Uống nhầm thuốc ho khiến "bệnh càng thêm bệnh"

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:03 07/12/2012

Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng rất nặng đấy!

Uống nhầm thuốc ho khiến "bệnh càng thêm bệnh" 1 Năm nay em 17 tuổi và là nữ. Khoảng 2 tháng nay, em bị viêm họng nặng nên phải uống rất nhiều loại kháng sinh. Gần đây, khi mới đổi từ thuốc uống sang viên ngậm thì em thấy cơ thể mình có biểu hiện lạ. Cụ thể là sau khi dùng thuốc tầm 15 - 30' thì cổ họng em có vẻ bị sưng phù, tim đập nhanh, khó thở và da mặt hơi bị mẩn đỏ lên. Các triệu chứng này tồn tại khoảng vài tiếng rồi tự hết. Mong bác sĩ giải đáp giúp liệu em có bị bệnh gì nghiêm trọng không ạ? Em xin cảm ơn! (khanh_l...@yahoo.com)
Uống nhầm thuốc ho khiến "bệnh càng thêm bệnh" 2

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã bị dị ứng với loại thuốc mà em đang sử dụng.

Đây là hiện tượng cơ thể không dung nạp được với thuốc uống, chích, thoa, làm dẫn đến các biểu hiện gây hại cho sức khỏe bệnh nhân.

Sự xuất hiện của tình trạng dị ứng thuốc do: Histamine là một chất có sẵn trong cơ thể như máu, các mô dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine-héparine không có hoạt tính.

Khi có chất lạ vào cơ thể người dễ bị dị ứng thì nối tĩnh điện bị cắt đứt làm histamine được phóng thích tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn làm giãn mạch gây tụt huyết áp, vào tim làm tim đập nhanh, lên não gây nhức đầu do bị tăng áp lực nội sọ, lên hô hấp làm co thắt khí phế quản gây nghẹt thở, lên hệ tiêu hóa làm co thắt cơ trơn…

Tùy theo cơ địa mà người dùng thuốc bị dị ứng với bất cứ thuốc nào kể cả những thuốc được xem là lành tính như vitamin B1. Trường hợp dị ứng thuốc nặng (hay sốc thuốc) gọi là choáng phản vệ, có thể dẫn đến tử vong. Cụ thể:

1. Dị ứng thuốc nhẹ:

- Mẩn ngứa, phát ban, nổi mề đay, mắt ngứa, đỏ, tụt huyết áp do mao mạch bị giãn nở.

- Khó thở do khí phế quản bị co thắt.

- Kích thích cơ trơn đường tiêu hóa gây co thắt, nôn mửa.

2. Dị ứng thuốc trầm trọng : bao gồm:

- Hội chứng Lyell: Da loét, tạo nhiều mảng lớn như bị bỏng, có thể dẫn đến tử vong.

- Hội chứng Steven-Johnson: Với những người nhạy cảm sulfamid, thuốc sẽ gây phản ứng dị ứng trầm trọng ở da và máu, gây phát ban đỏ, loét niêm mạc, nóng lạnh, đôi khi viêm cơ tim, viêm thận, viêm phế nang.

3. Dị ứng thuốc nặng: sốc thuốc (còn gọi là choáng phản vệ):

Xảy ra rất nhanh sau khi tiêm hoặc uống thuốc, người khó thở, trụy tim mạch. Đây là trường hợp dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thường gặp khi tiêm chích thuốc nhất là các thuốc kháng sinh như Penicillin, Streptomycin..., cho nên trước khi tiêm các thuốc trên cho bệnh nhân, nhân viên y tế cần phải thử phản ứng.

Điều quan trọng của điều trị dị ứng là tìm ra nguyên nhân và tránh tiếp xúc với nó, như không dùng các loại thuốc đã từng gây ra dị ứng… Ngoài ra, việc dùng thuốc chống dị ứng chỉ mang tính chất tạm thời để giải trừ tác động của Histamin trong cơ thể, làm mất hậu quả của dị ứng do đó không nên lạm dụng thuốc chống dị ứng.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em cần lập tức ngưng dùng thuốc đó ngay và đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp cho tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!
 
Uống nhầm thuốc ho khiến "bệnh càng thêm bệnh" 3