Chùm ảnh: Bên trong bệnh viện buôn bán nội tạng bất hợp pháp ở Ấn Độ

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 10/04/2015

Để có thể kiếm được chút tiền ít ỏi, nhiều người dân đã bất chấp nguy hiểm đặt cược cả tính mạng vào tay những băng nhóm buôn bán nội tạng vô đạo đức.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời gian gần đây, thị trường buôn bán nội tạng bất hợp pháp đã trở nên sôi động đến mức hàng năm có tới 10.000 cơ sở bất hợp pháp hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, số liệu này được cho là vẫn còn thấp hơn thực tế rất nhiều.

Riêng tại Ấn Độ, mỗi năm, có khoảng 2.000 người tình nguyện bán thận với mức giá 5.000USD (hơn 100 triệu đồng). Bất chấp những cơ sở y tế lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh, nhiều người dân nghèo vẫn tìm đến con đường buôn bán nội tạng bất hợp pháp với mong muốn kiếm được chút tiền trang trải cho cuộc sống khó khăn.


Một bệnh nhân đang nằm tại 1 bệnh viện nổi tiếng với việc buôn bán nội tạng trái phép ở Ấn Độ.


Để có thể kiếm được khoản tiền ít ỏi (khoảng 5.000USD), nhiều người dân nghèo đã bất chấp nguy hiểm, giao cả tính mạng cho những bác sĩ, băng nhóm buôn bán nội tạng bất hợp pháp.

Mặc dù những người quyên hiến nội tạng chỉ nhận được khoản tiền không đáng kể, nhưng khi đã qua tay các băng nhóm buôn bán nội tạng bất hợp pháp, những bộ phận cơ thể như tim, phổi, thận... lại mang về cho chúng khoản tiền lên tới 200.000USD (hơn 4 tỷ đồng).


Với mỗi quả thận được rao bán, những băng nhóm buôn bán nội tạng này lại có thể thu về số tiền từ 130.000USD đến 200.000USD (2,8 đến hơn 4 tỷ đồng).


Hình ảnh 1 cậu bé cùng mẹ đang ngồi chờ ở khu cấy ghép nội tạng của 1 "bệnh viện chợ đen" tại Ấn Độ.


Người đàn ông ngồi chờ hiến nội tạng. Người dân luôn tìm đến các cơ sở y tế chui để hiến thận bởi họ biết rằng họ vẫn có thể sống dù chỉ còn 1 quả thận.


Một người đàn ông ốm yếu đang nằm trên giường bệnh. Mặc dù đã có luật cấm buôn bán nội tạng nhưng vì nhu cầu cấy ghép thận cho các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ngày một tăng nên thị trường buôn bán thận trái phép vẫn hoạt động vô cùng sôi nổi.


Một y tá đang giám sát quy trình cấy ghép nội tạng. 


Ấn Độ được biết đến là 1 trong những quốc gia "xuất khẩu nội tạng" lớn nhất trên thế giới.


Một người thân đang đứng chờ ngoài bệnh viện trong khi người đàn ông tiến hành phẫu thuật hiến nội tạng.




Những dụng cụ được sử dụng tại cơ sở y tế chuyên buôn bán nội tạng trái phép.

Ngoài Ấn Độ, Trung Quốc cũng luôn nóng về vấn đề cấy ghép cũng như buôn bán nội tạng trái phép. Theo các báo cáo, các bệnh viện tại Trung Quốc thường mổ lấy 11.000 bộ phận nội tạng từ các tử tù mỗi năm. Tuy nhiên, giới chức nước này luôn bác bỏ những cáo buộc đó và cho biết các bộ phận nội tạng thường được lấy từ những người hiến tặng.

Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận và các cáo buộc của các tổ chức nhân quyền, năm ngoái, chính phủ nước này khẳng định sẽ chấm dứt một cách toàn diện việc sử dụng tử tù như một nguồn cung cấp nội tạng phục vụ cho cấy ghép y học.

(Ảnh: Exclusivepix media)