Giải Nobel "kì quặc" và những thành tựu hài "không-đỡ-được"

Hà Anh, Theo 00:01 02/10/2011

Cách "giải quyết nỗi buồn" của con người, lái xe tăng bọc thép chèn Mercedes, dự đoán sai Ngày Tận thế... là những nghiên cứu, hành động đoạt giải Ig Nobel 2011.

Tương tự như giải Nobel, giải Ig Nobel cũng được trao cho những nhà khoa học xuất sắc nhưng nó thiên về những phát hiện hài hước, gây bất ngờ trong các lĩnh vực khác nhau. Nói cách khác, Ig Nobel là giải thưởng “hàng nhái” của giải Nobel, được trao tặng vào mùa thu hàng năm cho 10 thành tựu mà "đầu tiên làm con người cười, sau đó làm họ suy nghĩ. Giải Ig Nobel đầu tiên được trao vào năm 1991.

Kỷ niệm chương của giải Ig Nobel này!
 
Và bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu xem ai là chủ nhân của giải thưởng Ig Nobel 2011 bạn nhé!
 
Giải Y khoa
 
Giải Ig Nobel Y khoa năm nay được trao cho nghiên cứu: Ảnh hưởng của việc “giải quyết nỗi buồn” đối với khả năng quyết định của con người.
 
Nghiên cứu này được chia ra thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất nhận thấy rằng đối với những người có ít nhu cầu đi vệ sinh, họ dường như bình tĩnh hơn, từ đó đưa ra những quyết định sáng suốt. Trong khi đó, nhóm thứ hai chỉ ra rằng, khi một người đang rất “mót”, có vẻ như họ chẳng nhận thức nổi nhiều điều xung quanh nữa.
 
Mirijam Tuk (trái) và đồng nghiệp trong dự án nghiên cứu về nhu cầu "giải quyết" của con người.
 
Mirjam Tuk, một thành viên của nhóm đầu tiên, cho rằng khả năng đưa ra quyết định của một người tốt hơn khi anh ta chưa cần đi vệ sinh. Hoặc có thể hiểu là mọi quyết định sẽ không thực sự hoàn hảo nếu họ đang trong tình trạng cần phải “giải quyết nỗi buồn”.
 
Giải Tâm lý học
 
Thở dài là hành động diễn ra hàng ngày của con người. Nhiều người lầm tưởng rằng chúng ta chỉ thở dài khi buồn nhưng thực tế thì không phải vậy. Karl Teigen, hiện đang làm việc tại Đại học Olso, Na Uy đã chứng minh rằng con người thở dài khi họ muốn từ bỏ.

Tại sao chúng ta lại thở dài? Câu trả lời đã được nhà tâm lý Karl Teigen tìm ra.
 
Để chứng minh rằng thở dài gắn liền với sự thất vọng và từ bỏ, Teigen đã làm một thí nghiệm: ông yêu cầu người tham gia cố gắng giải một câu đố hóc búa. Và kết quả của ông? “Họ cố gắng rồi thở dài”, ông nói. Nghiên cứu của ông được đăng trên tạp chí tâm lý học Scandinavian và nó đã mang về cho Teigen giải thưởng Ig Nobel Tâm lý học.
 
Giải Hòa bình

Arturas Zuokas, Thị trưởng thành phố Vilnius, Lithuana vừa qua đã nhận được giải thưởng Ig Noble Hòa bình 2011. Để ngăn chặn tình trạng đỗ xe trái phép trong thành phố của mình, ông đã quay một video mà trong đó, chính ông lái xe tăng bọc thép chèn qua một chiếc Mercedes chặn đường đi trên làn đường dành cho xe đạp. Chiến dịch của ông đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều lái xe tại Lithuana và cả cộng đồng mạng.

 
Giải Hóa học
 
Có lẽ teen nhà mình đều biết việc chấm quá nhiều Wasabi (mù tạt) cho miếng Sushi sẽ khiến mắt chúng ta phải mở to ra vì quá hăng.
 
Với phát hiện này, Wasabi càng trở nên quan trọng hơn đối với người dân Nhật Bản.
 
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Y tế ở Shiga, Nhật Bản đã nhận được giải thưởng Ig Nobel Hóa học năm nay khi “phát minh” ra hệ thống “báo động Wasabi”. Cụ thể, chúng ta có thể phun Wasabi lên mũi mọi người để đánh thức khi phát hiện cháy. Thậm chí, nhóm nhà nghiên cứu này còn tìm ra được “nồng độ” Wasabi thế nào là vừa đủ.
 
Ông Makoto Imai, người nhận giải thưởng, dự kiến sẽ tìm cách sử dụng wasabi để khử mùi giày trong tương lai.
 
Giải Toán học
 
Thông thường, giải Toán học Ig Nobel được trao cho… những người dự đoán sai về Ngày Tận thế. Harold Camping, một trong những người nhận giải, cho biết: Dựa vào Kinh Thánh, ông có thể tính ra Ngày Tận thế rơi vào 21/5/2011. Tuy nhiên, các bạn đã biết kết quả của phép tính này rồi đấy. 
  
Phép tính về Ngày Tận thế là giải thưởng Toán học hằng năm của Ig Nobel.
 
Ủy ban Ig Nobel tuyên bố trao giải thưởng Toán học cho những dự đoán về Ngày Tận thế để nhắc nhở mọi người phải cân nhắc kỹ lưỡng khi đưa ra các giả định và tính toán trong khoa học.
 
Dĩ nhiên, không một ai trong số những nhà Toán học được vinh danh chấp nhận lời mời tham dự buổi lễ vì họ cho rằng đó là một điều sỉ nhục.
 
Giải Vật lý
 
Giải thưởng Vật lý năm nay được trao cho một nhóm các nhà nghiên cứu ở Hà Lan khi đưa ra lý do vì sao các vận động viên ném đĩa thấy chóng mặt trong khi vận động viên ném búa lại… miễn nhiễm.
 
Sự khác biệt giữa vận động viên ném đĩa và ném búa là... cảm giác chóng mặt.
 
Giải Văn học
 
Là người mong muốn thành đạt nhưng bạn lại có xu hướng trì hoãn mọi việc, luôn viện lý do làm việc quan trọng để tránh làm những việc... đôi khi còn quan trọng hơn. Đó là bài học của John Perry, người chiến thắng giải Ig Nobel Văn học năm nay sau bài viết về “sự trì hoãn mang tính hệ thống” được xuất bản trong Biên niên Giáo dục Đại học trong những năm 90.