Tại sao các bậc cha mẹ nên dạy con cái về tiền bạc từ nhỏ và dạy chúng như thế nào cho đúng?

Nguyên Hằng, Theo Helino 15:34 26/09/2019

Tiết kiệm tiền là một trong những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự giàu mạnh và có một nền tảng tài chính an toàn. Tuy nhiên, nhiều người trong chúng ta vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền thông qua sự cố gắng, lỗi sai và quan trọng hơn là kinh nghiệm.

Ở trường học, chúng ta đã được dạy về tầm quan trọng của việc tiết kiệm, để khi trưởng thành mỗi người có thể nhận ra rằng, tiết kiệm giúp ta lo cho bản thân và gia đình. Hiểu được tầm quan trọng này, việc chúng ta cần làm là tìm ra những giải pháp quan trọng để truyền dạy lạ cho thế hệ sau hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền ngay từ khi còn nhỏ.

Với tư cách là một người cha, một người mẹ, dưới đây là 6 cách để dạy con bạn về việc tiết kiệm tiền.

Tại sao các bậc cha mẹ nên dạy con cái về tiền bạc từ nhỏ và dạy chúng như thế nào cho đúng? - Ảnh 1.

Hãy bắt đầu bằng một con heo đất

Nuôi heo đất vốn là một cách tuyệt vời để dạy con bạn về tầm quan trọng của việc tiết kiệm, và đây cũng là cách giúp chúng dễ dàng thực hiện nhất. Hãy đặt mục tiêu cho con trẻ để chúng có động lực dành những đồng tiền lẻ vào việc đút heo hằng ngày.

Đồng thời đừng quên giải thích cho chúng hiểu nuôi heo là để tiết kiệm tiền cho tương lai và càng tiết kiệm chúng sẽ làm được nhiều thứ, hoặc ít nhất là có thể giúp chúng thỏa mãn được những nhu cầu trong cuộc sống như mua sắm, ăn uống, học hành.

Mở một tài khoản ngân hàng riêng

Khi con bạn đã dành dụm được một khoản khá lớn từ việc nuôi heo đất, hãy đưa chúng đến ngân hàng và mở tài khoản tiết kiệm cá nhân. Thậm chí cha mẹ nên để các con được đếm số tiền sẽ được gửi, vì khi đó chúng có thể hiểu rõ hơn về số tiền bản thân đang có.

Tuy nhiên cũng đừng quá nâng cao giá trị số tiền chúng có, cha mẹ nên nhớ việc tiết kiệm này phải duy trì liên tục, phải đảm bảo được mục tiêu mà chúng hướng tới. Để từ đó sẽ hình thành nên một nguồn động lực lớn cho con bạn nếu chúng hiểu rằng tiền của chúng sẽ tăng lên theo thời gian miễn là không sử dụng.

Tập thói quen sử dụng tiết kiệm

Trẻ nhỏ cũng sẽ có những đòi hỏi về đồ mới, nhất là đồ chơi. Khi con bạn thực sự muốn mua một chiếc xe, một con búp bê hay bất kỳ một vật dụng gì đó mới và đắt tiền, hãy nhẹ nhàng giải thích cho chúng biết cách sử dụng những thứ đó sao cho hiệu quả và lâu dài nhất.

Cha mẹ nên đưa cho con mình những tờ tiền lẻ thay vì đưa những đồng tiền chẵn và cung cấp cho chúng một vài hũ tiết kiệm khác nhau. Bởi có như vậy chúng sẽ dần hiểu được giá trị của tiết kiệm, mỗi ngày một chút mới đủ tiền để mua món đồ mong muốn. Song song đó, bạn cũng nên vạch ra cho chúng mục đích cụ thể cho từng hũ và hỗ trợ một khoản trợ cấp nho nhỏ mỗi tuần.

Để khuyến khích tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn của các con, cha mẹ tốt nhất nên đặt một hình ảnh của đồ chơi hoặc vật phẩm mà chúng mong muốn trên mỗi chiếc hũ. Đó được coi như  một lời nhắc nhở trực quan về những thứ các con đang muốn có được.

Hình thành thói quen theo thời gian

Khi còn bé, các khái niệm về tiền bạc và thời gian có thể khó nắm bắt. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng tác động của một bài học tài chính kéo dài một giờ sẽ mất đi sau khoảng năm tháng. Để hình thành được thói quen, việc giáo dục và dạy dỗ con cái tiết kiệm từ khi còn nhỏ phải liên tục và không áp lực.

Hay nói một cách khác, để giữ cho các con bài học về tiền liên tục thì mỗi cha mẹ nên chú ý đặt cho con một mốc thời gian cụ thể khi nào chúng sẽ đạt được mục tiêu của bản thân. Chẳng hạn việc con bạn muốn mua một đôi giày 20 đô la, bạn nên đặt ra cho chúng thời gian là bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng đó sẽ tiết kiệm đủ tiền để mua về.

Với số tiền lẻ mỗi ngày cha mẹ đưa, chúng sẽ tự ý thức được mình sẽ phải tiết kiệm được bao nhiêu phần trong đó để với khoảng thời gian nhất định con trẻ đạt được mục tiêu. Bạn có thể bắt đầu bằng cách vẽ một đường thẳng và một điểm đánh dấu, với con số bắt đầu là 0 đô la và con số kết thúc là 20 đô (hoặc bất kỳ số tiền mục tiêu nào đó). Hãy tạo động lực cho con mỗi ngày tiết kiệm được càng nhiều càng tốt, nếu hoàn thành trước thời hạn sẽ được thưởng thêm chẳng hạn. Thực tế chính những phần thưởng nhỏ có thể khuyến khích trẻ em tiếp tục thực hiện việc chúng đã làm.

Đưa ra những minh chứng có thực từ việc tiết kiệm

Trẻ em luôn thích những điều gì đó thực tế, rõ ràng vì vậy cách tốt nhất để dạy trẻ về tiết kiệm tiền là tự tiết kiệm. Cha mẹ cũng cần phải có những khoản tiết kiệm riêng để con trẻ hiểu rằng cha mẹ cũng giống như chúng vậy.

 Khi bạn ra ngoài mua sắm, hãy chỉ cho con bạn cách phân biệt giữa các mức giá khác nhau và giải thích lý do tại sao mua một mặt hàng có ý nghĩa tốt hơn so với mặt hàng khác. Hãy dạy con cái về lý do và cách bạn tiết kiệm cho giáo dục đại học của chúng. Bởi đó là những minh chứng cụ thể nhất cho việc tiết kiệm.

Trò chuyện với con cái nhiều hơn về tiền bạc

Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm là bắt đầu một cuộc trò chuyện về tiền bạc và tầm quan trọng của việc tiết kiệm với chính những đứa trẻ trong gia đình mình. Thường xuyên có những trao đổi về tài chính và  trả lời câu hỏi theo cách nhấn mạnh các giá trị gia đình, chẳng hạn như làm việc chăm chỉ và chi tiêu có trách nhiệm.

Cha mẹ nên để con mình biết rằng chúng có thể có một khoản trợ cấp, điều này bắt buộc phải phụ thuộc vào những thứ chúng muốn có giá trị ra sao. Hãy đặt thật nhiều câu hỏi liên quan, có thể phần nào đó sẽ khiến con bạn suy nghĩ lâu dài và tích cực hơn về tiền bạc. Đặc biệt, cần phải để con trẻ biết rằng, cha mẹ luôn cởi mở để có một cuộc trò chuyện về tiền bạc thậm chí có thể khuyến khích chúng tự đặt câu hỏi để tiếp tục giải đáp thắc mắc lí do nên tiết kiệm.

Dạy trẻ cách tiết kiệm tiền có vẻ như là một nhiệm vụ khó khăn. Thậm chí người ta còn nói rằng cha mẹ có nhiều khả năng nói chuyện với con cái về tình dục hơn là về tiền bạc. Nhưng bằng việc áp dụng những lời khuyên này, cha mẹ có thể khiến con mình hiểu về tiền một cách vui vẻ và dễ tiếp cận hơn. Đây cũng là một khoản đầu tư vào kiến ​​thức được trả lãi cao nhất, hãy áp dụng thử.

Nguồn: windgatewealth

Tại sao các bậc cha mẹ nên dạy con cái về tiền bạc từ nhỏ và dạy chúng như thế nào cho đúng? - Ảnh 2.