Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng?

SJ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 22/09/2018

Những cái tên tầm cỡ như DBSK, SNSD, Super Junior… vẫn kiếm được rất nhiều lợi nhuận nhưng không còn tạo ra dấu ấn nào về âm nhạc.

Cách đây ít ngày, Hyoyeon – một mẩu của SNSD đã lặng lẽ bấm thích một bình luận phê phán cách làm việc của SM trên Instagram. Bình luận của người hâm mộ này chỉ ra một loạt những sai lầm của SM trong quá trình quảng bá album "debut" của nhóm nhỏ Oh!GG bao gồm năm thành viên SNSD.

Từ việc sắp xếp không hợp lý thời gian ra mắt, không có bất kì hành động quảng bá nào trên các kênh tương tác giữa thần tượng và fan cho đến việc không hề có kế hoạch tổ chức showcase, dường như SM chỉ cho ra mắt "Lil’ Touch" như một động thái chứng tỏ rằng SNSD vẫn còn hoạt động. Không chỉ SNSD, trong những năm qua, dàn thần tượng thế hệ thứ 2 lần lượt bị trôi vào quên lãng. Kể cả những cái tên tầm cỡ như DBSK, Super Junior… cũng chỉ tiếp tục gánh phần lớn doanh thu và không để lại quá nhiều ấn tượng trên đường đua Kpop. Liệu họ có còn được coi là nghệ sĩ tiếp tục hoạt động vì âm nhạc, hay chỉ còn dựa vào quá khứ để tiếp tục kiếm ra những món lợi khổng lồ?

Lil’ Touch và cú chạm nhẹ của Oh!GG trên đường đua Kpop

Một năm kể từ khi 8 cô gái SNSD không còn ở chung dưới trướng một công ty, Sone và toàn thể fan Kpop háo hức chờ đợi màn "debut" của một nhóm nhạc mới: Oh!GG. Oh!GG là unit gồm 5 thành viên của SNSD là Taeyeon, Sunny, Hyoyeon, Yuri và Yoona. Không ngoài mong đợi, fan Kpop dường như ngay lập tức phát sốt khi được nghe một đoạn ngắn của "Lil’ Touch" thông qua teaser vỏn vẹn 20 giây. Cả công chúng lẫn người hâm mộ đều nhất loạt nói rằng những nữ hoàng đã quay trở lại.

Đã 2 tuần kể từ khi Lil’Touch lên sàn, thành tích album lần này của Oh!GG vẫn là một con số đáng nể nếu đem so với bất kì nhóm nhạc nữ nào. Đụng phải "thánh digital" SHAUN cùng những cái tên rất hot như BTS, Sunmi… nhưng Lil’ Touch đã có khởi đầu rất tốt trên các bảng xếp hạng nhạc số. 5 mẩu của SNSD bán được gần 29 ngàn album phiên bản Kihno chỉ trong 10 ngày đầu tiên, và là album định dạng Kihno bán chạy nhất trong lịch sử Hanteo.

"Lil’Touch" của Oh!GG là MV thành công nhất của SNSD kể từ khi lượt xem trên Youtube trở thành một mặt trận không thể để thua. MV này đập bỏ kỉ lục của EXO, đạt số lượt xem trong 24h đầu cao nhất lịch sử nhà SM, và con số này vẫn tăng trung bình 1 triệu lượt xem/ngày. Thế nhưng ngoại trừ ca khúc, giọng hát và nhan sắc của các thành viên, lần "debut" này của nhóm vẫn còn quá nhiều vấn đề phải nói.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 1.

"Lil’ Touch" của Oh!GG là ca khúc chinh phục fan Kpop chỉ sau lần nghe đầu tiên

Vấn đề đầu tiên nằm ngay ở album: định dạng Kihno là một định dạng mới và khá tiện lợi, nhưng khi người hâm mộ có thể trực tiếp mua nhạc ở các trang nhạc trực tuyến như Melon, Itunes… để ủng hộ idol thì nhu cầu nghe nhạc chưa bao giờ là nhu cầu chính nhất cho mỗi album cứng.

Với mục đích sưu tầm và kỉ niệm, thứ thu hút nhất trong mỗi album nhạc nằm ở những vật phẩm kèm theo. Kèm theo "Lil’Touch" là 13 tấm card với đa số hình ảnh đã được công bố từ trước. Đem so với những album của nghệ sĩ nữ được xuất xưởng cùng thời điểm là Sunmi hay nhóm nhạc tân binh Oh My Girl, tổng thể album lần này của Oh!GG có phần sơ sài hơn dù số lượng bán ra lại hơn gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, Oh!GG không hề có một tuần quảng bá nào trên các show âm nhạc trong khi lịch trình cá nhân của cả 5 thành viên lại không tới mức quá bận rộn.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 2.

Album "Lil’Touch" dưới định dạng Kihno nhỏ gọn và tiện dụng nhưng tổng thể còn khá sơ sài

Không cần đợi đến "Lil’Touch" thì người hâm mộ mới thất vọng với cách làm việc của SM, nhất là trong khâu quảng bá. Trên thực tế, album kỉ niệm 10 năm của SNSD là "Holiday" cũng mang tới thất vọng nặng nề khi không hề được đầu tư xứng đáng về mặt hình ảnh lẫn chất lượng âm nhạc. Nếu nói rằng SNSD kết thúc quảng bá "Holiday" trong vội vàng vì SM đã dự liệu rằng "Holiday" sẽ thất bại trên các show âm nhạc thì Lil’Touch, vốn nhận được phản hồi rất tốt và thứ hạng digital cũng rất cao trong những ngày đầu tiên đã không phải chịu chung số phận nếu như SM quảng bá cho Oh!GG một cách đàng hoàng hơn.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 3.

Lil’Touch góp mặt trong cuộc đua tranh cúp Inkigayo cùng BTS và Sunmi dù không được quảng bá

Vì tên tuổi của SNSD và vì chất lượng bài hát, "Lil’ Touch" đáng ra đã là một ca khúc thành công rực rỡ. Nhưng với cách quảng bá qua loa và thiếu đi sự tận tâm của SM, "Lil’Touch" thật sự mới chỉ là một cú chạm nhẹ mà Oh!GG mang đến cho đường đua Kpop vào tháng 9 này.

Khi thần tượng thế hệ 2 ngày càng xa rời công chúng

Trên thực tế, không chỉ Oh!GG mà rất nhiều nhóm nhạc Kpop thuộc thế hệ 2 đang dần xa rời công chúng.

Nhắc đến sự "flop" này, câu chống chế cửa miệng của fan Kpop là "anh/chị nhà mình vẫn giàu". Thần tượng thế hệ 2 còn có thể tồn tại đến thời điểm này, lợi nhuận khổng lồ mà họ mang lại là không cần bàn cãi. DBSK đã kiếm được hơn 1 tỉ USD trong suốt sự nghiệp, và tour diễn gần đây nhất của nhóm vẫn thu hút được 1 triệu khán giả ở xứ sở hoa anh đào. 2PM vẫn là cái tên kiếm nhiều tiền nhất cho JYP trong năm 2016, năm mà Twice bật lên với "Cheer Up" và Suzy vẫn nắm chắc vị trí nữ thần quảng cáo. Netizen nhận xét khách quan rằng YG đẩy mạnh kế hoạch comeback cho "hộp châu báu" của mình là để lấp đầy chỗ trống doanh thu Big Bang để lại khi 4 trên 5 thành viên nhập ngũ. Super Junior vẫn là gương mặt biến lễ bế mạc của đại hội thể thao châu Á Asiad thành concert của riêng mình.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 4.

Thần tượng thế hệ 2 vẫn đang chiếm ưu thế về mặt doanh thu của các nhóm nhạc Kpop

Thành công về mặt doanh thu là thế, nhưng tiền bạc chưa bao giờ là thước đo duy nhất khi nói đến tầm quan trọng của một người nghệ sĩ. Thần tượng thế hệ 2 vẫn cho ra những sản phẩm mới nhưng sức hút với công chúng đã không còn như trước. Những sản phẩm này dần dần chỉ được biết đến trong giới hạn fandom, không còn trở thành hit, càng không thể nói đến "hit quốc dân" như giai đoạn hoàng kim.

Sẽ rất nhiều người bất ngờ khi biết rằng lần gần đây nhất DBSK quảng bá trên show âm nhạc là vào tháng 4 năm nay. Một cuộc quảng bá không kèn không trống, "The Chance Of Love" và "Love Line", hai ca khúc được đem trình làng cũng nhanh chóng bị lãng quên. Không đợi đến lúc này, từ sau siêu phẩm Before You Go đánh dấu sự trở lại của hai vị thần phương Đông sau khi JYJ rời nhóm, DBSK không còn là cái tên được mong chờ mỗi lần xuất hiện.

"The Chance of Love" MV - DBSK

Super Junior trở lại nhạt nhòa với "Lo Siento" hồi tháng 4. Bộ đôi nam nam gây bão một thời Donghae và Eunhyuk cũng không khá khẩm hơn là bao, "’Bout You" là cái tên lạ lẫm với fan Kpop nói chung. 2PM từ lâu đã im tiếng, SHINee tiếp tục thực hiện album "The Story of Light" sau mất mát lớn nhưng không gây được nhiều ấn tượng. FT Island và CNBlue - 2 ban nhạc thành lập cuối thế hệ 2 cũng không gặt hái được nhiều thành công trên đường đua Kpop và lần lượt thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Một thế hệ thần tượng đã đến ngày tàn lụi, lí do có phải chỉ nằm ở sự thờ ơ của công chúng?

Hãy nhìn vào tấm gương của Big Bang, cái tên duy nhất của thế hệ 2 vẫn còn đủ sức đè bẹp dàn thần tượng thế hệ 3 trên tất cả mọi mặt trận từ digital tới physical.. YG hiện nay đã có Winner, iKON, Akdong Musician, Black Pink… những cái tên hoàn toàn có khả năng chia sẻ gánh nặng kinh tế cho công ty, dù vậy Big Bang vẫn là trụ cột về mặt doanh thu. Không phải là liên tục tung ra những sản phẩm âm nhạc, đi tour luôn là phương án hàng đầu trong bài toán doanh thu, nhất là khi fandom của Big Bang không hề nhỏ. Nhưng bất chấp việc thần tượng thế hệ 3 dần chiếm lĩnh thị trường toàn thể người hâm mộ Kpop vẫn mong chờ mỗi lần Big Bang xuất hiện. Gần đây nhất, ca khúc "Flower Road" cũng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng dù chỉ là một món quà dành tặng cho fan.

Công chúng chưa bao giờ thờ ơ trước bất kì thần tượng nào chỉ với lý do họ đã hoạt động quá lâu hay họ đã kiếm đủ tiền để sống sung túc. Nhiệm vụ của công chúng luôn là thưởng thức và ủng hộ những bài hát hay. Nhưng trong thời đại công nghệ, một bài hát chỉ hay cũng không thể làm nên chuyện nếu không có một chiến lược quảng bá đàng hoàng.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 6.

Big Bang vẫn giữ vững vị trí những ông hoàng của Kpop sau hơn một thập kỉ

Người hâm mộ Kpop thế hệ 2 đang nhận thấy một sự thật rõ ràng rằng chính các công ty giải trí đang cố gắng vơ vét được càng nhiều lợi nhuận từ những nhóm nhạc lớn càng tốt. Lợi dụng độ lớn mạnh của fanbase được tích lũy từ 5 – 10 năm qua, công ty cắt giảm chi phí sản xuất và PR nhằm mục đích tối đa hóa lợi nhuận. Album "Magic" của Super Junior từng được coi như một trò đùa vì thiết kế bìa đơn giản đến mức được mệnh danh là "logo vẽ 30 giây".

Vốn không phải là nhóm nhạc được đầu tư mạnh khi luôn quay MV đóng hộp, bìa album "Magic" giống như một giọt nước tràn ly khiến cả fandom nổi lên một làn sóng phản đối cách làm việc của SM. Trước khi xảy ra sự việc quảng bá hời hợt cho SNSD và Oh!GG trong thời gian vừa rồi, việc một nhóm nhạc lớn không có nổi lighstlick chính thức sau 10 năm hoạt động cũng là một điều khiến fandom bất bình, nhất là sau khi Red Velvet – đàn em cùng công ty đã có lighstick sau 4 năm ra mắt.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 7.

Chiếc bìa album "Magic" của Super Junior khiến fan Kpop ngỡ ngàng vì độ sơ sài hiếm thấy.

Cú bấm thích một bình luận chỉ trích của Hyoyeon có thể chỉ là một cú "trượt tay", nhưng luôn tồn tại những vấn đề nhức nhối xung quanh câu chuyện thần tượng kì cựu thế hệ 2 đang nhận được sự quan tâm không đúng mực, dù cái tên của họ vẫn là những thương hiệu hái ra tiền. Công ty quản lí có thể lấy nhu cầu của fan hâm mộ ra làm lí do biện hộ cho cách làm việc thiếu trách nhiệm của mình. Cách thức ủng hộ thần tượng ngày nay đã khác với thập kỉ trước, đơn cử như việc Cassiopeia – fandom của DBSK có khả năng bỏ ra một số tiền cực kì lớn để đi concert nhưng lại ít khi kiên nhẫn xem MV trên Youtube để tăng view cho thần tượng. Tuy nhiên, điều đó lại càng chứng tỏ tâm lý "vắt chanh bỏ vỏ" rõ ràng trong tư duy kinh doanh của nền công nghiệp thần tượng.

Thần tượng thế hệ 2 của Kpop như DBSK, SNSD, SuJu...: Vẫn là nghệ sĩ hay chỉ còn là những con gà đẻ trứng vàng? - Ảnh 8.

Những vị thần phương Đông DBSK vẫn chưa có MV nào cán mốc 100 triệu view trên Youtube dù concert vẫn đón hàng triệu lượt khán giả

Khi đã có một fanbase đủ lớn, thần tượng không cần sống dựa vào công chúng. Nhưng việc thiết kế một album chỉn chu hơn, có kế hoạch quảng bá tốt hơn, đầu tư một MV chất lượng xứng tầm với những cái tên đã dần trở thành huyền thoại là một điều cần làm để tôn trọng cả nghệ sĩ lẫn người hâm mộ. Cách quảng bá sơ sài khiến cho công chúng không còn cảm nhận được sức nóng của những lần comeback, nhất là trong điều kiện các nhóm nhạc thế hệ sau nhận được sự hỗ trợ về mặt quảng bá ở cả công ty lẫn fandom. Fandom mang tâm lý chỉ cần bỏ tiền, công ty mang tâm lý chỉ cần kiếm tiền là nguyên nhân khiến các thần tượng gạo cội bị gắn mác "flop" ở chặng cuối sự nghiệp.

Tạm kết

Một lý lẽ thường xuyên được đưa ra khi chứng kiến sự lụi tàn của thần tượng thế hệ thứ 2 đó là cái gì có đỉnh cao thì rồi cũng có thoái trào. Kpop sóng sau dồn sóng trước, lớp thần tượng thế hệ 3 đang chiếm thế thượng phong như cách mà thế hệ 2 vượt qua cái bóng của những H.O.T, S.E.S, Sechskies… Những cái tên đã hoạt động quá lâu, đóng góp quá nhiều cần được nghỉ ngơi để nhường lại sân khấu lớn cho đàn em, nhưng nghỉ ngơi khi tên tuổi vẫn ở đỉnh cao khác hoàn toàn với nghỉ ngơi khi bị coi là hết giá trị.

Tạo ra một nhóm nhạc huyền thoại là rất khó, nhưng việc làm sao để các nhóm nhạc kết thúc sự nghiệp mà vẫn giữ được hình ảnh đẹp của khoảng thời gian hoàng kim, điều này phụ thuộc rất nhiều vào điểm nhìn của những công ty quản lý. Nếu chỉ nhìn vào giá trị kinh tế mà không nhìn vào giá trị tinh thần, rất có thể không chỉ thần tượng thế hệ 2 mà cả các thế hệ sau sẽ chỉ có kết thúc như là những công cụ kiếm tiền đã hết thời của ngành công nghiệp giải trí.