Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này

Ăn cả thế giới, Theo Trí Thức Trẻ 17:45 17/02/2018

Không dịp nào mà kiệu lũ lượt đổ về chợ, không dịp nào mà người người nhà nhà đổ xô đi mua, rồi muối dư ra một tí để dành tặng nhau. Không có dịp nào mà trong bếp nhà tôi thoang thoảng mùi hỗn hợp giấm, đường, muối cùng tiếng nói cười râm ran như thế cả.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 1.

Cũng đơn giản thôi, là vì bánh chưng bánh tét là thứ không thể thiếu trong ngày Tết, và kiệu muối thì có vai trò làm giảm đi vị ngấy từ đậu xanh thịt mỡ của hai món này.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 2.

Còn với tôi, nó đánh dấu sự cận kề của Tết với mùi hăng hắc đặc trưng của hỗn hợp nước ngâm và mấy đêm cùng mẹ thức khuya ngồi lặt kiệu chuẩn bị đem phơi.

Kiệu, hoặc dưa cải muối là hai món ăn kèm phổ biến của người miền Nam. Song củ kiệu muối vẫn luôn chiếm phần lớn hơn.

Đâu đó tầm khoảng hai mươi lăm hai mươi sáu Tết, mẹ tôi mỗi ngày ra chợ đều tìm củ kiệu tươi trong những gánh hàng bày đầy dọc lối đi. Bình thường kiếm kiệu tươi khá khó, nhưng tầm một tháng trước Tết thì chúng lũ lượt theo những xe thồ tiến vào chợ. Kiệu được bán nhiều đến mức có một dạo khi tôi theo lời mẹ ra chợ mua tí hành ớt thì thấy nào kiệu ngâm, kiệu tươi, kiệu phơi, kiệu lặt sẵn... ngoài kiệu cũng chỉ toàn là kiệu...

Kiệu đã xuất hiện từ những dịp Tết đầu tiên mà tôi bắt đầu biết nhớ, và ấn tượng duy nhất của tôi về nó là món gì đấy rất khó ăn. Nó chua, có mùi hăng, vị thì giống như hành, mà tôi thì ghét hành.

Với tôi, nó không phải là món cần-phải-có khi ăn bánh chưng, bánh tét. Ngược lại, tôi nghĩ mình sẽ ăn ngon hơn nếu các thành viên trong gia đình không mở cái lọ đựng kiệu trong bữa ăn bên cạnh tôi. Tôi không ghét mùi kiệu, nhưng nó cũng không hẳn là một mùi hương dễ chịu.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 3.

Tôi xác định mình ghét kiệu từ miếng đầu tiên, đâu đó tầm ba, bốn tuổi. Tôi nhớ nó có vị chua, hơi cay, và quá nồng so với vị giác nhạy cảm của một đứa bé. Thứ củ trắng tròn bóng loáng nom hấp dẫn như một viên kẹo ấy hoá ra lại khó nuốt vô cùng - tôi của khi ấy đã nhận định.

Cả khi mấy năm sau, khi đã đủ trưởng thành để thử lại kiệu, tôi vẫn chỉ có thể miễn cưỡng nhai thử vài miếng tượng trưng. Có lẽ vì ấn tượng ban đầu quá sâu sắc, hay là kiệu thật sự khó ăn, và tôi vẫn giữ nguyên lập trường về món ăn này.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 4.

... Bởi vì đó là công việc nhẹ nhàng nhất, đủ đơn giản và yêu cầu tập trung thấp.

Có một thời gian, công việc này được liệt vào danh sách hoạt động tiêu khiển hàng đầu của tôi bởi vì tôi có thể vừa lẳng lặng lặt kiệu vừa nghe lỏm xem chị con bác Hai khi nào thì lấy chồng, hay nghe khen anh cháu rể nào đó tốt tính… Tôi có một niềm tin sâu sắc rằng mọi mẻ kiệu nhà làm đều ra đời trong hoàn cảnh như vậy: giữa vô số những chuyện trà dư tửu lậu của phái đẹp trong gia đình. Người ta làm kiệu cần giấm, đường, muối… còn tôi cho rằng nguyên liệu không thể thiếu nhất của mọi mẻ kiệu ngon nhất là cái không khí huyên náo này đây.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 5.

Tôi thích Tết và những yếu tố đi cùng, ví dụ như lì xì (dù nó đã thưa dần khi tôi lớn lên), kẹo mứt, cái cách mà mọi người hối hả sang nhà tặng nhau quả mướp, cho nhau ít quýt, này một tí kia một tẹo… Tôi thích nhất mấy lúc loay hoay trong bếp cùng mẹ, chị và các dì lặt củ kiệu và bắp cải để đem muối. Tôi không thực sự thích công việc ấy, mà là cái không khí ấy, khi mọi người cùng nhau tụ tập và làm gì đó - điều mà bình thường không bao giờ có.

Đối với những người thích ăn kiệu, thật không khó để bày tỏ sự yêu mến của mình với nó. Riêng tôi, kiệu giống như một khái niệm hơn là một món ăn. Tôi không chịu được vị của nó, nhưng sẽ thấy vô cùng trống vắng nếu có năm nào mẹ quyết định không làm kiệu hay mua kiệu làm sẵn. Tôi nhớ vô cùng những lúc ngồi lặt kiệu mà không phải hớt hả chạy tới chạy lui lau dọn, sẽ nhớ lắm mấy lúc lợi dụng đem kiệu lên sân thượng phơi rồi lần lữa ở đó lâu thêm tí để trốn việc, sẽ nhớ cả mùi hăng hắc của nước ngâm kiệu mà tôi vẫn hay bảo là không thích.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 6.

Tôi thích xếp kiệu, tôi thích cả cái cách mà mấy củ kiệu muối tròn ủm tôi đích thân chọn chuyển sang màu trong trong bóng loáng sau một hai ngày. Tôi thích cả khi xếp ít kiệu bưng ra mời khách, rồi nhận lại lời khen “kiệu làm khéo ghê", và mẹ sẽ tự hào chỉ vào tôi và bảo “con tôi làm đấy". Tôi thích cả khi sau mấy ngày giáp Tết cùng công cuộc chuẩn bị tất bật đã qua, và một nhà bốn người chỉ còn mỗi việc ngồi chờ khách tới chơi, rồi ai nấy đều lười nấu một bữa tươm tất; thì mẹ lại lôi kiệu ra, chiên mấy khoanh bánh tét, múc một chén thịt kho, rồi gọi đấy là bữa trưa.

Tôi cũng thích nhìn cả khi mấy đứa bé em họ bé xíu mặt nhăn mày nhó nếm thử kiệu lần đầu, vì tôi biết rằng, cho dù chúng chẳng thích kiệu tí nào thì - cũng như tôi - chúng rồi sẽ nhận ra cái củ có mùi hăng hắc chua chua khó ngửi ấy, nó có ý nghĩa như thế nào với chúng, với mâm cúng Tết.

Tết miền Nam sẽ thật trống vắng nếu thiếu đi hương vị của món ăn quan trọng này - Ảnh 7.

Quả đúng như vậy. Bởi vì ngoài Tết thì không dịp nào mà kiệu lũ lượt đổ về chợ, không dịp nào mà người người nhà nhà đổ xô đi mua, rồi muối dư ra một tí để dành tặng nhau. Không có dịp nào mà trong bếp nhà tôi thoang thoảng mùi hỗn hợp giấm, đường, muối cùng tiếng nói cười râm ran như thế cả.

Đối với tôi mà nói, hoa mai có thể nở không đúng dịp, lì xì khi lớn rồi sẽ mất dần, nhưng chỉ có củ kiệu, cùng với bánh chưng và bánh tét là sẽ luôn đúng hẹn với Tết, chưa bao giờ để ai phải đợi chờ.