Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung: “Xử lý” học trò quậy online mùa dịch, có cần mời công an vào cuộc?

Ths Tâm lý học Nguyễn Thị Chung, Theo Trí Thức Trẻ 19:38 26/03/2020

Việc học trò "quậy online" trong mùa dịch có nhất thiết phải cần đến công an? Cha mẹ và thầy cô giáo nên xử lý việc này ra sao?

Hôm giữa tháng 3/2020, có một tin tức nhỏ phát trên Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội khiến các thầy cô và phụ huynh phải sửng sốt. Đài này cho biết, do có khá nhiều học sinh để lại các bình luận tục tĩu trong các buổi livestream học qua truyền hình nên họ sẽ phối hợp với công an TP Hà Nội để xác minh từng trường hợp và sẽ thông báo cho nhà trường. Đây có thể gọi là hành vi "quậy online" trong mùa dịch, khi tất cả học sinh phải học online.

Nhưng tại sao chuyện học trò "quậy" rất quen thuộc và được cho là bình thường "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò", nay đã trở thành chuyện lớn khi phải phiền đến lực lượng công an vào làm việc? Có nhất thiết phải cần đến công an không? Cha mẹ và thầy cô giáo nên xử lý việc này ra sao? Trân trọng giới thiệu bài viết của Ths tâm lý học Nguyễn Thị Chung.

---------------

Tôi nghe việc mời công an vào cuộc điều tra bọn học trò và giật mình. Thấy bọn chúng bình luận tục tĩu thì bực mình thật đấy. Nhưng, kết quả ra sao và sẽ có hệ lụy gì nếu chúng ta phản ứng với những trò đùa ngốc nghếch của trẻ vị thành niên, với một tinh thần không thấu hiểu đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi này cũng như kỹ năng sư phạm?

Phức cảm con tôm hùm

Cái mùa dịch vất vả này khiến người lớn nhiều khi muốn đét đít bọn trẻ con hay bọn choai choai vài cái vì chúng ngỗ ngược khó dạy quá. Nhưng bất cứ phụ huynh hay thầy cô giáo nào cũng vậy, chúng ta cũng đã từng trải qua giai đoạn phát triển về sinh lý khó khăn này. Vì vậy xin hãy bình tĩnh.

Vị thành niên hay theo cách gọi quen thuộc hiện nay là tuổi teen (teenager) là giai đoạn biến đổi quan trong từ trẻ em sang người lớn về mặt sinh học. Đó là giai đoạn đầy bứt rứt, khó kiểm soát bản thân. Vì tất cả những gì trẻ đang trải qua hoàn toàn lạ lẫm và rất thất thường. Cô gái dậy thì có thể khó chịu về chu kỳ hành kinh, ngực đau, người mệt mỏi. Cậu trai dậy thì bứt rứt về những cơn mộng tinh, giọng nói léo nhéo, mọc mụn… Việc khó chịu này cộng với những bỡ ngỡ khi thấy sự thay đổi của cơ thể, của cảm xúc giới tính,... sẽ là một gánh nặng lớn để đứa trẻ phải đương đầu.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung: “Xử lý” học trò quậy online mùa dịch, có cần mời công an vào cuộc? - Ảnh 1.

Về tâm lý, đây là giai đoạn "Khủng hoảng tuổi thiếu niên". Theo nhà tâm lý học Erik Erikson, đây là giai đoạn then chốt của "nhận dạng bản thân" (identity) – là một quan niệm mạch lạc về bản thân, được tạo thành từ các mục tiêu, giá trị, và niềm tin mà người ta sẽ cam kết vững chắc. Những trẻ vị thành niên này sẽ xây dựng nên "khái niệm bản thân".

"Đó là một phần của giai đoạn quan trọng, lành mạnh được hình thành trên những thành tựu của giai đoạn trước đó – về niềm tin, quyền tự chủ, sự chuyên cần, sáng kiến – và tạo nên nền tảng để đối phó với những vấn đề tâm lý xã hội của cuộc sống trưởng thành" (Erik Erikson). Chao ôi, đang là đứa trẻ con sung sướng chỉ biết đói thì gọi mẹ, xin tiền thì gọi ba, bỗng dưng người ta phải đối đầu với vô số yêu cầu và đòi hỏi. Sợ không? Bối rối không? Bối rối quá đi chứ.

Để hình thành nhận dạng bản thân, trẻ vị thành niên phải làm rõ được và sắp xếp được những năng lực, nhu cầu, sở thích và nguyện vọng của mình để có thể thể hiện ra trong bối cảnh xã hội.

Cuộc khủng hoảng của tuổi thiếu niên là cuộc khủng hoảng của "Nhận dạng bản thân và sự mơ hồ về vai trò của bản thân". Hăm hở với các mục tiêu, giá trị của bản thân nhưng lại mơ hồ về vai trò của mình trong gia đình, trong lớp. Chưa rõ năng lực, sở thích, nhu cầu,... của mình nhưng lại muốn mình phải "rất gì và này nọ" trong gia đình, nhà trường, nhóm bạn. Đó là mấu chốt gây ra cuộc khủng hoảng.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung: “Xử lý” học trò quậy online mùa dịch, có cần mời công an vào cuộc? - Ảnh 2.

Việc trẻ xác định mình là ai, mình như thế nào, mình có ý nghĩa gì đối với xã hội sẽ là một câu chuyện vô cùng vất vả. Vì vậy người ta gọi đây là "phức cảm con tôm hùm" - con tôm ở giai đoạn lột vỏ cũ thay vỏ mới, rất quan trọng nhưng cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt đối với những đứa trẻ có nhiều khó khăn trong độ tuổi trước và có những yếu tố không thuận lợi từ môi trường xã hội (xung đột gia đình, cha mẹ ly dị, bị bỏ bê, trải qua chuyện đau buồn, nghiện ma túy, nghiện rượu…).

Với những trẻ được xây dựng lòng tự tin, tự nhận thức cao từ lứa tuổi trước thì cuộc khủng hoảng này sẽ ít căng thẳng. Chúng sẽ vượt qua được việc không rõ mình cần làm gì bằng việc chấp nhận sự giúp đỡ của người lớn mà không xung đột. Nhưng có những trẻ khó chấp nhận chuyện "mình đã lớn" mà "người khác cứ nhảy vào dạy dỗ". Và như thế những xung đột căng thẳng vẫn thường xuyên xảy ra, tạo nên một giai đoạn đầy khó khăn trong chính bản thân đứa trẻ và trong mối quan hệ giữa trẻ với những người xung quanh.

Chuyện trẻ có khó khăn trong việc hiểu mình là ai và vị trí của mình bản thân chính là nguồn gốc của những hành vi sai lệch: tỏ ra liều lĩnh để chứng tỏ anh hùng, tỏ ra lạnh lùng xa cách để chứng tỏ sự độc lập, tỏ ra hỗn xược để chứng tỏ mình trưởng thành, oai, ngầu, bất khả xâm phạm… Nhưng bản chất của những hành vi này phần lớn xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa việc muốn nhận dạng bản thân mình (một cách lý tưởng) nhưng đa số lại không biết vai trò của mình, mình cần phải làm gì và hậu quả của nhiều hành vi sẽ ra sao.

Những tôm hùm lớn cần làm gì?

Chính vì vậy, các nhà tâm lý học đề xuất với những ai làm việc với trẻ vị thành niên những nguyên tắc cơ bản làm tăng ý thức về bản thân của trẻ và hướng dẫn trẻ làm người lớn:

Chấp nhận những "khó ở" của trẻ là một bước chuyển tất nhiên để thành người lớn, từ đó có thái độ tích cực với các phản ứng của trẻ.

Đối thoại với trẻ với tinh thần tôn trọng những suy nghĩ, quyết định và yêu cầu của chúng. Nêu ra ý kiến của mình một cách thuyết phục khi không đồng ý với trẻ chứ không coi thường hay miệt thị.

Quan sát nhiều hơn thay vì can thiệp.

Tuyệt đối không được làm trẻ xấu mặt.

Hăm dọa thể hiện sự thua cuộc, bất lực, làm mất uy tín đối với trẻ.

Trẻ quậy trong lớp học –nguyên nhân là thầy cô

Quậy phá trong lớp học là hành vi phổ biến trên toàn thế giới ở tuổi vị thành niên. Ngoài việc xác định được nguyên nhân do sự bất ổn đặc trưng của tâm lý lứa tuổi, dưới góc độ giáo dục học hiện tượng này còn cho thấy vấn đề "sự nhàm chán của lớp học".

Sheryl Maxey, Blogger về Trường học tại nhà gọi sự nhàm chán là "kẻ thù của học tập". Cô liệt kê ra 4 con đường mà sự nhàm chán sẽ hình thành, thậm chí kể cả khi học sinh có vẻ vẫn học hành chăm chỉ. Đó là: Thiếu liên quan với cuộc sống thực; nhịp độ của các tài liệu dạy không phù hợp; đều đều, ít có sự thay đổi, thất bại trong việc phối hợp giữa kinh nghiệm thực hành với những bài học trong sách giáo khoa.

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung: “Xử lý” học trò quậy online mùa dịch, có cần mời công an vào cuộc? - Ảnh 3.

Michael Lisin lại cho rằng có 8 điều gây chán ở lớp học: Ngồi quá lâu, nói quá nhiều, làm cho mọi điều phức tạp lên; không chịu làm cho điều mình đang nói trở nên hấp dẫn, nói về hành vi quá nhiều thay vì làm gì đó; chỉ đạo quá nhiều-quan sát quá ít; dẫn dắt với một nhịp độ quá chậm chạp và cẩu thả; không chịu điều chỉnh khi tình hình khác đi.

Trẻ cảm thấy lớp học nhàm chán nên phải tìm thú tiêu khiển. Những hành vi lệch lạc sẽ từ đó mà nảy sinh. Trẻ đạt mục đích làm cho giáo viên ngừng những bài giảng mà chúng đã phải "chịu đựng" và gây sự chú ý ồn ào. Đôi khi, chúng trở thành người hùng trong mắt bạn bè cùng tuổi. Việc ngăn chặn không cho trẻ thực hiện hành vi sai lệch này sẽ làm trẻ suy nghĩ lách luật để thực hiện hành vi khác. Vì thế việc ngăn cấm không cho trẻ nghịch không phải là giải pháp gốc rễ trong giáo dục.

Thông thường, các học sinh online hiếm khi phải chịu sự buồn chán, một phần là do chương trình được trẻ tự quản. Động cơ, cảm hứng, sự độc lập, cảm giác thỏa mãn là một phần của quá trình học tập tập trung vào bản tính tò mò và nguyện vọng của trẻ hơn là việc qua được bài kiểm tra. Vậy các bài học online hiện tại đã được thiết kế để tận dụng các lợi thế này chưa?

Ths tâm lý học Nguyễn Thị Chung

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung là Giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP HCM (2003-2018), Giám sát chương trình Luyện nghe nói cho trẻ khiếm thính tại Công ty Sonova Việt Nam (2016-2018). Hiện đang là chuyên viên về phương pháp giáo dục mầm non Nhật Bản tại Công ty ShoPro Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực giáo dục mầm non).

Lời khuyên của chuyên gia giáo dục về 10 điều nên và không nên khi ứng phó với hành vi sai lệch của trẻ trong lớp học:

Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung: “Xử lý” học trò quậy online mùa dịch, có cần mời công an vào cuộc? - Ảnh 5.
Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Chung: “Xử lý” học trò quậy online mùa dịch, có cần mời công an vào cuộc? - Ảnh 6.