"Suốt 1 học kì, mình và bạn thân bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày nhưng tụi mình đã im lặng"

Chím, Theo Tổ Quốc 00:03 30/06/2020

Ngay khi bạn đọc những dòng này, rất có thể ai đó đang bị bắt nạt ngay trong lớp, trong trường.

Câu chuyện số 1

Năm lớp 6, mình bắt đầu có chút tiếng tăm trên MXH. Mình thích lắm lại cũng mê chụp hình và quay clip nên đăng nhiều hơn. Nhưng các bạn ở trường và mọi người ở xung quanh mình thì không. Mỗi ngày, từ trên mạng đến trực tiếp mình phải nghe những câu khó nghe: "Trên MXH có mắt như mù cả nhỉ? Xấu như *** mà cũng hot Tiktok", "Ăn bám, dựa vào MXH",... 

Kinh khủng nhất là khi đi học. Nói ngắn gọn thì mình bị cả trường tẩy chay còn kể chi tiết ra mình cũng không biết nói như thế nào cho đủ nữa. Mình chỉ muốn ở nhà vì mỗi ngày bước chân ra ngoài cửa là thấy người ta đang nói gì đó không hay về mình. Đến lớp ngồi im 1 góc, không một ai trong lớp chơi với mình, về nhà lại đóng cửa phòng khóc. Mình từ 1 đứa vui vẻ, năng động chỉ biết ngồi nhìn mọi người nô đùa, vui cười. Thậm chí đã có những lúc mình suy nghĩ tiêu cực... 

Chuyện kéo dài khoảng 2 năm, mình còn dằn vặt bản thân xem đã sai ở đâu và làm sao để vừa lòng mọi người. Nhưng dần dần mình thấy những việc đó thật vô nghĩa bởi mình đang sống cuộc sống của mình chứ không phải của người ta. Thế là mình thay đổi, không quan tâm đến những lời xấu xa đó nữa. Hiện tại mình đã bình thường, được mọi người yêu quý dù vẫn có người ghét mình nhưng không còn quá kinh khủng như trước đây. 

(Q.A, 15 tuổi)

Suốt 1 học kì, mình và bạn thân bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày nhưng tụi mình đã im lặng - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện số 2

Hôm đó lớp mình vừa mới thi đấu bóng đá nữ ở trường xong. Các bạn gái đều lên lớp, mặt ai cũng đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại và cực kì mệt. Đang ngồi nghỉ thì 1 bạn nữ (nhân vật đầu gấu trong lớp) không thi đấu nhưng lại bắt 1 bạn nữ khác vừa chơi bóng xong (và bị bong gân) đi mua bánh mì hộ, trong khi lớp mình ở tầng 3 còn căn tin ở tầng 8. 

Thật không may "bong gân" mua sai nhân bánh mì. Thế là "đầu gấu" bắt trả lại tiền gấp đôi nhưng "bong gân" không đủ tiền để trả. Kết quả là "đầu gấu" đi nói xấu, bêu rếu "bong gân" ở khắp nơi. Mấy hôm sau còn bày trò cố tình trêu "bong gân" quá đáng, dùng lời nói để xúc phạm và bóc phốt trên mạng đều đủ cả. 

Sau đó, vào những ngày đầu tuần, "bong gân" được bố mẹ cho tiền tiêu vặt, "đầu gấu" liền lấy hết tiền để mua phụ kiện, trà sữa,... Hiện tại việc này vẫn đang diễn ra, "đầu gấu" vẫn lấy tiền hoặc lấy đồ ăn sáng của mọi người trong lớp nhưng mục tiêu chính vẫn là "bong gân". Mình nghĩ lý do có lẽ là vì "bong gân" hiền lành và nhút nhát nhất lớp. Mình có hỏi tại sao không tâm sự gì với mẹ thì bạn ấy bảo sợ mẹ lên nói chuyện với cô giáo và "đầu gấu" sẽ biết được.

(S, 14 tuổi)

Suốt 1 học kì, mình và bạn thân bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày nhưng tụi mình đã im lặng - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Câu chuyện số 3

Năm lớp 9, mình được chọn vào lớp chuyên Sinh còn 1 người bạn của mình thì chọn lớp chuyên Lý. Nhưng về sau không đủ điều kiện nên bạn đó được chuyển sang lớp Sinh cùng với mình. Tuy nhiên các bạn ở lớp lại nghĩ bạn mình dùng cách khác để được vào học nên ghét bỏ và mình bị ghét lây.

Suốt 1 học kì, tụi mình bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày. Trong lớp không 1 ai lên tiếng phản đối mà cùng nhau hùa vào, có lẽ các bạn vui lắm nhỉ?

Khoảng thời gian đó mỗi ngày đi học với mình không phải một ngày vui, nếu không muốn nói là cực hình nhưng cuối cấp, sắp thi nên đã kệ. Sau đó tụi mình chuyển cấp, không chạm mặt các bạn đó nữa nên mới hết.

(N.P.A, 16 tuổi)

Câu chuyện số 4

Mình chưa từng bị bắt nạt nghiêm trọng nhưng nhiều bạn nhìn vẻ ngoài thấy mình hơi chảnh, khó gần, vênh váo nên đã nói xấu mình. Chẳng hạn như "Nhìn con bé kia chảnh xong mặt cứ vênh vênh ngứa mắt thế nhỉ?". Mà buồn cười nhất là các bạn không hề quen biết gì mình.

Suốt 1 học kì, mình và bạn thân bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày nhưng tụi mình đã im lặng - Ảnh 3.

(Ảnh minh hoạ)

(M.G, 17 tuổi)

Câu chuyện số 5

Mình từng trải qua cảm giác bị nói xấu rồi. Đó là khoảng cấp 2, mình không nhớ rõ mọi chuyện lắm nhưng nguyên nhân chỉ đơn giản là người này nghe qua miệng người khác, tam sao thất bản khiến cho hiểu lầm trở nên nghiêm trọng hơn. 

Còn chuyện bị bắt nạt thì mình thấy đa phần trường nào cũng có. Từ cấp 2 đến cấp 3, mình đã chứng kiến rất nhiều việc này, khối trên bắt nạt khối dưới, tụ nhau lại lập thành nhóm nói xấu ai đó,... chỉ là vụ việc có to và có nhiều người biết đến hay không thôi. 

(L.P.A, 16 tuổi)

-------------------

Trường học giống như một xã hội thu nhỏ

5 câu chuyện nói trên được ghi lại từ 5 nhân vật khác nhau, đến từ những ngôi trường khác nhau, cả cấp 2 lẫn cấp 3, cả công lẫn quốc tế, cả thành phố lẫn tỉnh lẻ. Có bạn đã thoát khỏi những lời nhục mạ, miệt thị và công kích nhưng có bạn vẫn đang ngày ngày nơm nớp lo sợ. Thế nhưng tất cả có 1 điểm chung lớn nhất: Bắt nạt, nói xấu ở trường học.

Có lẽ với nhiều người, đề tài này không mới chút nào nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Và đến lúc này, chẳng cần một con số hay báo cáo chi tiết nào, ai cũng hiểu tình trạng bắt nạt trong giới học sinh đã và đang nghiêm trọng ra sao. 

Thực tế thì xã hội này phức tạp thế nào, trường học cũng lắm vấn đề như vậy. Bởi nơi đây giống như một phiên bản thu nhỏ của xã hội với đủ loại kiểu người, mỗi người lại có 1 quan điểm và thái độ khác nhau về ai đó/sự việc nào đó. Thế nên có đến 1001 nguyên nhân cho những vụ bắt nạt nhưng chỉ có 1 kết quả duy nhất là có người sai trái và có người bị tổn thương. 

Suốt 1 học kì, mình và bạn thân bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày nhưng tụi mình đã im lặng - Ảnh 4.

Phía bị bắt nạt sẽ ngày càng nhút nhát, sợ hãi, không tự tin vào bản thân mình và nhận những vết thương tinh thần không bao giờ lành. Q.A cho biết: "Hai năm nay mình không còn bị bắt nạt quá đáng, cũng đã được rất nhiều người yêu quý hơn nhưng vẫn có những phút chốc, mình không khỏi rùng mình khi nhớ lại chuyện ngày trước". Có lẽ bản thân Q.A cũng hiểu, sự ám ảnh đó sẽ còn theo cô bạn đến rất lâu về sau...

Nạn nhân càng sợ hãi, kẻ bắt nạt càng hả hê, tìm cách tiếp tục lấn tới. Và trong lúc họ đang loay hoay với loạt câu hỏi "Tại sao lại là mình?", "Mình đã làm gì sai?", "Bao giờ chuyện này mới chấm dứt?" thì kẻ bắt nạt đã thêm nổi loạn, ngang ngược, tự coi mình là "tầng lớp thống trị", có quyền sinh quyền sát. Từ đó hình thành tính cách, tư tưởng sai lệch, tồn tại theo kẻ bắt nạt suốt cả cuộc đời.

Sau cùng, dù là nạn nhân hay kẻ bắt nạt, tất cả cũng đều phải nhận những vết hằn xấu xí trong sự phát triển, ảnh hưởng đến tương lai và cả những người xung quanh.

Suốt 1 học kì, mình và bạn thân bị ném khăn lau bảng, bị đổ nước vào giày nhưng tụi mình đã im lặng - Ảnh 5.

(Ảnh minh hoạ)

Chỉ có mình mới biết mình là ai

Dù chúng ta vẫn đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng bắt nạt ở trường học nhưng cả 5 nhân vật nói trên đều khẳng định, không nhiều thì ít trường nào cũng đã, đang và sẽ có những câu chuyện tương tự. Đặc biệt là hình thức và mức độ ngày càng khủng khiếp hơn. 

Khoan hãy bàn đến phần trách nhiệm bởi mỗi người lại có một quan điểm khác nhau. Cái cần được ưu tiên trước mắt là nạn nhân sẽ phải làm gì khi bị bắt nạt đây? Vùng lên chống lại hay lặng lẽ chịu trận? Đây là một vài lời khuyên từ những người từng có những trải nghiệm không mấy vui vẻ này.

Q.A: "Đừng quan tâm đến những lời nói của người khác bởi đó chỉ là thử thách nhỏ mà thôi. Mình cũng chỉ sống một lần trên đời nên đừng để ý những thứ xấu xí, hãy sống một cuộc đời vui tươi".

N.P.A: "Mình nghĩ cảm xúc và cách nhìn nhận vấn đề của nạn nhân mới là quan trọng. Thế nên hãy cố gằng không quan tâm đến người ta, đến những hành động xấu mà người ta đem lại, không nghĩ ngợi linh tinh và nhất định phải tích cực lên".

Và cuối cùng là xin đừng giấu giếm, chịu đựng hay hùa theo sự bắt nạt mà hãy lên tiếng. Bởi chỉ có mình mới biết mình là ai, cũng chỉ có mình mới tự cứu được chính mình!