Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới”

Long Quyền, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 29/01/2020

Anh Trường cùng vợ nổi tiếng khắp vùng khi tuổi còn trẻ mà sinh tới 8 người con trong vòng 11 năm. Cuộc sống ngày thường vốn đã khó khăn thiếu thốn nay Tết đến xuân về lại càng trở nên khó khăn gấp bội.

Tìm đến thôn Phú Hạ, xã Tân Xuân, (Quốc Oai, Hà Nội) vào những ngày đầu năm, khi hỏi thăm đến nhà anh Đỗ Công Trường ( SN 1984) có vợ là chị Nguyễn Thị Hồng (SN 1988) thì ai ai cũng biết. Người dân nơi đây đặt cho gia đình anh Trường biệt danh "cặp vợ chồng lộc lá nhất" vì 2 người sinh rất nhiều con trong khi chị Hồng mới bước vào tuổi 30.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 1.

Căn nhà của vợ chồng anh Trường nằm lọt thỏm giữa những nhà cao lớn xung quanh.

Sinh nhiều con vì không biết mình mang bầu

Đến nhà anh Trường vào những ngày đầu năm, căn nhà của 2 vợ chồng anh nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà to lớn xung quanh. Dù là ngày Tết nhưng gia đình anh vẫn không có thứ gì khác mọi ngày.

Ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe thấy không khí náo nhiệt nô đùa vang vọng khắp cả khu vực. Bước vào sân nhà là một đám trẻ con nheo nhóc, bố mẹ đều đã đi làm hết nên 7 đứa tự trông nhau, đứa lớn trông đứa nhỏ.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 2.
Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 3.

Căn nhà lúc nào cũng náo nhiệt đông đúc nhưng ban ngày thường không có người lớn ở nhà.

Vợ chồng anh Trường sinh được 8 người con nhưng một bé đã mất nay còn lại 7 người. Đứa lớn nhất học lớp 8, người con nhỏ tuổi nhất được 2 tuổi. Bố mẹ thường xuyên phải đi làm kiếm tiền nuôi gia đình nên 7 đứa cứ tự ở nhà trông nhau như thế.

"Chị Dung lớn nhất nhà đang nấu cơm, My đi mua khoai tây ngoài chợ rồi chị Hằng với Ngọc đang đánh nhau trong nhà", thằng An vừa ôm cột nhà vừa leo lẻo mách khi chúng tôi hỏi thăm.

Cháu Đỗ Công An là con thứ 5 trong gia đình đang học lớp 2, An cũng là người con trai duy nhất của vợ chồng anh Trường. Trên An có 4 người chị gái lần lượt là Đỗ Ngọc Dung (học lớp 8), Đỗ Thị Duyên, Đỗ Thị Hằng, Đỗ Thị Ngọc. Dưới An còn có 2 bé là Đỗ Thị My và Đỗ Thị Hiền.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 4.
Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 5.

Mỗi chị em một việc, 7 đứa cứ ở nhà tự chăm sóc nhau.

Đến quá giờ trưa, anh Trường mới từ ngoài vườn cây trở về cùng với mấy con lươn trên tay. Ban đầu trò chuyện với chúng tôi anh Trường tỏ ra khá ngại ngùng nhưng rồi anh cũng gượng cười nói: "Nhà lúc nào cũng đông vui thế đấy các chú ạ".

Chị Hồng kết hôn với anh Trường khi mới tròn 18 tuổi. Không lâu sau vợ chồng anh liên tiếp sinh được 4 người con đều là con gái. Do muốn có một người con trai nên anh chị quyết tâm sinh thêm một người con nữa vậy là cậu An ra đời.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 6.

Trừ em út ra, các bé còn lại đều đã biết đi chợ mua đồ ăn và cùng nhau làm mọi việc trong gia đình giúp đỡ bố mẹ.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 7.

Các bé quanh khu vực và con anh Học cũng thường xuyên ở đây chơi nên nhà càng trở nên đông đúc náo nhiệt.

Dù không có ý định sinh tiếp nhưng chị Hồng đã mang bầu người con thứ 6 lúc nào không hay: "Vợ tôi chửa đứa thứ 6 tôi không biết, mãi đến khi chửa được 7 tháng rồi mới biết. Chắc vợ tôi cũng biết là chửa nhưng không nói với mình, lúc đó nghĩ thôi thì cũng trót sinh được 5 đứa rồi chẳng nhẽ lại không nuôi được thêm một đứa", anh Trường tâm sự.

Trước đây vợ chồng anh cũng làm ăn tích góp được chút tiền nhưng khi chị Hồng sinh người con thứ 6 tên My thì gặp biến cố, bệnh tật ập đến khiến gia đình dốc hết tiền bạc, bán đồ đạc trong nhà và vay mượn thêm để cứu 2 mẹ con. Chị Hồng cũng buộc phải cắt một bên buồng trứng sau khi sinh bé My.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 8.

Anh Trường tỏ ra ngại ngùng khi mới trò chuyện với chúng tôi.

"Đứa thứ 7 thứ 8 thì tôi cũng không biết vì vợ tôi chửa giấu bụng, người ta thấy hơi có bụng cũng hỏi nhưng vợ tôi toàn chối bảo không phải rồi sau sắp sinh mới biết. Sinh nhiều quá người thân hàng xóm cũng nói nhiều nhưng cứ trót lỡ nên đành cố gắng nuôi các con", anh Trường nói.

Dù sinh đông con vất vả nhưng anh Trường chưa bao giờ có ý định từ bỏ các con và chán nản: "Nhiều khi khó khăn hai vợ chồng chỉ biết động viên nhau cố gắng. Giờ xoay sở cũng quen rồi nên thấy cũng bình thường. Vợ chồng còn sức thì còn nuôi được các cháu, cho các cháu đi ăn học đàng hoàng để không đứa nào bị thiệt. Dù chúng tôi có chết đói cũng không bao giờ để chúng nó nghỉ học", anh Trường chia sẻ.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 9.
Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 10.

Bữa cơm của gia đình chỉ có đĩa rau xào và vài củ khoai tây nấu.

Sinh nhiều con nên vợ chồng anh cũng được nhiều người biết đến, nhiều gia đình muốn đến xin con về nuôi nhưng vợ chồng anh không nỡ rời xa con nên đều từ chối hết.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Đỗ Công Học (em ruột anh Trường) cho biết, bản thân anh sinh 3 người con đã thấy khó khăn vất vả, anh chị nuôi tới 7 người con thì càng trở nên khó khăn thiếu thốn hơn.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 11.

Bữa cơm đạm bạc nhưng các bé vẫn ăn ngon lành và không bao giờ đòi hỏi bố mẹ điều gì.

"Được cái chúng nó đứa nào cũng ngoan, mọi công việc trong gia đình là chúng nó tự chia nhau làm hết, bố mẹ không phải động gì đến cả. Trừ bé út ra thì tất cả các bé còn lại đều có thể tự đi chợ mua đồ và làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ rồi. Chúng nó biết bố mẹ khổ nên không bao giờ đòi bố mẹ mua gì cả, chỉ thi thoảng làm nũng bà nội thôi", anh Học cười nói.

"Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học"

Những ngày bình thường đã vất vả, Tết đến vợ chồng anh Trường càng trở nên khó khăn hơn. Chị Hồng quanh năm đi làm sơn công trình còn anh Trường thì bươn trải đủ nghề và chăm thêm vài cây bưởi để lấy tiền nuôi các con.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 12.

Bé Dung và Duyên là 2 người con gái cả học rất giỏi.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 13.

Bé Đỗ Thị Hiền là con út trong gia đình, thường có nhiều gia đình đến xin bé về nuôi nhưng vợ chồng anh Trường từ chối.

Đã bao năm qua, căn nhà ấy không có một cây đào, cây quất chơi xuân. Năm nào khá thì mua được vài cân thịt, đôi chục cái bánh chưng cho các con. 

"Tết thì cũng như ngày bình thường thôi chứ không có gì khác cả. Có gì ăn nấy chứ biết làm sao được, còn quần áo thì năm nay phải cố mua cho mỗi đứa một bộ cho chúng nó đỡ tủi thân. Mình mua thì phải mua đều cho cả 7 đứa không là chúng nó lại tị nhau ngay", anh Trường tâm sự.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 14.

An là cậu con trai duy nhất trong gia đình.

Tết ở gia đình đông con như “trại trẻ” tại Hà Nội: “Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, các chị thì ước có quần áo mới” - Ảnh 15.

Dù còn nhỏ nhưng cậu bé rất thương bố mẹ và không bao giờ đòi mua thứ gì mới. Sang năm mới, mong ước lớn nhất của cậu bé là được thay cái xích xe mới đã đứt từ lâu.

Khó khăn là thế nhưng căn nhà ấy vẫn luôn tràn ngập tiếng cười, huyên náo cả một xóm nhỏ: "Do nhà mình có nhiều trẻ con nên các cháu nhỏ quanh đây cũng toàn tụ tập về đây chơi hết, những ngày chúng nó được nghỉ với ngày Tết thì càng nhộn nhịp. Nhiều khi người ta cứ bảo nhà mình như cái "nhà trẻ" vì có quá nhiều trẻ con. Đi làm về mệt thấy chúng nó cười nói cũng vui nhưng nhiều khi đông quá chúng nó cãi nhau, đánh nhau là mình lại phân giải suốt ngày mệt đầu lắm", anh Trường cười nói.

Năm nay gia đình anh Trường có lẽ cũng chẳng có cành đào hay cây quất. Lo ăn Tết xong lại cần một khoản tiền lớn để 7 đứa con đóng học đầu năm mới.

Khi chúng tôi hỏi An mong muốn của năm mới là gì, cậu bé ngồi ngắm chiếc xe đạp đã đứt xích từ lâu rồi nói: "Con muốn năm mới được sửa cái xích xe đạp để đi học, nó đứt lâu rồi. Các chị thì lúc nào cũng ước được mua quần áo mới". Khi được nhắc "bảo bố sửa cho", thằng bé cúi mặt xuống rồi khẽ nói nhỏ xíu, "bố mẹ con không có tiền".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày