Tại sao những phụ huynh có tính kiểm soát con cái quá mức lại thường hay thất bại?

PHONG, Theo Helino 13:11 27/10/2019

Người bậc phụ huynh thường chỉ nhìn vào những lỗi sai và mắng con của mình nhưng lại quên mất đi rằng, người phải xem xét lý do tại sao con mình phải phạm lỗi sai đó chính là bản thân mình.

Người đời có câu: “Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Có những điều trong cuộc đời là không thể phủ nhận và chối cãi, nhất là công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành. Đúng vậy, khi những người con như chúng ta có một gia đình, có một ngôi trường để đi học ổn định, có cơm ăn, áo mặc, có tiền để tiêu vặt hằng ngày thì đồng nghĩa với việc, chúng ta đã phải biết ơn công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của ba mẹ. Song, điều đáng nói ở đây là cách nuôi dưỡng về thể chất hay giáo dục về tinh thần thì không có ba mẹ nào giống với ba mẹ nào. Và không một cách giáo dục nào là hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai. Chính vì thế, chủ đề giáo dục con cái chưa bao giờ nguội lạnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội. Như mới đây, có một câu hỏi đã thu hút được nhiều quan tâm và bình luận từ cộng đồng mạng Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc: “Tại sao những phụ huynh có tính kiểm soát con cái quá mức lại thường hay thất bại?”. Câu hỏi nhận được nhiều bình luận thu hút lượt like và đồng tình khá cao từ cư dân mạng. Sau đây là những câu trả lời tiêu biểu (được dịch bởi Hanna Hanna)

Tại sao những phụ huynh có tính kiểm soát con cái quá mức lại thường hay thất bại? - Ảnh 1.

(1460 người like) “Người nào càng không có năng lực thì càng thích làm tổng đạo diễn, giáo sư cuộc sống hoặc chỉ đạo các con mình, dẫn đến kết quả là con bạn cũng nối tiếp thất bại của bạn, nhưng lúc đó thì bạn không những không tự biết nhận ra những sai lầm của mình mà còn trách con bạn không biết phấn đấu.

Người nào sống càng thất bại thì lại càng đặt những giấc mơ hão huyền không thực tế lên người con mình và càng muốn can thiệp vào cuộc sống của con cái. Một khi giấc mơ sụp đổ thì lại đổ lỗi cho con cái.

Thích so sánh, ngày nào cũng so sánh con mình với con người khác mà không so sánh mình với những ông bố bà mẹ khác.

Không có đầu óc, làm theo bất cứ cách dạy con nào mà mình biết, cũng không suy nghĩ rằng cách đó có phù hợp với con mình hay không, và cũng không cần biết rằng mình có thực sự hiểu rõ cách đó hay không.

Không biết cách tự lượng sức mình, những việc mình làm không được thì yêu cầu con cái nhất định phải làm.

Giả tạo, lúc nào cũng nói đó là vì tốt cho con, nhưng thực ra thì lại vì sự sĩ diện của mình mà không nghĩ đến cảm nhận của con cái.

Háo danh lợi, khi con mình giỏi thì khoe khoang, con mình không giỏi thì cảm thấy xấu hổ.

Coi việc nuôi nấng con cái như một kiểu đầu tư, buôn bán nhưng lại quên việc mình không giỏi buôn bán. Lúc phá sản rồi thì lại trách “sản phẩm” không có tính cạnh tranh, vậy chẳng nhẽ “sản phẩm” không phải là do bạn tạo nên hay sao?”.

(2262 người like) “Hôm nay tôi có mua tặng cậu em họ học cấp II một đôi giày và một chiếc quần adidas. Toàn bộ quá trình thấy cậu em rất bẽn lẽn và sợ sệt, cậu ấy cứ nói với tôi rằng :”thôi chị ơi đừng mua… em cũng không phải thích lắm”, vừa nói vừa không rời mắt khỏi đôi giày.

Lúc đầu thì cậu ấy chỉ là đi cùng tôi đến trung tâm thương mại để tôi đổi một chiếc dây chuyền thôi. Nhưng khi tôi nhìn thấy cửa hàng adidas thì lại nhớ ra rằng cậu ấy thường xuyên nhắc đến việc anh em bạn bè đều đang rất thích hiệu này, nhưng ở huyện thì không có cửa hàng chính hãng nên bố mẹ của họ đều phải ra tận vùng ngoài mới có thể mua đem về, qua những câu nói đó, tôi có thể cảm nhận được sự ngưỡng mộ của cậu ấy dành cho những người bạn kia. Thế là tôi kéo cậu ấy vào và nói rằng thích gì thì đều có thể thử.

Toàn bộ quá trình này mẹ tôi đều ở bên cạnh cằn nhằn, tôi cũng hiểu là mẹ tôi muốn nói gì, chắc chắn là chê giày hãng này quá đắt...Thậm chí ngay cả khi tôi ra thanh toán thì mẹ tôi vẫn không ngừng khuyên tôi không mua nữa, nhưng bị tôi giật lấy thẻ và quẹt thanh toán, còn cậu em họ tôi thì mặt mày đỏ bừng.

Lúc đó tự nhiên thấy lòng bàn tay tôi ướt ướt, tôi nhớ lại thời thanh xuân của mình, mặc toàn là đồ thừa của em gái nhà mẹ nuôi, thậm chí cả quần áo của mẹ nuôi. Lúc đó tôi ở trong trường đã trở thành một câu chuyện cười điển hình, thậm chí có nam sinh còn chạy lại và nói với tôi rằng “bạn mặc thế này trông thật giống bà cô già”..

Tôi nhìn mẹ và nói “việc được một người tặng một món đồ mà mình rất thích, cảm giác vui mừng đó cho đến tận bây giờ khi mà con đã có thể mua là không thể có được nữa”. Mẹ tôi im lặng, còn tôi thì đột nhiên thấy thật hả dạ.

Một tuổi thơ quá hiểu chuyện và một gia đình có phụ huynh tiết kiệm quá đáng sẽ để lại bóng tối lớn thế nào trong lòng những đứa trẻ? Điều này chắc có lẽ phải những đứa trẻ đã trải qua rồi mới có thể hiểu được”.

Tại sao những phụ huynh có tính kiểm soát con cái quá mức lại thường hay thất bại? - Ảnh 2.

Như hai bình luận trên, ta có thể thấy nhiều mặt chưa tốt của cách dạy con mà nhiều gia đình châu Á hiện nay vẫn còn gặp phải. Có thể kể đến như là áp đặt cuộc sống của các con theo ý của ba mẹ, dù con không thích nhưng lại một mực bắt con đi theo ước mơ ngày bé của mình, so sánh con mình với con nhà người ta, tiết kiệm một cách quá đà… Song, suy đi nghĩ lại, chúng ta cũng phải biết được rằng, dù thế nào đi chăng nữa thì tất cả những điều ấy cũng là xuất phát từ tình thương của cha mẹ. Thử hỏi, nếu không yêu thương thì có quan tâm sát sao, nếu không muốn con làm người đúng mực thì có phải “rát hơi mỏi cổ” với những lỗi lầm, sai phạm của con? Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà lại mỗi cảnh, thêm nữa là tư duy và suy nghĩ của các phụ huynh là không ai giống ai nên chúng ta không thể quy chụp được cách nuôi con như vậy là đúng hay sai. Khi được chia sẻ về cộng đồng người dùng ở Việt Nam thì câu hỏi này cũng nhận được nhiều bình luận đồng tình.

Người dùng M.T chia sẻ: “Cảm thấy may mắn vì bố mẹ mình rất thoải mái, muốn học sao cũng được, muốn học gì cũng được và muốn cái gì cũng đều được cả”.

Người dùng L.H.V cho hay: “Gia đình của mình cũng vậy. Mẹ mình chỉ quan tâm đến việc mình phải học thật giỏi để khi đi họp phụ huynh có thể nở mày nở mặt. Học hành thì không được bị ghi sổ đầu bài hay bị phê bình gì hết.. Và trong gia đình mình còn trọng nam khinh nữ. Có khi anh mình xin tiền thì mẹ cho rất mát tay. Đến khi mình xin tiền để mua bút, giấy kiểm tra thì lại nói dùng tốn rồi cứ cho chúng nó vay cho lắm vào. Cuộc sống làm tốt cái mác con nhà người ta chẳng sung sướng một chút nào”.

Người dùng N.T cho biết: “Mình cảm thấy có nhiều bạn như vào để kể tội cha mẹ mình, tất nhiên vẫn có vài bạn là thật sự bị quản chặt. Có cha mẹ nào sinh con ra không quản con, họ sợ con rơi vào đường xấu, muốn con học giỏi để cuộc sống của con tốt đẹp, chứ họ đâu hưởng được bao nhiêu? Bản thân mình cũng bị quản rất chặt, bị cấm đoán đam mê. Nhưng mình nghĩ dù đam mê có cháy bỏng thế nào thì có trân quý hơn công lao cha mẹ bỏ ra? Mình biết phải sống cho bản thân, phải được tự do, nhưng cũng phải hiểu chuyện đi chứ. Mình biết có những bạn bị quản nghiêm thật, nhưng là số rất ít, đừng chỉ vì bị mắng, bị quản một tí đã nhảy dựng lên”.

Tại sao những phụ huynh có tính kiểm soát con cái quá mức lại thường hay thất bại? - Ảnh 3.

Nuôi con, có nhiều cách, hẳn vậy. Chính vì thế, nhiều cách cũng đồng nghĩa với chuyện có cách tốt thì cũng sẽ có cách chưa tốt, có cách mang đến hiệu quả tích cực nhưng cũng có cách lại mang đến hệ quả tiêu cực. Thực ra mà nói, chúng ta không thể phán xét một cách phiến diện rằng, cách dạy con của anh A là chưa đúng hay cách dạy con của chị B là sai vì ai cũng có những cách thức riêng, những hoàn cảnh riêng, những nỗi khổ hay niềm vui sướng cho riêng mình. Cái quan trọng của mỗi ông bố, bà mẹ khi dạy con cái, đó chính là kết quả cuối cùng: con mình liệu có thực sự hạnh phúc hay không?