"Tây Du Ký": Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 19/02/2018

Mối tình ngang trái của Đường Tăng và Nữ Vương Tây Lương do Phùng Thiệu Phong và Triệu Lệ Dĩnh đóng đã để lại một vệt buồn rười rượi trong bản phim "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc" năm nay.

Phần thứ III của series Tây Du Ký do đạo diễn Trịnh Bảo Thụy cầm trịch xoay quanh chuyện tình yêu của Đường Tam Tạng (Phùng Thiệu Phong) và Nữ Vương Tây Lương (Triệu Lệ Dĩnh) khi bốn thầy trò lạc đến Nữ Nhi Quốc.

Khác với nguyên tác của Ngô Thừa Ân, quãng thời gian lưu lại Nữ Nhi Quốc của bốn thầy trò chủ yếu là để giải quyết những cái thai ngoài ý muốn do uống nước sông ở đây, cũng như vấn đề về chính trị. Bản phim năm 1986 của cố đạo diễn Dương Khiết là lần đầu tiên nhấn mạnh vào sự rung động của Nữ Vương với Đường Tăng. Bản phim điện ảnh năm nay còn "phá cách" hơn khi thẳng thừng biến bộ phim thành một tác phẩm ngôn tình buồn rười rượi lồng trong lớp vỏ Tây Du Ký.

Trailer "Tây Du Ký: Nữ Nhi Quốc"

Sợi dây tình cảm của Đường Tăng và Nữ Vương được mạnh dạn thay đổi, tạo nên một mối bi tình bạo dạn nhất trên đường đến Tây Thiên của Đường Huyền Trang. Thành thử, đối với những người yêu thích phim, khi bước ra khỏi rạp, cảm giác vương vấn và tiếc nuối cho cuộc tình không thành kia sẽ hiển hiện rất rõ.

Yêu từ cái nhìn đầu tiên

Có lẽ trên hành trình đi thỉnh kinh của mình, Đường Tam Tạng chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại say vì một ánh mắt đến như thế. Khoảnh khắc bị Yêu Hà đánh bay cả con thuyền rồi lạc vào không phận của Nữ Nhi Quốc, khi đối diện với cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, khi rời khỏi sự bảo bọc của Ngộ Không, ánh mắt của Đường Tăng kiên định một lòng tin vào Phật Tổ. Thế nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thoáng qua, khi chạm phải gương mặt nhỏ nhắn và ánh mắt ngây thơ của cô gái trên vách núi, Đường Tăng chẳng hề biết mình đã mở ra cảnh cửa vào trái tim một người phàm.

Nữ Vương Tây Lương cũng vậy, cả đời cô chưa từng biết đàn ông là loại sinh vật gì. Lại đương tuổi xuân thì nở rộ, hỏi sao không bần thần rồi say đắm khi chạm mặt một gã đàn ông khôi ngô bất phàm ngời ngời khí chất. Nàng cũng nào hay biết khoảnh khắc cả hai nhìn nhau ở vách núi hôm ấy đã khiến nàng mắc căn bệnh tương tư, mở ra cả một mối tình bi khổ ái.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 2.

Điều hay ho ở phiên bản lần này, chính là việc Đường Tăng đã rung động trước hồng nhan. Không chỉ là quyến luyến, mà Đường Tăng đã thật sự yêu một người. Đó là cảm giác bối rối khi gặp lại người con gái ấy trong rừng, khi nàng đứng trên lưng một chú hươu và hướng ánh nhìn xao xuyến về phía kẻ tu hành. Đó là sự ngỡ ngàng khi vị hoàng đế ở trên ngai vàng cao quý kia lại chính là nàng. Vẫn ánh mắt đắm đuối và xao xuyến ấy, như thứ mỹ tửu mà cả đời Thánh Tăng chưa từng được uống. Chỉ một lần nhấp môi, cơn say theo cả đời.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 3.

Thật sự biên kịch bộ phim đã rất chăm chút tô vẽ cho mối tình biết là khó thành này, bằng rất nhiều chi tiết vụn vặt nhưng đầy cân lượng. Chẳng hạn như lúc Đường Tăng đứng trước vành móng ngựa để đối chất với Nữ Vương về đàn ông. Như lúc ông tặng nàng quyển sổ ghi chép lại hành trình thỉnh kinh của mình như một món quà quý. Như lúc Nữ Vương cải trang binh lính để cứu người mình yêu khỏi án tử hình. Như lúc Đường Tăng muốn sinh ra đứa con trong bụng thay vì phá thai.

Vượt qua khổ hải, sẽ thấy được đại ái

Một tình yêu bình thường cũng đã lắm lúc khó khăn. Tình yêu nảy nở giữa vương triều càng khó hơn trăm lần. Tình yêu giữa một chân mệnh thiên tử và một kẻ tu hành thì làm sao vẹn toàn? Cả hai lạc lối trong chính những ánh mắt và suy nghĩ về nhau, trong chính những dòng kinh thư xiêu vẹo mà Đường Tăng viết lên nền đất. Ông bảo tâm mình không tịnh khi Ngộ Không nhất mực muốn ông phá thai, nhưng thực chất tâm người xao động vì một chữ tình vừa mơ hồ trỗi dậy. "Làm sao để vẹn cả đôi đường, không phụ Như Lai, không phụ nàng?". Tiếng lòng Đường Tăng trỗi lên bình thản mà lại buồn mênh mông theo những dòng kinh Phật. Cạnh bên người là Nữ Vương sẵn sàng vứt bỏ vinh hoa để bên nhau đến cùng trời cuối đất.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 4.

Khi Đường Tăng bị đày vào khổ hải, cũng là lúc Nữ Vương chẳng màng hỏi tình yêu là gì hay đàn ông "độc" đến bao nhiêu nữa. Nàng sẵn sàng vứt bỏ lại cả quốc gia ở sau lưng để theo chàng lênh đênh trên biển khổ. Định giới của Khổ Hải thực chất là không tồn tại, nhưng đối với Nữ Vương, được ở bên người mình yêu tất nhiên là còn hạnh phúc hơn ngồi trên ngai vàng để tiễn chàng lên đường đến Tây Trúc.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 5.
Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 6.

Quãng thời gian lênh đênh trên Khổ Hải có lẽ cũng là lúc Đường Tăng buông xuôi nhất. Ông đã lần đầu tiên nắm lấy vạt áo của hồng nhan thay vì quay lưng chấp niệm. Cũng từ lúc đó, cánh cổng của Nữ Nhi Quốc đã mở ra, như một vệt sáng chói lòa cuối chân trời mà chỉ cần bước qua, mọi thứ sẽ trờ thành giấc mơ.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 7.

Nhưng, lại vẫn là những trái ngang đã được giăng bày như Thiên Mệnh. Kể cả khi Đường Tăng đã chấp nhận dẫn theo Nữ Vương lên đường đến Tây Thiên, nàng cũng không thể bước ra khỏi Nữ Nhi Quốc. Giống như một thử thách chưa thể buông bỏ, Đường Tăng đã quay trở lại và ôm nàng vào lòng. Giây phút đó, phàm là những người tâm niệm Phật Pháp đến đâu, cũng bất giác xiêu lòng.

Đường Tăng cũng vậy, người hiểu rõ lòng mình và không cố chấp. Hình ảnh chiếc áo cà sa năm lần bảy lượt tuột khỏi vai chính là minh chứng cho cõi lòng vẫn còn chứa đựng hình bóng một đóa hồng. "Nếu thời gian là liều thuốc hữu hiệu, thì trên thế gian này đâu còn nỗi đau sinh li tử biệt?", câu nói của Đường Tăng như cứa vào tim của tất thảy những con người đang khắc khoải vì những mối tình đứt đoạn. Muốn yêu chúng sinh, phải biết yêu một người. Muốn thấu hiểu nỗi đau chúng sinh, phải thấu hiểu nỗi đau của chính mình. Kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng ở Nữ Nhi Quốc không phải là Quốc Sư, cũng không phải Vong Xuyên Hà Thần, mà chính là sự rung động của Đường Tăng dành cho một con người.

Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ

Khi Trường Vinh Đăng cháy hết, cũng là lúc Nữ Vương tỉnh dậy. Sứ mệnh và cuộc đời của nàng là thế. Sinh ra và sống vì Nữ Nhi Quốc. Nàng tỉnh dậy vì tóc của toàn thể thần dân cùng kết lại, chứ không phải bởi nụ hôn của một người tu hành.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 8.

Nàng nói, mình đã mơ thấy một giấc mơ. Một giấc mơ mà ở đó tóc của Đường Tăng đã mọc dài, cả hai cùng nhìn nhau già đi nhưng trên gương mặt người không hề vui vẻ. Khoảnh khắc đó cũng là lúc Nữ Vương hiểu được tình yêu là gì. Phàm là một mối tình chưa thể bắt đầu, thì nó càng khắc cốt ghi tâm. Nàng hiểu được kể cả khi Đường Tăng có đưa nàng lên đường đi Tây Trúc, người cũng không thể phá bỏ giới luật, vì sứ mệnh của người là phổ độ chúng sinh và sứ mệnh của nàng chính là làm Nữ Vương Nữ Nhi Quốc.

Nàng nhận ra tình yêu chính là sự chấp nhận và buông bỏ. Là khi chính tay nàng mặc cho chàng chiếc áo cà sa và trả lại cho chàng một cõi lòng lặng sóng. Chàng nhận ra yêu một người và yêu chúng sinh thực chất không hề khác nhau. Có khác chăng là nằm ở ánh mắt ta nhìn người đó với nhìn vạn sự trên đời.

Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 9.
Tây Du Ký: Tình yêu là khi ta chấp nhận mặc cho người chiếc áo cà sa, rồi buông tay từ bỏ - Ảnh 10.

Đau lòng đến mấy cũng đến lúc ra đi. Nàng tiễn chân chàng ở cuối bờ Khổ Hải, trả lại cho chàng quyển sổ ghi chép rồi nói lời từ biệt. Đoạn đường chung bước dưới chiếc ô cũng đến lúc rẽ hai khi một người quay bước, mặc cho ngoài trời mưa vẫn rơi trắng xóa biển khơi. Một người đi xa, một người nhìn theo lúc nào cũng là một hình ảnh đau buồn. Có trách thì cũng chỉ biết trách ông trời đã sinh một người khổ hạnh thỉnh kinh sao còn sinh nàng hồng nhan khuynh thành, giao nhau đôi chỗ rồi lại tiếp tục sứ mệnh của mình. "Nếu có kiếp sau...", bốn chữ bị bỏ lửng này như thể tiếng lòng ai oán của những người yêu nhau nhưng không thể có nhau, đành gửi tâm tư và ước vọng vào một vùng vô định.