Ban đầu, chúng tôi muốn đặt tên bài viết là “Tây Đô Today” – Today là cách nói láy từ chữ Tây Đô, hai bên tiếng tây – tiếng ta ghép nhau nghe cho nó… hiện đại, vui tai. Nhưng rồi khi đến Cần Thơ, mọi suy nghĩ về cái chất hiện đại đó của chúng tôi… biến mất.
Tây Đô - Today - Ảnh 1.

Tây Đô - Today - Ảnh 2.

Ý tưởng về chuyến đi Cần Thơ của chúng tôi chợt lóe lên trong lúc đang ngồi cà phê và quán mở bản "Ce Jour-la sur le Mekong" – nhạc phim L’amant (Người tình). Nghe giang hồ đồn đại, bộ phim được quay ở Cần Thơ từ năm 1986. Nhắc tới cái chất xưa, chất Nam Bộ là hai thằng tôi mê tít, "dân miệt" miền Tây mà. Thế nên chúng tôi không ai bảo ai, gói ghém bộ bà ba rồi lên đường cái rụp.

Ban đầu, chúng tôi muốn đặt tên bài viết này là "Tây Đô Today" – Today là cách nói láy từ chữ Tây Đô, hai bên tiếng tây – tiếng ta ghép nhau nghe cho nó… hiện đại, vui tai. Nhưng rồi khi đến Cần Thơ, mọi suy nghĩ về cái chất hiện đại đó của chúng tôi biến mất. Và chúng tôi tin rằng, một khi bạn tiếp xúc với người dân nơi đây, bạn cũng sẽ phải thốt lên rằng: Cần Thơ là một nơi ai cũng hiền hòa, cũng đôn hậu, cũng… nhiều cái lắm. Mà để nói hết cảm nhận của mình về vùng đất này, thì một góc nhìn chủ quan thôi chưa đủ. Thế nên ngoài những thử thách mà Here We Go đưa ra, chúng tôi tiếp tục tự "thách thức" nhau thêm một lần nữa: mỗi ngày đứa nọ sẽ chọn một góc bất kì ở Cần Thơ và đứa kia phải… nói lên cảm nhận của mình về chỗ đó. Nói sao cho súc tích, cho động lòng nhau, bị gì đi du lịch chung, phải hiểu, phải đồng điệu thì mới gắn kết được, phải không các bạn? Do đó trong bài viết này, bạn sẽ thấy có 2 người đang kể chuyện, đó là Danh (Da) và Thanh (Ta).

Tây Đô - Today - Ảnh 3.

Tây Đô - Today - Ảnh 4.

Tây Đô - Today - Ảnh 5.

img
img

 Nơi tá túc trong 4 ngày 3 đêm, khách sạn Xoài.

(Danh kể) - Chúng tôi bắt chuyến xe đầu tiên trong ngày để về Cần Thơ, suốt 3 tiếng đồng hồ trên xe, hai thằng cặm cụi giải mật thư đầu tiên của BTC, dĩ nhiên, việc này ngốn hết khoảng nghỉ ngơi và khiến bao tử kêu "rồn rột". Vì thế khi mới đến nơi, mình đã theo đề xuất của Thanh, đến ngay Quán Hồi Đó, vì cậu chàng muốn "concept" của ngày đầu tiên phải thiệt là "hoài niệm xưa cũ".

img
img
img

 

(Thanh kể) - Danh mê mệt món "tôm khô kho tóp mỡ" của quán, nói thiệt, để giới thiệu 1 món ăn mà bạn nên thử ở Quán Hồi Đó thì chắc chắn phải là chảo kho quẹt thơm nức mũi, ngon nao lòng này. Nhưng cái mà mình muốn kể ở đây không phải là miêu tả vị ngon của món ăn, chuyện là khi tụi mình tiếp tục mang mật thư ra giải, vò đầu bứt tóc ra điều căng thẳng lắm. Cái cô chủ quán lúc mang món canh chua lên bàn ăn, liền vỗ vai mình cái nhẹ, nói: "Ăn đi rồi tính, dòm bây căng quá, thôi chuyện đâu còn có đó nha bây!" Cái câu này của cổ làm mình dịu lòng hẳn. Dù không quen biết gì, nhưng cổ mang lại ấn tượng đầu tiên thiệt tốt về người dân miền tây. Cái xứ coi vậy mà ngộ, khó khăn chi, chứ mở miệng ra là lạc quan phát hờn cho được. Các bạn nhớ nha, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, hãy nhớ lấy câu thần chú mà DaTa chia sẻ ở đây: "Chuyện đâu còn có đó".

img
img
img
img
img
img

(Danh kể) - L'amant là một trong những bộ phim mình yêu thích nhất, thật tình cờ nó cũng đưa đường, dẫn lối cho bọn mình đến nhà cổ Bình Thủy - phim trường của bộ phim nức danh một thời. Cần Thơ có hơn 70 ngôi nhà cổ, trong đó Bình Thủy được xem là ngôi nhà đẹp nhất xứ miền tây. Tiếp đón bọn mình là một bà cụ, con cháu nhiều đời của chủ nhà Bình Thủy. Cụ có hơi ít nói, đoạn cụ khoe bức ảnh chụp phim L’amant trên tường một cách đầy tự hào: "Bây coi, ngót nghét 26 năm cũng qua, đời người ta trôi nhanh như lá rụng, chỉ khác là lần nào nhìn vô mấy tấm hình này cũng thấy như mình trẻ quài, kỉ niệm còn quài với thời gian…"

img
img
img

Bữa tối đó chúng tôi có ghé qua chợ cổ Cần Thơ - ngôi chợ xây cùng thời với chợ Bến Thành, chợ Lớn của Sài Gòn, chẳng trách kiến trúc có nét tương đồng. Mua thêm mỗi đứa cái nón lá, hứa hẹn một ngày mới ăn bận đúng chất "dân miền tây".

Tây Đô - Today - Ảnh 11.

Tây Đô - Today - Ảnh 12.

(Thanh kể) - Chợ nổi Cái Răng nhóm tầm 5 giờ đến 7 giờ sáng, do đó tụi mình đã thức từ khá sớm, bắt một chiếc ghe trực chỉ khu chợ trên sông. Theo anh lái ghe, mỗi chiếc ghe đều có gắn một cây "bẹo hàng" cao chừng 4 mét, ai bán món gì thì mắc món đó lên đỉnh cây, có như vậy ghe ở xa mới biết mà đến mua. Ở cái chợ này, gặp nhau 2 lần là 1 cái duyên. Ảnh giới thiệu tụi mình bà bán bún riêu nổi tiếng, nghe đâu bà được lên "ti-vi", nhờ vậy mà món bún của bà "vang danh" khu chợ, ai tới mà muốn ăn thì phải gọi để bà đánh ghe qua bán. Tụi mình phải lướt trên sông chừng nửa tiếng mới tìm gặp bà, công nhận món bún riêu/bún thịt nướng của bà rất đặc sắc, hòa thêm cái kiểu ăn trên sông bập bềnh sóng nước càng làm món ăn thêm thi vị. "Nghỉ hưu là gì tui hỏng biết. Tui bán bún riêu trên bến đò hai chục năm rồi, lênh đênh trên mặt sông cũng chừng ba chục năm có lẻ, thành thử ra tui có biết nghỉ hưu là gì đâu. Thấy mấy chú đi làm cực quá, chớ tui bán trên sông nhẹ hều hà" - Bà móm mém nói.

(Danh kể) - Hai anh em tưởng bị "hải tặc" ghé thăm. Lúc Thanh mua ly cà phê, ghe của bà cà phê liền áp vào và việc đầu tiên bả làm là… quăng cái móc sắt móc vào ghe của tụi tui. Tìm hiểu mới biết, vì ghe trên sông cứ bập bềnh sóng nước, đòi hỏi người chủ ghe phải có một cái móc sắt, cứ hễ muốn đậu kế ghe nào để bán buôn thì phải lấy cái móc sắt (hoặc dây dù) siết lại cho… khỏi bị sóng đánh ra xa. Cuộc sống lênh đênh vậy đó, mà tui thấy ai cũng lạc quan phát hờn. Họ mời mình mua hàng, mình không mua họ cũng chẳng chèo kéo, vui vẻ lái ghe đi, không quên để lại lời chúc: "Chơi vui nha bây!"

(Thanh kể) - Anh lái ghe chỉ tụi mình vào thăm lò hủ tiếu Sáu Hoài, theo lời giới thiệu của ảnh, ông bà chủ không chỉ cho khách làm hủ tiếu, mà ở đây còn nổi tiếng với món "Pizza hủ tiếu", dĩ nhiên, tụi mình sao mà bỏ qua cái chỗ ngộ nghĩnh này cho được! Buổi hôm đó, hai anh em được học cách tráng bánh, cắt sợi, phơi khô… trong sự "đe dọa" của bà Sáu. Bả nói bây muốn quay, muốn chụp gì cũng được, một "pô" mười nghìn, thành thử ra tụi tui bị áp lực… tiền nong dữ lắm. Ai dè xong xuôi, bà già nói tao đùa bây cho vui, tiền bạc nỗi gì. Còn món Pizza, bà Sáu chỉ ướp nước sốt gia truyền, xong thì bỏ hủ tiếu vào chảo dầu cho phồng lên, vớt ra, để đậu phộng, trứng lên mặt bánh. Mình phải công nhận món ăn ngon thiệt, vài bữa khi có thời gian sẽ làm và mời bạn bè chén thử!

img
img
img

(Danh kể) - Rất may, cuộc thi cho bọn mình cơ hội đến Cần Thơ đúng dịp Trung Thu. Hòa vào dòng người vui hội, dường như ký ức của một thời con nít quay về trong lòng tụi mình một cách rộn rã. Trong lúc Thanh đang bận quay hình buổi ca nhạc, mình "nghe lỏm" được câu chuyện:
- Cha ơi, cõng con, cõng con (tay chỉ chỉ về phía sân khấu)
+ Dòi dòi, con đợi chút xíu nha
- Hỏng chịu đâuuu
+ Con thấy mấy cô đang ngồi hông? Cha cõng con lên dòi sao mấy cô thấy sân khấu?
Thằng nhỏ coi bộ hiểu chuyện, nó không vòi nữa. Đoạn, ông cha dắt tay thằng nhỏ ra ngoài rìa đám đông, cõng nó lên cái một. Khúc này hai cha con đã đứng hơi xa mình rồi, nên mình đoán cái kết đoạn đối thoại như vầy:
+ Giờ thấy sân khấu chưa? Mình đứng chỗ này, mình vừa thấy, mà mấy cô cũng thấy, con ha…

img
img
img
img
img

Tây Đô - Today - Ảnh 17.

Tây Đô - Today - Ảnh 18.

(Danh kể) - Gió táp thẳng vào mặt, rít qua hai bên tai mà mình đồ rằng như thể cơn bão sắp ùa qua, hất tung hai anh em ra khỏi đường bất kì lúc nào. Đó là cái bữa BTC đưa ra thử thách ghép chữ, tụi mình lái xe tận cầu Cần Thơ. Cây cầu hùng vĩ này nối liền hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long. Tụi mình đứng giữa cầu, canh nắng, canh gió để chụp, mãi hơn nửa tiếng mới có được tấm ảnh ổn định. Có một phát hiện bất ngờ là ngay dưới chân cầu có một cái hầm, lúc hai đứa chụp ảnh xong và đánh đầu xe lại. Chạy được 1 đoạn, thấy cái chị chạy phía trên đột nhiên... biến mất. Tụi mình hoảng quá liền phóng xe lên thì phát hiện dưới chân cầu có cái hầm nối giữa hai làn xe, cho xe tiện quay đầu. Hầm xe ngập nước khá cao, nhưng vui vì lúc chạy qua có cảm giác như đang chui qua địa đạo ấy!

img
img
img

 

(Thanh kể) - Dân Cần Thơ thiệt thà, chất phác lắm, nói gì cũng như nói hết cả tâm can cho người đối diện nghe vậy. Nhưng có một điều họ nói mà bạn đừng tin, đó là câu: "Chỗ đó xa dữ lắm nha!" - Họ hay bảo mấy điểm tham quan nằm xa trung tâm dữ lắm, nhưng thiệt lòng là hai đứa Sài Gòn tụi mình chạy chút xíu là tới hà. Có thể với họ đi vậy là xa, hoặc "thâm thúy" hơn, họ nói xa cho mình sẵn tinh thần không thấy mệt? À còn một cái nữa, dân Cần Thơ nhiệt tình số 1! Tối bữa đó hỏi đường, anh công nhân chỉ: "Đi thẳng 2 ngã tư rồi quẹo trái nha!", vậy đó mà không hiểu sao hai anh em quẹo ngay ở ngã tư đầu tiên?! Bỗng từ đâu phía sau tiếng ổng vang lên: "Ngã tư trên bây ơi!" - Hóa ra ổng chạy theo để chắc rằng tụi mình không đi sai hướng. Ngặt nỗi chỉ xong, mình thấy ổng quay đầu xe đi về hướng ngược lại. Ủa, chu đáo, nhiệt tình chi mà phát thương vậy nè?!

img
img
img
img
img
img
img
img

Tây Đô - Today - Ảnh 21.

Tây Đô - Today - Ảnh 22.

img
img
img
img
img

 

(Thanh kể) - Ngoài cái sự xưa cũ, Tây Đô cũng "tân thời" dữ lắm, nhân một bữa cuối tuần, mình rủ Danh đi nghe ca nhạc. Hai anh em chở nhau ra quán 1985, ở Cần Thơ có 2 quán 1985: đường Huỳnh Cương và đường Nguyễn Khuyến. Cái 1985 có hát về đêm nằm ở đường Huỳnh Cương. Ban đầu, mình không quá mong đợi vào một đêm nhạc "chất chơi" như ở Sài Gòn, vậy mà khi lời hát "Lâu lắm rồi anh không ghé chơi…" cất lên, mình và Danh đã trầm trồ thiếu điều rớt tim ra ngoài vì giọng ca hay quá. Cả buổi tối hai anh em cứ tấm tắc khen hay, hứa một lần phải quay trở lại.

img
img
img

Chúng ta đều có lý do để đến một nơi nào đó. Dù đúng dù sai, chúng tôi tin rằng bạn sẽ ưu tiên chọn một nơi thật đẹp để dừng chân, thưởng ngoạn và chụp ảnh. Riêng chúng tôi nghĩ rằng mỗi chuyến đi sẽ luôn đi cùng cảm xúc, đó là lý do vì sao nhóm đến với Tây Đô và quyết định viết bài chia sẻ theo kiểu tự sự, vì chúng tôi tin rằng sự dễ thương, nồng hậu sẽ là điểm cộng đáng kể cho hành trình cảm xúc của nhóm.

img
img
img

Như khi không quen biết gì nhau, mấy bà cô bảo con cháu qua chào hỏi chúng tôi, kiểu như mấy chú từ Sài Gòn về thăm xứ mình, tụi con phải lịch sự tiếp đón nha. Như khi gửi xe, cô gửi xe bảo ba ngàn, đưa cô bốn ngàn nói cô giữ luôn không cần thối, cô cười hỉ hả dúi vào tay Danh, nói: "thôi, tui lấy hai ngàn cũng đủ rồi". Như khi ở khách sạn, mượn một con dao để gọt trái cây, cô chủ hỏi trái cây loại gì? Lúc sau cô không những cho mượn dao, mà còn đưa thêm cả cái dĩa đựng vừa vặn trái dưa lê vàng ươm, nom ngon mắt.

Và còn nhiều nữa sự nồng hậu, mà khi ở Cần Thơ, hay đúng hơn là cái xứ miền tây chín nhánh sông này, bạn mới cảm nhận được tròn vành, dễ chịu... 


Nguyễn Lý Nhựt Thanh
Lê Huỳnh Thành Danh
Jeremiah Le, nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ04/10/2016