Tại sao lạ chỗ thường khó ngủ?

Vũ Trịnh, Theo Trí Thức Trẻ 00:04 02/06/2020

Dù đến một căn phòng khách sạn đẳng cấp 5 sao với đầy đủ tiện nghi, thế nhưng bạn chẳng tài nào chợp mắt nổi như ở nhà. Đây chính là lời giải thích cho hiện tượng này.

Thật thoải mái nếu sau một ngày làm việc mệt mỏi, ta lại được trở về căn phòng của mình và nằm vắt vẻo trên chiếc giường quen thuộc, đánh một giấc thật say để lấy lại năng lượng. Việc có một giấc ngủ trọn vẹn lại trở nên cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người nhưng nhiều người vẫn gặp các vấn đề khi màn đêm buông xuống mà khiến chúng ta không thể ngủ ngon được.

Trong các chuyến du lịch hay sang thăm người thân, bạn bè, hoặc lúc chuyển đến nhà mới, nhiều người sẽ gặp hiện tượng khó ngủ, trằn trọc đến lạ mà dù cố đến mấy vẫn không thể chợp mắt được. Dù có những điều kiện tốt hơn, thoải mái hơn nhưng không tài nào có nổi 1 tiếng ngủ yên giấc, nhiều người cũng từng thắc mắc vì sao lại gặp hiện tượng này.

Tại sao lạ chỗ thường khó ngủ? - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và có những phát hiện lý thú về hiện tượng này. Theo đó, những điều này được gọi chung là hiệu ứng đêm đầu tiên hay FNE. Nghiên cứu cho thấy, trong lần đầu ngủ ở một môi trường hoàn toàn mới, chỉ một nửa bộ não của chúng ta có thể rơi vào trạng thái nghỉ ngơi thực sự. Các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu từ những người được ngủ trong điều kiện sinh hoạt khác với thường ngày bằng cách đo hoạt động sóng não của họ ở giai đoạn được xem là khó đánh thức nhất của một giấc ngủ. Trong thí nghiệm đầu tiên, họ đã phát hiện ra rằng bán cầu não trái của một người vẫn hoạt động trong đêm đầu tiên tại môi trường mới, còn não phải ở trạng thái nghỉ ngơi, điều này chứng tỏ, một phần hai não của bạn vẫn tỉnh táo.

Tuy nhiên, sang đêm thứ hai, dữ liệu cho thấy sự biến mất của hiện tượng bất cân xứng về hoạt động của hai bán cầu não, toàn bộ não của bạn đều nằm ở trạng thái yên giấc.

Tại sao lạ chỗ thường khó ngủ? - Ảnh 2.

Nhiều loài chim và động vật có vú sống dưới nước, bao gồm cả cá heo và sư tử biển luôn ngủ với tình trạng một nửa não thức, một nửa não được nghỉ ngơi, điều này cho thấy các loài sinh vật này đều có sự cảnh giác trước những đe dọa hay các mối nguy hiểm ngay cả lúc ngủ. Để kiểm chứng hiệu ứng FNE có ý nghĩa gì với con người hay không, các nhà khoa học tiếp tục làm các thí nghiệm khác. Theo đó, họ yêu cầu những người tham gia thí nghiệm gõ ngón tay sau khi họ bị đánh thức bởi âm thanh trong lúc ngủ. Những đối tượng này đã ngủ hai đêm cùng một nơi và đều trải qua bài kiểm tra với âm thanh. Thời gian phản ứng của những người tham gia nhanh hơn đáng kể trong ngày đầu tiên. Điều này cho thấy, não bộ đã tỉnh táo nhiều hơn trong đêm đầu tiên với những cảnh giác nhất định và nhạy cảm với âm thanh.

Tại sao lạ chỗ thường khó ngủ? - Ảnh 3.

Dù rằng bạn có một chiếc giường mới êm ái và thoải mái hơn rất nhiều nhưng điều này không quá quan trọng trong việc quyết định giấc ngủ của bạn có trở nên ngon lành hay không. Hiệu ứng đêm đầu tiên chính là một cơ chế bảo vệ của con người trước một môi trường mới, không khác gì những động vật luôn có tinh thần cảnh giác trong khi nghỉ ngơi. Nhưng may mắn thay, dường như con người có thể trở lại giấc ngủ bình thường sau khi làm quen được với căn phòng hay chiếc giường mới. Nếu quá trằn trọc và thường phải di chuyển nhiều, có chăng bạn nên chuẩn bị cho mình người bạn đồng hành là một chiếc gối "thân tín" để việc ngủ trở nên dễ dàng hơn?

Nguồn: QZ

Tại sao lạ chỗ thường khó ngủ? - Ảnh 4.