Thành phố La Mã cổ đại Thamugadi: Tàn tích bị sa mạc Sahara chôn vùi gần 10 thế kỷ

Phương Phương, Theo Đời Sống & Pháp Luật 01:05 27/08/2019

Từng là một tiền đồn quân sự thịnh vượng của Bắc Phi, Thamugadi bị lãng quên dưới lớp cát của sa mạc Sahara cho đến hàng thế kỷ sau đó.

Thành phố La Mã Thamugadi và những phát hiện đầu tiên

Thành phố La Mã cổ đại Thamugadi: Tàn tích bị sa mạc Sahara chôn vùi gần 10 thế kỷ - Ảnh 1.

Thamugadi được thành lập bởi hoàng đế La Mã Trajan. Ảnh: AGE FOTOSTOCK

Được thành lập bởi hoàng đế Trajan vào khoảng năm 100 sau Công nguyên, thành phố Thamugadi, còn được gọi là Timgad hay Tamugas nằm ở tỉnh Mumidia của Bắc Phi. Là căn cứ của các cựu chiến binh Quân đoàn Augustan thứ 3, Thamugadi phát triển mạnh mẽ hàng trăm năm, trở nên thịnh vượng và trở thành mục tiêu hấp dẫn của những kẻ xâm lược. Sau cuộc tấn công của lực lượng Vandal năm 430, các cuộc xâm chiếm lặp đi lặp lại đã làm thành phố suy yếu, khiến nó không thể được phục hồi và bị bỏ hoang trong những năm 700.

Những lớp cát của sa mạc Sahara thổi tới và chôn vùi Thamugadi gần 10 thế kỷ cho đến những năm 1700, khi một nhóm các học giả Scotland tìm đến nơi này. Vào năm 1763, nhà quý tộc Scotland James Bruce đang làm việc tại lãnh sự Anh tại thành phố ven biển Algiers (ngày nay là thủ đô của Algeria). Ông Bruce là một học giả có nhiều mối quan tâm đến lịch sử, văn hoá. Trước khi đến Algeria để đảm nhiệm vị trí của mình, ông đã dành một vài tháng ở Ý để nghiên cứu về lịch sử của châu Phi và vai trò của khu vực này trong thời kỳ cổ đại.

Sau khi đụng độ với cấp trên ở London và bị sa thải vào năm 1765, thay vì trở về Anh, ông Bruce và một nghệ sĩ Florentine tên là Luigi Balugani đã bắt đầu một cuộc phiêu lưu trên khắp châu Phi. Trong hành trình của mình, họ đã ghi chép và tạo ra những bức tranh minh họa mô tả nhiều người và địa điểm phi thường mà họ gặp được.

Trong giai đoạn đầu của cuộc phiêu lưu, họ đã đi về phía Nam, đến sa mạc Algeria để tìm kiếm dấu vết của các nền văn minh cổ đại. Ông Bruce và Balugani đã nhìn thấy một số tàn tích La Mã khi họ khám phá nhiều vùng xa xôi hơn của khu vực.

Vào ngày 12/12/1765, họ đã xác định được địa điểm của Thamugadi cổ xưa. Nhiều người tin rằng họ là những người châu Âu đầu tiên trong nhiều thế kỷ đến thăm nơi này, nằm gần sườn phía Bắc của dãy núi Aurès. “Đây là một thị trấn nhỏ, nhưng đầy những tòa nhà trang nhã”, ông Bruce viết trong nhật ký. Ông tự tin rằng tàn tích này là những gì còn lại của thành phố do hoàng đế La Mã Trajan sáng lập hơn 1.000 năm trước đó.

Ông Balugani qua đời vào năm 1770 và ông Bruce trở lại London vào năm 1774. Khi ông báo cáo những phát hiện của mình, các thông tin vấp phải nhiều sự hoài nghi. Đến năm 1780, ông bắt đầu viết một cuốn hồi ký về thời gian ở châu Phi, một tác phẩm gồm 5 tập được gọi là “Chuyến du lịch khám phá nguồn gốc của sông Nile”, xuất bản vào năm 1790. Khi Bruce qua đời 4 năm sau đó, phần lớn các học giả Anh vẫn từ chối công nhận thành tích của ông.

Tàn dư của một thành phố La Mã lộng lẫy

Thành phố La Mã cổ đại Thamugadi: Tàn tích bị sa mạc Sahara chôn vùi gần 10 thế kỷ - Ảnh 2.

Thành phố được khai quật sau gần 10 thế kỷ bị chôn vùi dưới lớp cát của Sahara. Ảnh: GRAND PALAIS

Thamugadi tiếp tục bị lãng quên trong cát sa mạc cho đến năm 1875, sau chuyến đi của ông Robert Lambert Playfair, một đại sứ Anh ở Algeria. Trong cuốn sách xuất bản năm 1877 của mình, ông Playfair đã tỏ lòng tôn kính với người tiền nhiệm Bruce và cung cấp nhiều chi tiết hơn về Thamugadi. Những quan sát của ông cho thấy tầm quan trọng của thành phố đối với toàn khu vực, chú ý rằng nó được xây dựng tại giao lộ của sáu con đường La Mã.

Theo ý kiến ​​của ông Playfair, kiến ​​trúc này thay thế cho thành phố Lambaesis lân cận - thủ đô quân sự Nubia của đế chế xưa. Ông cũng kết luận rằng Thamugadi từng là một trung tâm hoạt động thương mại và nông nghiệp. Ông cũng mô tả sự tráng lệ của thành phố La Mã cổ đại này. Trên mặt đất bên dưới cổng vẫn còn có những đường rãnh sâu cho thấy giao thông đông đúc vào thành phố dọc theo con đường hoàng gia sầm uất.

Người Pháp nắm quyền kiểm soát địa điểm này vào năm 1881, một vài năm sau chuyến thăm của đại sứ Playfair, và duy trì sự hiện diện ở đó cho đến năm 1960. Trong thời gian này, địa điểm này đã được khai quật một cách có hệ thống. Dù bị chôn vùi trong nhiều thế kỷ dưới cát nhưng may mắn thay, Thamugadi không bị công trình nào nằm đè lên. Thamugadi là một trong số ít các thành phố La Mã được khai quật toàn bộ.

Những nghiên cứu quan trọng

Nghiên cứu được thực hiện bởi ông Playfair và các học giả người Pháp khác đã cho phép những nhà sử học ghép lại lịch sử của thành phố. Ban đầu, thành phố được đặt tên là Colonia Marciana Trajana Thamurga để vinh danh em gái của Hoàng đế Trajan.

Vào giữa thế kỷ thứ III sau Công nguyên, dân số thành phố đạt đỉnh 15.000 người. Họ có những tòa nhà công cộng đẹp, bao gồm một thư viện tráng lệ và tổng cộng 14 phòng tắm. Địa điểm này cũng có vai trò chiến lược trong việc bảo vệ biên giới phía Nam của Đế chế La Mã. Bắc Phi là trung tâm sản xuất ngũ cốc và Quân đoàn Augustan thứ 3 đã đóng quân tại Thamugadi để vận chuyển lương thực đến Rome.

Hai năm một lần, hàng trăm người sẽ được giải ngũ khỏi quân đoàn, và họ định cư ở Thamugadi để làm nông nghiệp. Sự hiện diện của họ cũng phục vụ như một sự răn đe đối với những kẻ xâm lược.

Cuộc khủng hoảng chung xảy ra ở biên giới của Đế chế La Mã cuối cùng đã gây thiệt hại cho Thamugadi. Sau khi bị những kẻ phá hoại cướp bóc trong thế kỷ thứ V, thành phố bắt đầu chìm vào hoang tàn. Sau khi phía Tây của La Mã sụp đổ, Thamugadi hồi sinh ngắn ngủi như một trung tâm Kitô giáo, và một pháo đài được xây dựng bên ngoài thành phố vào năm 539. Tuy nhiên, thành phố đã bị bỏ hoang trước hoặc trong cuộc xâm lược của người Ả Rập vào những năm 700.

Từ thời điểm đó, Sahara dần dần bao phủ Thamugadi, và nó bị ẩn giấu trong 1.000 năm cho đến khi James Bruce và những học giá khác khám phá ra, mang lại vinh quang bị chôn vùi của thành phố. Thamugadi được chỉ định là Di sản Thế giới của UNESCO năm 1982.

(Theo National Geographic)