Sự thật là không phải lúc nào phim Việt Nam cũng thất thế trên chính sân nhà. Tính tới thời điểm hiện tại, kỷ lục phòng vé Việt Nam là “Em Chưa 18” với 171 tỷ đồng chứ không phải một bộ phim Hollywood nào khác.
Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 1.

Trong những ngày qua, nếu bạn quan tâm tới điện ảnh, chắc hẳn đã đọc qua cụm từ “Giải cứu phim Việt”. Căn nguyên của câu chuyện này bắt nguồn từ việc siêu bom tấn “Avengers: Infinity War” thể hiện sự vượt trội tuyệt đối của mình trước hai phim Việt Nam là “Lật Mặt 3: Ba Chàng Khuyết” và “100 Ngày Bên Em” trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5. Bom tấn nhà Marvel xác lập kỷ lục doanh thu ngày mở màn cao nhất lịch sử phòng vé Việt Nam (30,5 tỷ đồng) đồng thời trở thành phim chạm tới cột mốc 100 tỷ đồng nhanh nhất từ trước tới nay tại Việt Nam khi chỉ mất 5 ngày. Để so sánh thì hai phim “100 tỷ” nhanh kỷ lục trước đó là “Kong: Skull Island” và “Em Chưa 18” đều phải mất một tuần để gia nhập câu lạc bộ “trăm tỷ”.

Trong tình cảnh “Avengers: Infinity War” chiếm khoảng 70% số suất chiếu tại các rạp phim Việt Nam và vẫn có tỷ lệ lấp đầy cao, hai phim Việt phải chia sẻ 30% suất chiếu còn lại với các bộ phim như “A Quiet Place”, “Rampage” hay “Duck Duck Goose”. Việc phim Việt thất thế trên chính sân nhà bị xem như tình cảnh “châu chấu đá voi”, hay như ... Captain America đương đầu với hung thần Thanos.


Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 2.

Trước sự áp đảo của “Avengers: Infinity War”, đã có không ít ý kiến, tranh cãi trên mạng xã hội về việc đưa ra những biện pháp “bảo hộ mềm” để giải cứu phim Việt. Một trong những ý kiến đáng chú ý nhất là của nhà báo Lê Hồng Lâm – một cây viết điện ảnh uy tín và theo dõi sát tình hình thị trường phim Việt. Anh gợi ý rằng nên có những biện pháp “bảo hộ mềm” nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi và ưu tiên cho phim Việt.

Trên Facebook cá nhân, anh đưa ra quan điểm ủng hộ những bộ phim Việt tử tế, có thể khiến khán giả chủ động tìm tới rạp vì muốn chứ không phải do động lòng trắc ẩn: “Trong các quan điểm đưa ra, chưa bao giờ tôi nói tới chuyện "giải cứu" phim Việt hay "kêu gọi" khán giả đi xem phim Việt bằng sự thương hại. Bởi đơn giản một điều, văn hóa thì không thể thương hại được! Ngay từ "case study" Tấm Cám - Chuyện chưa kể ầm ĩ 3 năm trước, trong một bài viết cũ, tôi từng đưa ra nhận định: "Với những người quan tâm đến sự phát triển của điện ảnh Việt, họ luôn mong muốn một môi trường điện ảnh trong sạch, lành mạnh và cạnh tranh theo tinh thần "fair play".

Điều đó sẽ khiến người xem phim quyết định lựa chọn một bộ phim, một rạp chiếu bằng sự yêu thích thực sự hay túi tiền của họ, chứ không phải bị thúc ép bởi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và tất nhiên, cũng không phải vì sự chèn ép, cá lớn nuốt cá bé hay ‘cả vú lấp miệng em’.

Tuy nhiên, anh vẫn tin rằng nên có những biện pháp “bảo hộ mềm” để tránh tình trạng “trứng chọi đá” đang diễn ra ở các rạp phim Việt: “Với một nền điện ảnh còn non trẻ, chưa trưởng thành và thiếu bản sắc như phim Việt, vốn đã không có sự bảo trợ của nhà nước mà lại còn chịu cảnh "cạnh tranh sòng phẳng", vận hành theo quy luật cung cầu với phim Hollywood, thì những bi kịch kiểu "trứng chọi đá", "châu chấu đá voi" như Lật mặt 3 hay 100 ngày bên em đối đầu trực diện với Avengers: Infinity War sẽ còn tiếp diễn.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 3.

Tôi nghĩ đơn giản là các cơ quan quản lý văn hóa nhập khẩu cần có hạn mức, quota nhập khẩu nhằm tránh tình trạng các phim ngoại được nhập đều đặn hàng tuần, trong đó có không ít phim “rác”. Những phim này thực ra giá mua rất rẻ, thậm chí cho không, nhưng về lâu dài là lợi bất cập hại vì nó làm cho khán giả cảm giác bội thực và không muốn đến rạp nữa.

Sau nữa là cần có chính sách phân bổ suất chiếu hợp lý. Cứ chuẩn theo quy luật cung cầu hay điều tiết thị trường thì phim nào hot, kiểu Avengers: Infinity War hay Deadpool chiếm lĩnh 80, 90% hệ thống rạp thì phim Việt nào sống nổi, cho dù là tử tế?”

Anh cũng dẫn chứng cho thấy rằng câu chuyện “bảo hộ văn hóa” đã từng có tiền lệ, kể cả tại những cường quốc về điện ảnh tại châu Á: “Tại sao điện ảnh 4 nước lớn ở châu Á có nền điện ảnh nội địa phát triển, lần lượt là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản? Vì cho dù là nước lớn, cho dù là có nền điện ảnh phát triển đã lâu, họ đều có các chính sách bảo hộ văn hóa của mình.

Điện ảnh Trung Quốc cấm tiệt phim Hollywood dịp Tết Nguyên đán và một tháng hè; điện ảnh Hàn thì vẫn còn chính sách bảo hộ với 20% ngày chiếu phim nước họ. Điện ảnh Ấn Độ và Nhật Bản cũng kiểm soát rất tốt phim Hollywood, rất nhiều phim bom tấn Hollywood được nhập về chiếu tại hai nước này khá muộn, thậm chí sau vài tháng như thị trường Nhật Bản.

Nói như thế thì phim Việt dở thì sao? Bảo hộ rồi thả rông cho phim thảm họa tung hoành sao? Điều này tôi nghĩ không cần ngại lắm, nó sẽ tự chết thôi.”


Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 4.

Đó là quan điểm từ một cây viết uy tín và có tâm huyết với điện ảnh Việt Nam. Chủ đề “bảo hộ mềm” giúp các phim nội trụ được trước làn sóng Hollywood nhân hiện tượng “Avengers: Infinity War” không chỉ được nhắc tới ở Việt Nam mà cả tại Hàn Quốc – đất nước có nền công nghiệp điện ảnh phát triển hàng đầu châu lục. Theo trang ScreenRant, các nhà làm luật của Hàn Quốc đang đề xuất việc áp dụng luật mới khiến một bộ phim không được chiếu quá 40% tổng số suất chiếu trên toàn quốc.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 5.

Giống như hai phim Việt, các phim “Intention” và “True Fiction” đều bị lép vế hoàn toàn trước “Avengers: Infinity War”. Hai phim trên lần lượt thu về doanh thu 309 nghìn USD và 288 nghìn USD tại thị trường Hàn Quốc – tương đương gần 2% tổng doanh thu phòng vé Hàn Quốc tuần qua. Trong khi đó, con cưng nhà Marvel được ra mắt cùng thời điểm với hai phim trên đã mang về tới 39,1 triệu USD – tương đương ... 95% tổng doanh thu phòng vé Hàn Quốc. Trang Variety ước tính “Avengers: Infinity War” chiếm 85% tổng số suất chiếu tại Hàn Quốc. Nhà làm luật Cho Seung-rae đã đề xuất giới hạn tối đa con số suất chiếu cho một phim tại thị trường Hàn Quốc là 40%, bởi “ở thời điểm này, các biện pháp nhằm hạn chế sự độc chiếm màn ảnh rộng là cần thiết”.

Không phải tới bây giờ, Hàn Quốc mới có những biện pháp siết chặt việc trình chiếu phim ngoại để hỗ trợ phim nội. Trong bản tóm tắt lịch sử điện ảnh Hàn Quốc mang tên “A Short History of Korean Film”, tác giả Darcy Paquet đã chỉ ra việc xứ Kim chi ban hành hạn ngạch màn ảnh (Screen Quota) từ năm 1967. Theo đó, các rạp chiếu phim Hàn Quốc bắt buộc tối thiểu 6 phim Hàn Quốc trong thời gian 90 ngày mỗi năm.

Hạn ngạch được thay đổi vào năm 1973, nâng thời gian trình chiếu lên thành 1/3 số ngày trong năm. Tới năm 1988, Hàn Quốc thay đổi chính sách theo hướng cởi mở hơn, giúp các hãng Hollywood bắt đầu mở chi nhánh tại nước này. Trong những năm kế tiếp, các phim nội địa dần đánh mất thị phần vào tay các phim Hollywood hay Hong Kong. Tới năm 1993, lượng khán giả tới rạp xem phim Hàn Quốc chạm mốc thấp đỉnh điểm là 16%.

Những năm sau đó, sự xuất hiện của những tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, CJ, Orion Group và Lotte trong lĩnh vực sản xuất phim đã góp phần vực dậy nền điện ảnh nội địa của nước này. Giai đoạn đầu những năm 2000s chứng kiến sự bùng nổ của điện ảnh Hàn Quốc khi nhiều sản phẩm văn hóa của nước này trở thành hiện tượng tầm cỡ châu lục. Đến năm 2006, chính phủ Hàn Quốc điều chỉnh luật Hạn ngạch đã tồn tại bốn thập niên sau khi ký Hiệp định Thương mại tự do với Mỹ. Theo đó, số ngày bắt buộc phải chiếu phim Hàn giảm từ 146 xuống còn 73 ngày trong năm.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 6.

E ngại về sự “đô hộ văn hóa” và ảnh hưởng tiêu cực tới nền điện ảnh nội địa, nhiều nhân vật nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc như đạo diễn Park Chan-wook hay diễn viên Choi Min-sik đã ra đường biểu tình, phản đối việc điểu chỉnh Hạn ngạch màn ảnh. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn không hề thay đổi, dẫn tới việc các bộ phim Hàn Quốc chỉ còn chiếm khoảng 50% thị trường nội địa trong vài năm trở lại đây.

Một ví dụ khác về Hạn ngạch màn ảnh là Trung Quốc – đất nước đông dân nhất thế giới và là thị trường Hollywood luôn thèm khát. Theo tờ The Hollywood Reporter, thị trường điện ảnh Trung Quốc có thể phát triển được nhờ các chính sách hạn chế nhập phim ngoại và tạo điều kiện tối đa cho phim nội. Một hiệp định được ký kết vào tháng 2/2012 giữa Trung Quốc và Mỹ giúp nâng số phim ngoại Trung Quốc nhập mỗi năm tăng từ 20 lên thành 34. Tới năm 2017, con số phim ngoại được chiếu tại đất nước đông dân nhất thế giới tăng lên thành 39.

Với dân số khổng lồ, thị trường điện ảnh Trung Quốc trở thành thị trường màu mỡ và trong thực tế, có những phim Hollywood “chết” trên sân nhà nhưng lại sinh lời nhờ ăn khách tại Trung Quốc. Tiêu biểu là “Warcraft” khi bộ phim này chỉ đạt doanh thu 47,4 triệu USD tại Mỹ nhưng lại thu về tới 221 triệu USD tại Trung Quốc. Nhiều bộ phim Hollywood sẵn sàng đưa diễn viên Trung Quốc vào phim (Kong: Skull Island, Pacific Rim: Uprising), quay phim tại Trung Quốc (Transformers: Age of Extinction) hay đề cao vai trò của Trung Quốc (The Martian) để phim được chiếu tại nước này. Dẫu vậy, bất chấp nhiều nỗ lực từ nước Mỹ, các nhà làm văn hóa vẫn kiên định với chính sách Hạn ngạch màn ảnh nghiêm khắc. Nhờ đó, những phim như “Chiến Lang 2”, “Thám Tử Phố Hoa 2” hay “Mỹ Nhân Ngư”... mới có thể có doanh thu khổng lồ hàng trăm triệu USD.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 7.

Trong danh sách 10 phim ăn khách nhất lịch sử phòng vé Trung Quốc, chỉ có 3 bộ phim Hollywood. 7 tác phẩm còn lại đều là phim Trung Quốc, hệ quả từ chính sách bảo hộ của chính quyền nước này. Không chỉ hạn chế số lượng, Trung Quốc thậm chí sẵn sàng hoãn nhập phim Hollywood để chiếu các phim trong nước. Con số khổng lồ 5,6 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 874 triệu USD) mà “Chiến Lang 2” xác lập tại phòng vé có đóng góp không nhỏ từ việc bộ phim của Ngô Kinh được ra mắt vào tháng 7/2017 – thời điểm rạp chiếu Trung Quốc đang vắng bóng phim ngoại.

Doanh thu “Avengers: Infinity War” trong tuần đầu đáng lẽ còn cao hơn nếu được ra mắt vào ngày 27/4 tại Trung Quốc – đất nước cũng nghỉ ngày Quốc tế Lao động 1/5 như Việt Nam. Tuy nhiên, phải tới ngày 11/5, khán giả Trung Quốc mới được thưởng thức siêu bom tấn của Marvel.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 8.

Qua ví dụ từ hai thị trường điện ảnh có chính sách bảo hộ của chính phủ để quay lại câu chuyện “bảo hộ mềm” cho phim Việt Nam. Nhưng liệu có thực sự phải “giải cứu phim Việt”, khi mà cho tới thời điểm này “Lật Mặt 3” đã bắt đầu sinh lời. Bộ phim này được lợi từ việc ra rạp trước “Avengers: Infinity War” một tuần và có nội dung hài hước, bình dân dễ xem đối với những khán giả tới rạp để tìm tiếng cười giải trí.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 9.

Trong khi đó, “100 Ngày Bên Em” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng là bộ phim tình cảm được làm tương đối chắc tay. Tuy nhiên, việc một bộ phim ngôn tình với chủ đề ung thư, gợi nước mắt dường như không phù hợp để ra mắt vào dịp nghỉ lễ toàn quốc. Vừa chọn thời điểm ra mắt chưa hợp lý lại vừa trùng với lúc siêu bom tấn “Avengers: Infinity War” khởi chiếu nên việc lép vế về doanh thu của “100 Ngày Bên Em” là điều dễ hiểu.

Việc các chủ rạp căn cứ theo thị trường để tăng suất chiếu lên cho “Avengers: Infinity War” là điều hoàn toàn logic. Nhà báo hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh Nguyễn Phong Việt nhận định: “Không ai muốn kinh doanh để lỗ”. Anh phân tích dưới góc nhìn của nhà kinh doanh cụm rạp: “Cụm rạp quyết định việc xếp lịch chiếu của một bộ phim. Họ dựa trên nhu cầu của khán giả để quyết định số suất chiếu, giờ chiếu với những bộ phim hay hoặc dở nhằm đảm bảo doanh thu cao nhất. Tất yếu người kinh doanh ai cũng mong mỗi suất chiếu của cụm rạp đều lấp đầy ít nhất 60% trở lên. Và nếu còn hơn thế nữa, đến mức 80-90% bất kể khung giờ chiếu là vào sáng sớm, trưa, đầu giờ chiều hay buổi tối thì là lý tưởng.

Ví dụ, nếu Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế không quá 50% số suất chiếu dành cho một bộ phim (dù nó ăn khách, lấp đầy 100% số ghế của mỗi suất chiếu) để cứu các bộ phim Việt (cho dù tỷ lệ lấp đầy số ghế trong rạp của chúng chỉ chiếm dưới 40%)… thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tổng doanh thu của rạp.

Hãy thành thật với nhau, nếu là một người chủ cụm rạp chiếu phim - giữa lúc cộng đồng khí thế ngút trời về việc “giải cứu phim Việt” - bản thân bạn sẽ làm gì? Đó là tiền mồ hôi nước mắt mà bạn bỏ vào, chẳng ai giúp bạn bất cứ điều gì. Khi đó, bạn sẽ chọn chiếu phim ngoại nhập với tỷ lệ lấp đầy suất chiếu rất cao để gia tăng lợi nhuận hay chiếu phim Việt với tỷ lệ lấp đầy trung bình thấp hơn rất nhiều?”

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 10.

Blogger Nguyễn Ngọc Long bày tỏ quan điểm cho rằng không nên “giải cứu phim” như những chiến dịch “giải cứu nông sản” thời gian gần đây: “Việc giải cứu nông sản xét về mặt tổng quát nó không gây ra một sự bất công quá lớn, không tổn hại lợi ích quá lớn của bên nào. Còn câu chuyện phim ảnh, là cuộc chơi sòng phẳng giữa các đơn vị phát hành và hoặc nhà sản xuất. Khán giả có chừng, ngân sách của họ cũng có chừng, nếu giải cứu phim A thì đương nhiên phim B sẽ thụt giảm doanh thu nghiêm trọng. Như vậy có tạo ra một cuộc chơi kinh doanh bình đẳng hay không?

Nông sản Việt, vốn là mặt hàng tiêu dùng cấp thiết hàng ngày, gọi là giải cứu nhưng chỉ đơn thuần là thay đổi thứ tự ưu tiên lựa chọn. Ngày thường ăn dưa lưới dưa gang, giờ động lòng trắc ẩn thì ăn dưa hấu. Nó là một thứ cần thiết cho cuộc sống nên người ta “giải cứu. Còn phim ảnh, có phim hay thì coi, dở quá thì nghỉ coi, chứ mắc gì phải bỏ tiền đi giải cứu để vừa mất tiền vừa mất công mất sức lại mua về một cục ba ngơ chẳng hiểu mình đang tiêu thụ cái gì?”

Nỗi lo việc nền điện ảnh được bảo hộ sẽ dẫn tới một sân chơi không bình đẳng và thêm nhiều bộ phim “thảm họa” không phải là không có cơ sở. Vương quốc Anh là một ví dụ nhãn tiền. Chính sách hạn ngạch màn ảnh được Anh áp dụng từ năm 1927 đem lại kết quả tiêu cực khi nhiều bộ phim “rác” được sản xuất để lấp đầy hạn ngạch. Hệ quả là điều luật này đã bị hủy bỏ vào thập niên 1960s. Đó là mặt tối của chính sách bảo hộ, bởi những rào cản trong sáng tạo, kỹ thuật làm phim vẫn tồn tại có thể khiến kể cả khi được tạo điều kiện, phim Việt vẫn khó có thể bứt lên nổi so với phim ngoại nhập.

Có thể thấy trước ý tưởng đưa ra các biện pháp “bảo hộ mềm” đã gây tranh cãi lớn trong tuần qua, với đa phần ý kiến phản bác từ phía khán giả Việt Nam. Trong một cuộc bình chọn “Nên bảo hộ mềm với điện ảnh Việt Nam hay không?” tại một tờ báo điện tử, có tới 82% số người bình chọn “Không”.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 11.

Đa phần các ý kiến bình luận đều cho rằng nên để thị trường tự quyết định, đặc biệt là trong bối cảnh khán giả Việt đã phải xem quá nhiều bộ phim thảm họa. Một khán giả có tên VHN bình luận: “Theo quan điểm cá nhân của tôi thì chính sách có ra thì cũng khó cứu vãn được tình hình nếu như chất lượng của phim Việt không được nâng cao. Khi chất lượng các phim Việt tốt thì tự nhiên khán giả sẽ không làm ngơ, bằng chứng là phim có chất lượng cao như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã có lượng khán giả Việt ủng hộ rất cao. Bản thân tôi có đi xem phim Việt ngoài rạp vài lần, đối với tôi mỗi bộ phim hay là ở diễn xuất, kịch bản và đạo diễn. Nhưng nhiều bộ phim Việt Nam còn chênh lệch về các khía cạnh này.”

“Có những phim quy tụ dàn diễn viên đình đám nhưng kịch bản thì lố lăng, diễn xuất thì hời hợt, phim cố lấp liếm bằng kĩ xảo. Lúc đấy chỉ thương mấy rạp phim cứ phải ra sức quảng cáo để mong khách tới xem vì đã lỡ đầu tư và lên suất chiếu rồi. Thiết nghĩ nếu quan tâm đến vấn đề cốt lõi của phim là làm nghệ thuật thật sự, trau chuốt mọi mặt từ kịch bản tới đạo diễn, diễn xuất thật sự, tìm ra thế mạnh của phim Việt mà khai thác thì không hề thua phim nước ngoài.”

Sự thật là không phải lúc nào phim Việt Nam cũng thất thế trên chính sân nhà. Tính tới thời điểm hiện tại, kỷ lục phòng vé Việt Nam là “Em Chưa 18” với 171 tỷ đồng chứ không phải một bộ phim Hollywood nào khác. Bộ phim hài này ra mắt cùng một bom tấn Marvel là “Guardian of the Galaxy 2” nhưng vẫn tạo nên một cơn sốt nhờ nội dung vui nhộn, diễn xuất duyên dáng cùng phần âm nhạc bắt tai. Chỉ từ sau “Em Chưa 18”, những cái tên như Kiều Minh Tuấn hay Kaity Nguyễn mới vụt sáng thành sao. Còn nhiều bộ phim Việt Nam khác gần đây như “Em Là Bà Nội Của Anh”, “Tháng Năm Rực Rỡ”, “Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh”... đạt được doanh thu triệu đô và tạo hiệu ứng truyền miệng tốt từ khán giả trên mạng xã hội. Những tác phẩm trên minh chứng rằng “ê-kip làm phim có tâm, khán giả chẳng phụ”.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 12.

Hiện tượng “Avengers: Infinity War” là chưa từng có trong lịch sử, khi 18 bộ phim rải rác trong 10 năm qua được thực hiện để dẫn tới tác phẩm hoành tráng ngày hôm nay. Trên toàn cầu, siêu bom tấn này cũng xác lập kỷ lục phim ra mắt thành công nhất lịch sử ở bình diện nước Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng của thế giới với việc “Avengers: Infinity War” thống trị các rạp chiếu. Đây có thể là một “hiện tượng” đặc biệt, nhưng nó tạo ra một cuộc tranh cãi thú vị và cần thiết cho tương lai điện ảnh Việt Nam.

Nhìn tổng quan, những bộ phim Việt thành công về doanh thu kể trên vẫn là những hiện tượng đơn lẻ và thị trường phim nội địa vẫn rất mong manh, có thể bị thoái trào như thời mỳ ăn liền. Hiện số phim Việt sản xuất tăng lên mỗi năm nhưng số phim sinh lời lớn vẫn rất ít ỏi, trong khi số phim chịu lỗ lại chiếm đa số. Đây là nguyên nhân mà những người tâm huyết với nền điện ảnh Việt Nam tin rằng những chính sách hỗ trợ, bảo hộ mềm là cần thiết để tránh nguy cơ thoái trào.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 13.

Tuy nhiên, quyền lợi của khán giả - đối tượng trực tiếp bỏ tiền ra rạp – là thứ cần được ưu tiên bảo đảm, bên cạnh các hiệp định về tự do thương mại. Không chỉ khán giả, ngay cả những người có trách nhiệm với ngành văn hóa cũng thừa nhận rằng phim Việt còn cách điện ảnh thế giới một khoảng cách rất xa.

Thành công về doanh thu dịp Tết của "Siêu Sao Siêu Ngố", hiện tượng "Tháng Năm Rực Rỡ" khiến khán giả không ngừng "ship" các diễn viên chính hay việc phim truyền hình từ năm 2001 "Phía Trước Là Bầu Trời" bất ngờ hot trở lại trên Facebook... cho thấy khán giả không hề quay lưng với phim Việt Nam. Cái họ cần là những tác phẩm đánh trúng tâm lý người xem, được đầu tư một cách chỉn chu về kịch bản, diễn xuất. 

Điều này được chính người trong cuộc – đạo diễn Vũ Ngọc Phượng của "100 Ngày Bên Em" – hiểu và chia sẻ. Trên trang Facebook cá nhân, đạo diễn trẻ này có "tâm thư" nhận được nhiều sự ủng hộ từ khán giả, trong đó anh chia sẻ bản thân cũng từng lâm vào tình cảnh thường xuyên ưu tiên những bộ phim quốc tế khi ra rạp. Anh hiểu rằng để có " một nền điện ảnh Việt Nam trở nên chất lượng hơn, đáng tin cậy hơn, đáng để lựa chọn hơn, mạnh mẽ hơn, để đến một ngày nào đó, không còn cần cứu giúp" cần cả một quá trình dài, với sự chung tay từ rất nhiều người chứ không thể là những nỗ lực riêng lẻ. Phượng nhận định những nhà làm phim phải có trách nhiệm đầu tiên: "Chúng mình cần phải khó tính hơn trong việc lựa chọn kịch bản, ngăn chặn những dự án vốn không hề tiềm năng, cẩn trọng hơn khi lựa chọn diễn viên, kỹ càng hơn khi quay, khi dựng, cảm xúc hơn khi kể chuyện bằng những khung hình, bằng màu sắc, bằng âm thanh. Mỗi người trong ekip đoàn phim, cần cố gắng hết sức để nâng cao khả năng bản thân. Không thể ngừng học hỏi, không thể hài lòng với những gì mình đang có. Giống như giờ đây mình thấy, có bà chị sản xuất đã được 4 phim mà vẫn bỏ tất cả sang Hàn học thêm về sản xuất quốc tế, có cô em diễn viên đạt giải cao quý nhưng vẫn dành thời gian học thêm về các thủ pháp diễn xuất khác nhau. Cần nhiều hơn những sự nỗ lực như vậy". Và khi một sản phẩm điện ảnh tử tế được ra đời, cần thêm những hành động ủng hộ "có tâm" từ nhà phát hành, báo giới và khán giả, để mỗi lần tới xem phim Việt Nam tại rạp là vì lựa chọn của bản thân, vì mong muốn được xem một bộ phim chất lượng chứ không phải vì lòng thương hại. 

Có câu nói nổi tiếng và luôn đúng: "Content is King" (Chất lượng là Vua). Một bộ phim dở dù có tung hoa đến mấy cũng sẽ trần trụi như "nhà vua ở truồng" khi ra rạp. Một bộ phim hay sẽ nhận được hiệu ứng truyền miệng, những bài review có tâm do khán giả tự nguyện viết. Và bên cạnh việc bàn về những biện pháp bảo hộ, các bên liên quan trong lĩnh vực điện ảnh có thể ngồi lại tìm ra những phương án tốt nhất cho một môi trường điện ảnh Việt lành mạnh. Một số phương án có thể cân nhắc tới như cử nhân lực sang các môi trường điện ảnh phát triển để học tập như cách Hàn Quốc học từ Hollywood trong thập niên 1980s, hay đề nghị các đơn vị phát hành phim nước ngoài có chính sách hỗ trợ cho điện ảnh Việt từ lợi nhuận mà họ thu được tại thị trường Việt Nam.

Với người viết, một thị trường điện ảnh lý tưởng là nơi mà các nhà làm phim nói không với sự dễ dãi, sản xuất ra những bộ phim chất lượng, tử tế; các nhà phê bình rạch ròi mối quan hệ cá nhân và công việc để cho ra những bài review công tâm còn các nhà làm luật tạo điều kiện tối đa để điện ảnh tử tế được phát triển. Và khán giả chủ động ra rạp sẽ ra về với nụ cười thỏa mãn, thay vì buông lời chua chát “Đúng là phim Việt Nam”.

Tại sao phải “cứu phim Việt, khi chúng ta vẫn phát sốt vì Em chưa 18, Phía trước là bầu trời? - Ảnh 14.
Thịnh Joey
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ09/05/2018