Thế giới đang chậm chân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Phạm Hà, Theo VOV1 22:32 29/11/2018

Liên Hợp Quốc mới đây cảnh báo cộng đồng quốc tế đang "chậm chân" trong "cuộc đua" chống lại tình trạng biến đổi khí hậu.

Báo cáo được công bố chỉ vài ngày trước Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP 24) sẽ diễn ra từ ngày 2-14/12 tại Ba Lan, trong đó các quốc gia thảo luận để có thể thông qua chương trình nghị sự triển khai Hiệp định Paris 2015.

Thế giới đang chậm chân trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Liên Hợp Quốc cảnh báo cộng đồng quốc tế đang "chậm chân" trong "cuộc đua" chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: KhoahocTV

Lượng khí nhà kính gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu vào năm 2030 có thể cao hơn từ 13 tỷ tấn đến 15 tỷ tấn so với giới hạn cần thiết để giữ mức tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất ở ngưỡng 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Đây là những kết luận trong Báo cáo của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) khi phân tích tác động của những mục tiêu cắt giảm khí thải mà các quốc gia trên thế giới đã cam kết trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo cho rằng, nếu khoảng cách này không được thu hẹp trước năm 2030 thì mục tiêu hạn chế mức nhiệt tăng hoàn toàn vượt quá tầm với. Các quốc gia phải nỗ lực gấp 3 nếu muốn đạt mục tiêu 2 độ C và gấp 5 nếu muốn đạt mục tiêu 1,5 độ C.

Người đứng đầu Văn phòng Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc tại New York Satya Tripathi cho biết: “Có những chứng cứ đáng tin cậy rằng các nước đang không thực hiện đủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cần phải làm nhiều hơn nữa. Trong trường hợp này, các quốc gia G-20 - khối chiếm 80% lượng khí thải toàn cầu, rõ ràng đang không trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính”.

Những số liệu này của các nhà khoa học tiếp tục gia tăng sức ép đối với Hội nghị COP 24 khai mạc tại Ba Lan cuối tuần này. Đại biểu từ 195 quốc gia tham gia Hội nghị sẽ có 2 nhiệm vụ chính đó là đưa ra một “Sách quy tắc” với các chi tiết cụ thể thực hiện hóa Hiệp định Paris sau quyết định rút lui của Mỹ và nhiệm vụ thứ 2 đó là cam kết chính trị rõ ràng và kế hoạch hành động cho mục tiêu chung vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà đàm phán cho rằng, sự chia rẽ trong nội bộ các nước Liên minh châu Âu, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng đến chính sách biến đổi khí hậu.

Chính phủ các nước châu Âu có hạn chót đến cuối năm 2019 để đưa ra dự thảo kế hoạch nhằm giảm việc sử dụng năng lượng để đáp ứng được mục tiêu của khối. Tuy nhiên nhiều quốc gia, trong đó có các siêu cường kinh tế khu vực như Đức lo ngại rằng việc đặt ra mục tiêu tham vọng hơn về khí hậu sẽ đe dọa ngành công nghiệp của các nước.

Xoa dịu những lo ngại này, Cao ủy châu Âu về năng lượng Miguel Arias Canete khẳng định những lợi ích của nỗ lực chống biến đổi khí hậu đối với các nước: “Thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu sẽ đảm bảo những lợi ích mà châu Âu muốn: Cải thiện đáng kể cuộc sống hàng ngày của người dân. Những ngôi nhà năng lượng sạch trở thành tiêu chuẩn tại châu Âu. Giao thông sạch sẽ, thích ứng với phong cách sống hiện đại bền vững. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta thấy không khí ô nhiễm đang gây ra bệnh dịch và khoảng 500 nghìn người chết sớm hàng năm tại châu Âu”.

Trong những năm qua, con người đã chứng kiến các vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng nề, các đợt nắng nóng đỉnh điểm hay các cơn bão có sức tàn phá trên diện rộng khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất mới chỉ tăng 1 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Các nhà khoa học cũng cho rằng biến đổi khí hậu đang trở thành mối đe dọa y tế lớn nhất toàn cầu. Vì vậy, Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động tham vọng hơn và khẩn trương hơn để đạt được mục tiêu đã đề ra. Ba Lan - nước chủ nhà COP 24 cũng bày tỏ hi vọng các nước tham gia hội nghị sẽ có sự thỏa hiệp, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu đặt ra tại Hội nghị./.