Thạc sĩ Giáo dục từ ĐH Harvard: Giáo viên phát âm tiếng Anh sai không quá tai hại, vì học sinh có nhiều nguồn để tự học và kiểm tra!

Lê Ái - Thiết kế: Phương Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 22/08/2017

Anh Trương Phạm Hoài Chung - thạc sĩ giáo dục từ Harvard đã thẳng thắn cho rằng: Học sinh bây giờ có thể tự kiểm chứng phát âm, chứ không cần giáo viên phải dạy mới biết. Thế nên chuyện giáo viên phát âm sai trong lớp, chỉ cần giáo viên xin lỗi học trò và sửa lại thì sẽ không ảnh hưởng gì đến học sinh.

Sức nóng của clip "Khi người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt" do Dan Hauer thực hiện, cùng vấn đề: "Phát âm tiếng Anh thế nào cho chuẩn?" dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã trở thành đề tài bàn luận rôm rả trên mạng xã hội những ngày qua.

Cùng với sự phổ biến của tiếng Anh, ngày càng nhiều bạn trẻ Việt chọn du học là cánh cửa bước ra thế giới. Vậy, với những người có thời gian dài sống ở nước ngoài, học tập và có được bằng cấp từ những trường ĐH danh giá... họ phát âm tiếng Anh như thế nào? Để nói và phát âm tiếng Anh chuẩn cho người bản xứ hiểu được liệu có khó lắm không?

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Trương Phạm Hoài Chung. Anh là cựu học sinh của trường National Junior College (Singapore). Năm 2005, anh nhận học bổng toàn phần từ Williams College (Mỹ), và đã theo đuổi ngành Kinh tế tại ngôi trường này.

Thạc sĩ Giáo dục từ ĐH Harvard: Giáo viên phát âm tiếng Anh sai không quá tai hại, vì học sinh có nhiều nguồn để tự học và kiểm tra! - Ảnh 1.

Anh Phạm Hoài Chung - một người anh lớn trong cộng đồng du học sinh Việt.

Sau khi tốt nghiệp, anh Hoài Chung từng làm giảng viên tại Worcester Academy (Mỹ), và tiếp tục theo học tại Đại học Harvard (Mỹ) ở bậc Thạc sĩ với ngành Chính sách và Quản lý Giáo dục (Education Policy and Management).

Năm 2016, anh Hoài Chung tốt nghiệp Thạc sĩ với ngành Chính sách và Quản lý Giáo dục của đại học Harvard. Anh đã có những chia sẻ hữu ích, bám sát với tình hình thực tế hiện nay mà tin chắc bạn trẻ nào muốn tiến xa hơn trong con đường "kết thân" với môn ngoại ngữ này cũng nên lắng nghe.

Phát âm tiếng Anh được bàn luận sôi nổi là dấu hiệu tốt

Chào anh Hoài Chung,

Anh đã xem qua các clip xoay quanh vấn đề phát âm tiếng Anh của thầy giáo Dan Hauer gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua chưa?

Mình đã xem qua các clip và thấy việc phát âm được đưa ra bàn luận sôi nổi là một xu hướng tích cực trong việc nhìn nhận việc học ngoại ngữ ở Việt Nam. Thường, việc học tiếng Anh ở trường lớp công lập vẫn còn nặng về văn phạm và từ vựng, khi thi cử thì không có thi nói như IELTS hay TOEFL, nên hy vọng việc này sẽ giúp mọi người chú trọng hơn tầm quan trọng của việc học nói để cải thiện giao tiếp, trong đó phát âm chỉ là một phần thôi.

Là một người từng du học, tốt nghiệp thạc sĩ Harvard và đang có mối quan hệ mật thiết với nhiều du học sinh, anh có quan điểm như thế nào về việc phát âm chuẩn?

Quan điểm của mình là khi phát âm từng từ hoặc cụm từ, cần phải phát âm đúng theo phiên âm trong từ điển. Các trang từ điển online đều có nút nghe để mình nghe và bắt chước theo. Dù đã du học hơn 15 năm, nhưng mình vẫn phải kiểm tra từ điển khi có những từ mình không biết. Ví dụ, chữ "quay" (bến cảng) lại được đọc là /kiː/, y chang như key.

Tuy nhiên, đối với du học sinh, phát âm đúng chỉ là khởi đầu thôi. Khi qua Mỹ, vài tháng đầu tiên, mình cũng gặp khó khăn trong việc giao tiếp vì họ nói nhanh và hay dùng kiểu nói đùa hoặc từ lóng mà mình chưa hiểu vì mình mới tiếp cận văn hóa của họ.

Trong lớp, họ khá hiểu biết nên có thể diễn đạt ý tưởng một cách trôi chảy và sâu rộng. Ví dụ lần đầu tiên mình ngồi học cùng thảo luận về các tư tưởng triết học cổ đại, mình hoàn toàn choáng ngợp và cả buổi không tham gia phát biểu được. Mình vẫn nghĩ mình lép vế vì hạn chế về tri thức chứ không hẳn là khả năng ngôn ngữ.

Thạc sĩ Giáo dục từ ĐH Harvard: Giáo viên phát âm tiếng Anh sai không quá tai hại, vì học sinh có nhiều nguồn để tự học và kiểm tra! - Ảnh 2.

Tốt nghiệp trường ĐH Harvard nhưng Th.sĩ Chung từng cảm thấy thua thiệt bạn bè về khoản diễn đạt ngôn ngữ bằng tiếng Anh.

Anh có từng bị người khác cười khi phát âm sai trong thời gian đầu học thứ tiếng này hoặc du học?

Ngày xưa mình phát âm cũng sai nhiều, nhưng thường khi đặt một câu vào ngữ cảnh người nước ngoài vẫn có thể hiểu được. Nhưng mình nhớ nhất 2 câu chuyện phát âm sai gây ra tình huống dở khóc dở cười sau đây:

Ngày đó, một cô bạn người Malaysia giận một cô bạn người Thái vì cô này nói "You're so cheeky" thành "You're so sh*tty".

Cheeky = tinh nghịch

Sh*tty = đáng khinh

Hay trong một hội thảo sinh viên ở New York mình tham dự có 1 cô đại diện tuyển dụng phát biểu trước mọi người "We have good business" nhưng phát âm chữ cuối nghe cứ như "pen*s" làm người ta cười

Business = doanh nghiệp/ làm ăn

Pen*s = của quý

Anh đã khắc phục lỗi phát âm chưa chuẩn của mình như thế nào?

Mình đã khắc phục lỗi bằng cách lắng nghe người nước ngoài nói và bắt chước theo. Mình phải mạnh dạn hỏi họ từ này mình phải phát âm như thế nào mới đúng. Ngoài ra, mình cũng hay dùng từ điển, vì mình biết đọc phiên âm.

Giáo sư Harvard cũng nói tiếng Anh theo ngữ điệu nơi mình sinh ra!

Là thạc sĩ có bằng Harvard, anh có tự tin mình phát âm chuẩn 100% không?

Mình có thể phát âm từng từ chuẩn 100% theo phát âm trong từ điển, nhưng khi nói thành một câu, mình vẫn có thể bị ảnh hưởng ngữ điệu của nhiều nơi mình từng sống như Việt Nam, Singapore và Mỹ. Vì thế, mình không tự tin mình phát âm chuẩn 100% theo bất cứ một quy chuẩn nào. Tuy nhiên, mình tự tin 100% là mình có thể giao tiếp được với người bản xứ mà không có trở ngại nào.

Thực ra giáo sư đại học cũng có nhiều người không phải là người bản xứ, vì họ cũng đã từng là sinh viên cao học sống, học tập và làm việc lâu năm ở nước ngoài. Ngữ điệu họ sẽ đặc sệt nơi họ sinh ra và lớn lên, như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc hay Ấn Độ.

Nhưng quan trọng là họ phát âm từng từ đều đúng phiên âm, câu cú từ ngữ dùng đúng ngữ cảnh chuyên môn, và kết hợp với khiếu hài hước và sự nhiệt huyết nên họ cũng hấp dẫn không thua kém gì giáo sư bản xứ.

Thạc sĩ Giáo dục từ ĐH Harvard: Giáo viên phát âm tiếng Anh sai không quá tai hại, vì học sinh có nhiều nguồn để tự học và kiểm tra! - Ảnh 3.

Th.sĩ Chung nghĩ ai cũng có ngữ điệu địa phương, kể cả các giáo sư nước ngoài cũng vậy.

Chuyện giáo viên phát âm sai khi dạy có thể du di, bỏ qua được hay cần làm tới nơi tới chốn để không ảnh hưởng xấu đến học sinh?

Thực ra dạo này học sinh cũng có thể tự kiểm chứng phát âm rồi, nên không cần giáo viên phải dạy mới biết phát âm. Chuyện giáo viên phát âm sai trong lớp có thể du di, vì có thể quên kiểm tra cách phát âm. Chỉ cần giáo viên xin lỗi học trò và sửa lại thì sẽ không có ảnh hưởng gì đến học sinh. Tuy nhiên, nếu đã làm video clip lan truyền khắp mọi nơi, thì giáo viên nên kiểm tra từ điển mọi từ ngữ trước khi tung video clip.

Việc một giáo viên phát âm sai sẽ dẫn đến tai hại cho học sinh như thế nào?

Học sinh bây giờ có nhiều nguồn để tự học phát âm, nên giáo viên đọc sai, học sinh cũng dễ phát hiện lắm. Mình không nghĩ là nó quá tai hại cho việc học nói của học sinh.

Anh sẽ khuyên các bạn trẻ điều gì trước "cơn bão" này?

Thực ra các bạn có thể sử dụng một số trang web nước ngoài để người bản xứ đọc cho nghe bất cứ câu nói đoạn văn nào. Như vậy bạn có thể kiểm chứng được tất cả cách đọc của thầy cô. Quan điểm của mình là phát âm từng từ phải đúng phiên âm trong từ điển để không gây hiểu nhầm. Còn ngữ điệu mình không cần bắt chước y chang người bản địa, mà chỉ cần nói chậm và rõ, trôi chảy và logic.

Thạc sĩ Giáo dục từ ĐH Harvard: Giáo viên phát âm tiếng Anh sai không quá tai hại, vì học sinh có nhiều nguồn để tự học và kiểm tra! - Ảnh 4.

Tiếng Anh chuẩn chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để góp phần vào thành công của một người trẻ.

Như mình đã trình bày ở trên, để tham gia thảo luận thành công, bạn cần có hiểu biết sâu rộng bằng cách đọc nhiều. Công ty nước ngoài họ cũng cần những người có khả năng suy nghĩ thấu đáo, tư duy phản biện xuất sắc và thái độ làm việc tích cực hơn là chỉ biết nói tiếng Anh chuẩn.