Thầy giáo hot Facebook cho học sinh chép đáp án khảo sát Toán có vi phạm pháp luật?

Quang Anh, Theo GĐ&XH 14:16 04/06/2020

Để “giúp” học sinh của mình tập trung học thêm, một thầy giáo khá nổi tiếng tại Hà Nội cho giải đề Toán để học sinh chép trong đợt khảo sát đánh giá chất lượng học sinh lớp 12 năm 2020 của Hà Nội.

Theo tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở đã đề nghị cơ quan công an của thành phố xác minh sự việc một thầy giáo cho giải đề Toán để học sinh chép trong đợt khảo sát đánh giá chất lượng học sinh lớp 12 năm 2020 được tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua.

Cụ thể, vào tối ngày 29/5, toàn bộ học sinh lớp 12 của Hà Nội tham gia tổ chức khảo sát chất lượng trực tuyến môn Toán do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Sau khi kết thúc bài thi môn Toán, một số học sinh phản ánh, thầy Nguyễn Tiến Đ., giáo viên dạy Toán trực tuyến ở Hà Nội đã yêu cầu học sinh cứ tiếp tục học bài mới, còn việc khảo sát "đã có thầy lo".

Thầy giáo này đã cho trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án đưa lên mạng cho nhóm học sinh học ở lớp luyện thi chép đáp án và nộp bài. Sau đó, thầy Nguyễn Tiến Đ. xác nhận việc mình có cho trợ giảng giải đề cho học sinh chép. Đồng thời cho rằng, cũng có một số giáo viên khác cũng giải đề, đưa đáp án lên mạng.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chỉ là kỳ khảo sát, song việc thầy Đ. giải đề cho học sinh chép là dạy học sinh gian lận, vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng thầy giáo làm như vậy để muốn nổi tiếng, "câu kéo" học sinh tham gia các lớp ôn thi của mình.

Thầy giáo hot Facebook cho học sinh chép đáp án khảo sát Toán có vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Thầy giáo dạy Toán online Nguyễn Tiến Đ. đã "lo" cho học sinh kết quả thi khảo sát.

Chỉ ra một thực tế hiện nay một bộ phận học sinh, giáo viên vì mục đích cá nhân mà gian lận trong kiểm tra, thi cử, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, không chỉ học sinh gian lận trong các kỳ thi, thực tế có không ít giáo viên và cơ sở đào tạo đã có những hành vi gian lận, để điểm số vì bệnh thành tích và mưu lợi cá nhân, tập thể của đơn vị đào tạo đó. Pháp luật luôn có những chế tài đối với những hành vi vi phạm này ở mức độ kỷ luật, xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc nêu trên, theo luật sư Đặng Văn Cường, mặc dù đây là kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 12 của Hà Nội, tuy nhiên, kết quả kỳ thi này sẽ đánh giá được mặt bằng chung của chất lượng giáo dục, trình độ giáo dục của các thầy cô cũng như năng lực, khả năng tiếp thu của học sinh. Việc thầy giáo cung cấp đáp án trước cho học sinh hoặc chuyển đáp án cho học sinh sẽ làm vô hiệu hóa giá trị của kỳ thi.

Điểm số sẽ không phản ánh đúng thực tế năng lực của học sinh cũng như chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục. Việc này gây tốn kém, lãng phí thời gian, công sức và tiền của, gây tâm lý xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, mức độ sai phạm và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Thầy giáo hot Facebook cho học sinh chép đáp án khảo sát Toán có vi phạm pháp luật? - Ảnh 2.

Ôn thi và khảo sát trực tuyến trên hệ thống Hanoi Study của Sở GD&ĐT Hà Nội.

"Cơ quan chức năng sẽ làm rõ kỳ thi thử này có thuộc dạng mật hay không để có hình thức xử lý. Ngoài ra, sẽ đối chiếu với quy chế thi, quy định về đạo đức giáo viên để xem xét đến hành vi của các thầy giáo làm lộ đề thi. Cơ quan chức năng cũng sẽ đánh giá hậu quả do hành vi này gây ra đối với kỳ thi đó để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật" - luật sư Cường chia sẻ thêm.

Từ vụ việc này, theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cũng cần xem xét để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động giảng dạy online. Hành vi mưu lợi cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh làm thiếu đi tính nghiêm túc của các kỳ thi và làm xấu đi hình ảnh của người thầy. Bởi vậy những hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh, đồng thời phải tăng cường công tác quản lý để tránh những trường hợp tiêu cực như thế này có thể xảy ra.