Thảm họa thủy triều 'nhấn chìm' Venice trong 'biển nước'

Thúc Anh, Theo TTXVN 21:34 13/11/2019

Ngày 13/11, Thị trưởng thành phố Venice của Italy, ông Luigi Brugnaro, đã gọi thành phố là khu vực thảm họa sau khi đợt thủy triều cao thứ hai trong lịch sử đã quét qua thành phố trong đêm, gây ra cảnh ngập lụt tại nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng.

Thị trưởng Brugnaro nhấn mạnh tình hình ngập lụt là rất nghiêm trọng và chính quyền thành phố đã đề nghị Chính phủ Italy hỗ trợ khắc phục thiên tai. Ông nêu rõ đây là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu và thiệt hại là không nhỏ.

Thảm họa thủy triều nhấn chìm Venice trong biển nước - Ảnh 1.

Cảnh ngập lụt tại quảng trường Piazza San Marco ở Venice, Italy, ngày 12/11/2019. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN

Giới chức thành phố cho biết mực nước thủy triều đạt đỉnh 187 cm vào ngày 12/11, gần mức kỷ lục 194 cm ghi nhận năm 1966. Đến sáng 13/11, thủy triều hạ xuống mức 145 cm, nhưng được dự báo có thể trở lại mức 160 cm trong ngày. Quảng trường Saint Mark bị ngập nước sâu hơn 1 m, trong khi nhà thờ cổ gần đó đã trải qua lần ngập nước thứ 6 trong 1.200 năm, và là lần thứ 4 trong 20 năm qua.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy mùa mưa ở Italy ngày càng kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm qua. Xu hướng này đúng với những dự báo về những hiện tượng thời tiết cực đoan mà các nhà khoa học đưa ra trong báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu, cho rằng sự gia tăng của khí dioxide carbon và một số khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể làm gia tăng nhiều độ trung bình và thời tiết cực đoan hơn.

Venice là thành phố lịch sử xinh đẹp ở Đông Bắc Italy, được xây dựng trên 118 hòn đảo, nằm giữa 175 kênh đào và kết nối với hơn 400 cây cầu. Từ bất kỳ góc độ nào, thành phố này đều mang một vẻ lãng mạn, huyền bí. Cái tên Venice bắt nguồn  từ người Veneti cổ sống vào khoảng thế kỷ 10 trước Công nguyên. Theo tiếng Latin, Venice có nghĩa là tình yêu. Vì vậy nó được mệnh danh là "thành phố tình yêu".