ người trên thế giới sở hữu điện thoại thông minh. Và nếu như trong trường hợp nào đấy, những chiếc điện thoại này không còn sử dụng được nữa, chúng sẽ ngay lập tức được chuyển đến những bãi rác công nghệ trên khắp thế giới. Đáng ngại là, số lượng những bãi rác này đang ngày một gia tăng, kéo theo đó là hàng loạt hệ quả về môi trường, sinh thái, sức khỏe hàng trăm hàng nghìn con người đang ngày ngày chung sống với chúng.

Đúng vậy, điện thoại thông minh giúp cho cuộc sống tốt hơn, tiện lợi hơn rất nhiều, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, chúng cũng là một trong những nguyên nhân lớn nhất góp phần hủy hoại cuộc sống của chúng ta.

Tại Ghana, những công nhân đang ngày ngày phải chịu đựng khói độc do đốt vỏ nhựa để khai thác lõi kim loại bên trong. Những dây kim loại này sau đó sẽ được tái sử dụng nhằm sản xuất sạc USB và điện thoại thông minh khác.

Công nhân Ghana phải làm việc với khí độc khi đốt vỏ cao su.

Để khai thác vàng làm mạch in trong các thiết bị điện tử, người dân Congo phải lăn lộn trên những bãi khai thác đầy bùn đất và sự nguy hiểm.



Cùng ghé thăm mỏ đồng đỏ sâu nhất thế giới, nằm tại vực Bingham, Utah. Nơi đây có chiều sâu tới hơn 1200m và rộng tới 4500m, ngang với một sân vận động có sức chứa 9 triệu người. Khách hàng chủ yếu của mỏ Bingham là các công ty gia công thiết bị điện thoại, laptop.

Mỏ khai thác lộ thiên Bingham.

Song song với mỏ Bingham, vực Berkeley cũng là một bãi khai thác đồng đỏ lớn tại bang Montana, Mỹ. Từ mỏ vực này, rất nhiều kim loại quý hiếm có thể được tìm thấy, từ đồng đỏ cho đến vàng. Với chiều rộng tới gần 2,5km, vào một số thời điểm trong năm, Berkeley biến thành một bể nước mưa khổng lồ. Kết hợp với kim loại có sẵn và những hóa chất sử dụng trong việc khai thác, bể nước mưa này lại trở thành một hố a-xít, giết chết hàng trăm động vật mỗi năm.


Cận cảnh hố a-xít tại mỏ đồng đỏ Berkeley.

Vịnh Buyat, mỏ khai thác lộ thiên ở Indonesia cung cấp vàng và đồng đỏ cho các nhà máy sản xuất linh kiện điện thoại. Được biết mỏ này thuộc về tập đoàn khai thác khoáng sản Newmont, cũng là đại gia khai thác vàng lớn mạnh thứ nhì trên thế giới.


Tập đoàn này mới đây đã gặp phải rắc rối khi có một bản báo cáo gửi lên chính phủ tố cáo Newmont đã xả chất thải độc hại chứa thủy ngân và thạch tín ra khu vực sống xung quanh đó, ảnh hưởng tới sức khỏe của rất nhiều người. Năm 2007, cô Nabiha Shahab Jania Ompu, thời điểm đó đang sống trong một ngôi làng tại Buyat đã công bố hình ảnh khối u trên lưng cô. Cô cho biết khối u đó hình thành kể từ ngày tập đoàn Newmont bắt đầu công việc khai thác gần ngôi làng. Tuy nhiên, tập đoàn này khẳng định đã không làm gì sai.

Khối u trên lưng Nabiha Shahab Jania Ompu được cho là hậu quả của việc xả chất thải độc hại trong quá trình khai thác.

Hàng nghìn tấn vôi, nhôm chloride đã được đổ xuống sông Long Giang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để khử độc Cadmium đang gây ô nhiễm nặng trong dòng nước khúc sông này. Cadmium được sử dụng để chế tạo pin cho điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Khi được hấp thụ vào cơ thể người, hóa chất độc hại này có thể gây suy thận, nặng hơn là tử vong.

Lính cứu hỏa đổ hàng tấn hóa chất khử độc Cadmium trên sông Long Giang.

Nhiều báo cáo gửi đến Viện Lao động và nhân quyền Toàn cầu tố cáo các nhà máy sản xuất điện thoại ở Trung Quốc buộc công nhân phải làm việc tới 72 giờ một tuần. Công nhân ở đây phải đối mặt với nguy cơ suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, nhiều người phải bỏ bữa trưa chỉ để được chợp mắt ít phút trong ngày. Bên cạnh đó là nạn quấy rối tình dục từ các quản đốc.


Chúng ta đang dần trở thành nô lệ của các thiết bị điện tử. Mỗi khi có một mẫu điện thoại đình đám ra mắt, thật không khó để thấy những hàng người dài dằng dặc chầu chực bên cạnh cửa hàng điện thoại. Và sau đó, tại các sự kiện, các lễ hội, thậm chí trong những sinh hoạt thường nhật, chúng ta cũng chẳng thể đặt điện thoại xuống. 


Cảnh tượng xếp hàng chờ mua iPhone 6.

Trong năm 2012, khối lượng rác thải điện tử đã lên đến con số 48,9 triệu tấn và sẽ cứ liên tục tăng lên. Ước tính vào năm 2017, sẽ có 60 triệu tấn điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, các thiết bị điện tử khác bị vứt đi. Rất nhiều công ty đã bắt đầu tiến vào thị trường "khai khoáng đô thị" bằng cách mở các trung tâm tái chế rác thải điện tử, mở ra một cuộc sống mới cho những chiếc điện thoại thông minh, laptop bị vứt bỏ.

John Shegerian, CEO của Trung tâm tái chế điện tử quốc tế tại Fresno, California.

Tại Ấn Độ, thậm chí việc thu gom rác thải điện tử còn nhanh hơn việc tái chế chúng rất nhiều. Hậu quả là ở đây tồn tại những núi rác công nghệ rất lớn, chủ yếu là linh kiện máy tính cũ ngay trên đường phố.


Được mệnh danh là bãi rác điện tử lớn nhất thế giới, thành phố Guiyu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã trở thành cái nôi đào tạo những chuyên gia tháo dỡ linh kiện điện tử có tay nghề cao. Có khoảng 5500 gia đình ở đây có truyền thống xử lý rác thải điện tử và lọc ra những bộ phận giá trị, tạo ra tổng thu nhập vào khoảng 75 triệu USD mỗi năm.

Mỗi năm thành phố Guiyu có thể xử lý 1,5 triệu tấn rác thải điện tử, chủ yếu đến từ Mỹ.

Những người dân sống tại thành phố này phải trả giá cho việc duy trì "làng nghề" bằng chính sức khỏe của mình. Tỷ lệ nhiễm chì trong máu ở trẻ em tại đây lên đến 70%, cùng với đó là nguy cơ nhiễm ung thư và sảy thai cao nhất thế giới.

Một cô bé tại Guiyu đang thoăn thoắt tháo dỡ linh kiện điện tử.

(Theo Mic)