Thanh niên rảnh và nghịch nhất năm: Chế lại bài hát huyền thoại của Mỹ chuẩn 100% chỉ bằng đống ổ cứng cổ lỗ

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 08/12/2018

Chỉ dùng linh kiện máy tính cũ mà tạo ra cả bản nhạc huyền thoại với đầy đủ âm hưởng nhạc cụ, chúng ta cũng nên dành cho thanh niên này một Like ca ngợi chứ nhỉ?

Nhắc đến cái tên "Bohemian Rhapsody", chắc chắn nhiều người trong số chúng ta sẽ không khỏi cảm thấy quen thuộc khi từng chứng kiến rất nhiều trong các show, phim ảnh nước ngoài. Đây là bài hát được thu âm ban đầu bởi ban nhạc Queen năm 1975, đánh dấu một thành công về thương mại, tạo tiếng vang chấn động và trở thành một hiệu ứng huyền thoại trong lịch sử âm nhạc cho tới ngày nay.

Với độ fame nổi ầm ầm như thế, Bohemian Rhapsody thường được chơi với cả một dàn nhạc và ê-kíp chuyên nghiệp - nhưng tất cả sẽ chỉ là chuyện nhỏ với anh chàng sau đây: Tận dụng những ổ đĩa cũ của máy tính, bắt chúng kêu "tít tít" loạn xì ngậu lên rồi phối hợp với nhau để ra chính xác từng khuông nhạc Bohemian Rhapsody.

Bohemian Rhapsody cực lạ phiên bản "high-tech"

Với nickname "SileNT", thanh niên nhân vật chính của chúng ta đã bắt đầu thu thập và sưu tầm những ổ cứng và ổ đĩa máy tính từ năm 2012 tới nay. Để thực hiện dự án tương đương một dàn nhạc giao hưởng cho bản Bohemian Rhapsody mới, anh đã dùng đến thiết bị có tên gọi Floppotron - bao gồm sự kết hợp của 64 ổ đĩa, 8 ổ cứng dữ liệu và 2 máy quét.

Vậy chúng hoạt động thế nào để tạo ra âm thanh trầm bổng của âm nhạc, khi mà vốn dĩ đó chỉ là những linh kiện máy vi tính thông thường? Rất đơn giản: "Mọi thiết bị đọc dữ liệu phổ biến thường có một motor điện bên trong quay liên tục, tạo ra tiếng động đặc trưng tùy ý. Chẳng hạn, máy quét dữ liệu bên trong ổ đĩa CD hay ổ cứng máy tính đều có cơ chế motor quay cơ học. Độ trầm bổng của âm thanh tạo ra sẽ tỷ lệ thuận với tốc độ quay," trích lời giới thiệu trên website của SileNT.

Thanh niên rảnh và nghịch nhất năm: Chế lại bài hát huyền thoại của Mỹ chuẩn 100% chỉ bằng đống ổ cứng cổ lỗ - Ảnh 2.

Đống ổ cứng này vẫn chưa phải là tất cả.

Cần tới công đoạn kết nối, lập trình và căn chỉnh nữa.

"Tốc độ quay càng cao sẽ tạo ra tần số rung cao, khiến âm thanh gây ra sẽ có cao độ thánh thót hơn. Đối với tiếng trống, tôi tận dụng một bộ phận cuộn nam châm điện trong ổ cứng, gắn liền với một chiếc cần gạt. Khi điện áp tăng sẽ khiến nam châm tạo ra lực mạnh hơn, tác động lên chiếc cần gạt, chạm vào rìa ổ và vang lên tiếng gõ như đánh trống."

Dĩ nhiên, tất cả những hàng dãy ổ cứng đã được anh chàng lập trình sẵn nhờ việc kết nối tới một vi mạch chủ, điều khiển trình tự nhanh chậm, cao thấp của giai điệu tạo ra. Phối hợp nhiều bộ phận tương tự như vậy, các dải âm thanh riêng cho từng thành phần "nhạc cụ" sẽ được nhận diện và dễ dàng căn chỉnh hơn.

Còn rất nhiều, rất nhiều những dòng hướng dẫn cao siêu khác thiên về lĩnh vực sâu xa mà có lẽ chỉ ai học về IT mới hiểu được. Nếu tò mò, xin mời các bạn tham quan bài viết của SileNT tại đây. Ngược lại, những ai thích thú hơn với những tác phẩm thú vị khác tương tự, thử ghé thăm YouTube của thanh niên rảnh rỗi mà khí chất sáng tạo ngùn ngụt này nhé.