Thế giới "bằng cấp một đằng, công việc một nẻo"

Tôm, Theo Mask Online 00:01 20/06/2012

Liệu có phải khi ra trường, tất cả mọi người đều có thể tìm được công việc đúng chuyên ngành của mình?

Sau nhiều năm học miệt mài để có bằng cấp, rất nhiều người đã suy nghĩ rằng, trong thời kì khủng hoảng như thế này, có được một công việc ổn định để kiếm sống qua ngày cũng "ổn" hơn việc chờ đợi tìm được công việc đúng với chuyên ngành.

Tạm bỏ qua 27% người lao động được "học đúng ngành, làm đúng nghề", dưới đây là câu chuyện của những người trẻ với "bằng cấp một đằng, công việc một nẻo" trên toàn thế giới...

Marcin Lubowicki (28 tuổi) - quản lý nhà hàng McDonald đang cầm trên tay tấm bằng cử nhân tiếng Nga của Đại học Warsaw (Ba Lan). Tuy nhiên, vì không tìm được việc làm liên quan nên anh đã chuyển qua làm cho nhà hàng này từ năm 2007 và đang nghĩ về việc sẽ giữ nguyên công việc.


Tại một góc nhỏ chợ trời trong khu ổ chuột ở thủ đô Nairobi, Kenya là quầy trái cây và rau củ của anh Karl Moi Okoth (27 tuổi). Nhìn vẻ ngoài khắc khổ của anh ít ai nghĩ rằng anh đã có bằng cử nhân về tâm lý học ở Đại học Day Star. Sau 4 năm tìm cho mình một công việc thích hợp, anh đã phải kiếm kế sinh nhai tại khu chợ trời này.


Nhân viên phục vụ Steffen Andrews (24 tuổi) hiện đang làm việc tại nhà hàng Sunny Blue ở California. Anh đã từng có 4 năm rưỡi theo học tại trường cao đẳng Cabrillo và nhận bằng cử nhân về truyền thông. Ý định của anh khi đến Los Angeles là theo đuổi ngành công nghiệp phim ảnh nhưng thực tại lại hoàn toàn khác biệt.


Khó có thể tin được đây là một tiến sĩ chuyên ngành hóa học công nghiệp tốt nghiệp tại Đại học Rome. Trong suốt hai năm qua, Francesco Foglia (37 tuổi) đang làm công nhân vệ sinh thành phố.


5 năm sau khi có bằng thạc sĩ tài chính doanh nghiệp, anh Sofiane Moussaoui mong muốn tìm được công việc thuộc lĩnh vực kiểm toán, nhưng hiện tại anh phải bằng lòng với công việc pha chế trà tại quán café.


Anh Manolis Ouranos đang làm phụ bếp tại một quán ăn ở Athens, Hy Lạp. Có lẽ trong ngày nhận tấm bằng kỹ sư của trường Đại học Công nghệ Athens, anh không bao giờ ngờ được tương lai bấp bênh này của mình.


Chị Daria Vitasovic hiện đang làm quản lý cho một quán bar ở Zagred, Croatia. Công việc tuy ổn định nhưng xem ra một nơi ồn ào như thế này không thích hợp lắm với một cử nhân triết học và khoa học tôn giáo như chị.


Anh Denis Onyango Olang (bên phải, 26 tuổi) là một cử nhân khoa học của trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Jomo Kenyatta, nhưng sau 2 năm bất thành trong việc tìm kiếm công việc đúng ngành học, anh đã chấp nhận làm phụ bếp trong một khách sạn nhỏ ở Kenya.

Anh Kerim Sacak (29 tuổi) hiện đang làm nhân viên kinh doanh kiêm giao hàng cho một cửa hàng điện máy ở Bosnia. Anh đã từng tốt nghiệp trường sĩ quan cảnh sát nhưng cũng phải chịu cảnh thất nghiệp trong 4 năm, trước khi quyết định thay đổi ý định về nghề nghiệp của mình.


Anh Wael Abo El Saoud (25 tuổi) là một cử nhân kinh tế của trường Đại học Benha, Ai Cập. Anh đã từng mong muốn mình có thể tìm được một công việc như kế toán cho ngân hàng nhưng hiện tại anh lại là một... nông dân.

Anh Waleed Ahmed el-Sayed tốt nghiệp chuyên ngành xã hội ở trường Đại học Assyiut từ năm 2004. Tuy nhiên, từ đó đến nay anh vẫn chưa tìm được cho mình một công việc thật sự ổn định, ngoài việc bán trà trên phố để kiếm sống qua ngày.


Anh bồi bàn Almin Dzafic (30 tuổi) có một ước ao to lớn là được ra nước ngoài bởi nếu tiếp tục ở lại Bosnia, anh sẽ không thể nào tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành kỹ sư xây dựng như anh.


Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cảnh báo, khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ khiến 75 triệu lao động trẻ từ 15-24 tuổi, tương đương 12,7% lao động trên toàn thế giới, thất nghiệp trong năm 2012. 

Công việc - có thể không như chúng ta mơ ước, bởi bằng cấp - đôi lúc đã bị "lu mờ" do nhu cầu tuyển dụng của thị trường việc làm. Tuy vậy, mỗi người chúng ta vẫn cần có bằng cấp bởi nó là "tấm vé thông hành" để bạn tiến tới hầu hết các tổ chức việc làm.

Câu hỏi cần đặt ra là: Nền giáo dục đưa cho con người những chứng chỉ và bằng cấp, nhưng điều gì sẽ giúp chúng ta "làm đúng việc cần làm", mà không phải chạy theo xu hướng?