Tôi suýt trở thành "gái" để kiếm tiền cho em trai phẫu thuật

L.T, Theo Trí Thức Trẻ 15:17 26/07/2014

Thiếu chút nữa thì tôi đã đặt chân vào con đường ấy…

Cuộc đời ai rồi cũng sẽ trải qua nhiều thăng trầm. Tôi cũng vậy. Có rất nhiều chuyện rồi cũng sẽ quên, nhưng chắc chắn có một chuyện mà tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi. Cả đời này, tôi sẽ không thể quên những tháng ngày cực khổ ấy và cả ân nhân đã cứu tôi, giữ tôi không rơi vào vũng lầy dơ bẩn.

Nhà tôi nghèo, bố mất khi em trai tôi vừa lên 2. Mẹ tôi chỉ là nông dân, có cố cho tôi đi học Đại học cũng là mong đổi đời, thoát khỏi cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Mẹ và em trai tôi ở quê phải chi tiêu tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc để tích cóp tiền gửi cho tôi học hành. Biết thế nên tôi cũng chẳng dám chơi bời gì. Tôi cố học, cố làm, làm gia sư, bồi bàn, phát tờ rơi, kể cả rửa bát thuê tôi cũng làm. Tôi không sợ khổ, chỉ những gì phạm pháp, trái lý lẽ đạo đức luân thường, trái với lương tâm là tôi không bao giờ động tới.

Có lẽ, nếu suốt những năm Đại học đều như vậy, chỉ vậy thôi thì tôi cũng cắn răng chịu đựng, cùng cả nhà vượt qua khó khăn ấy để được nhận thành quả của sự cố gắng. Nhưng không. Cuộc đời này khắc nghiệt lắm, hay là muốn thử thách tôi thì phải.



Hè năm thứ 2, lúc tôi đang thi học kỳ những môn cuối cùng, em trai tôi, khi đó đang học lớp 10 đột ngột bị tai nạn trên đường đi học về. Ô tô cuốn nó vào gầm rồi chèn qua chân. Nghe tin đó, mẹ tôi cũng ngất xỉu, bị tai biến và phải nhập viện. Cùng một lúc, trong nhà tôi có 3 người thì tới 2 người cùng nằm viện. Mẹ tôi, may mắn là không bị quá nặng, nằm ở viện huyện còn em trai tôi thì rơi vào cơn nguy kịch. Nó được đưa lên bệnh viện TW cấp cứu. Lúc đó, chỉ có mình tôi đi theo nó. Mẹ tôi ở nhà đành phó thác vào họ hàng, làng xóm. Tiền chạy chữa cho mẹ và em tôi tất cả đều phải vay vì nhà tôi thì làm gì có tiền. Cái ô tô đâm phải em trai tôi đã bỏ trốn, nhà tôi thì thấp cổ bé họng, chẳng thể kêu ai, có kêu thì cũng chỉ than ông trời bất công với mẹ con tôi thôi.

Tất cả những chỗ có thể vay tiền, tôi đều tìm đến. Tôi không ngại nài nỉ, van xin người ta. Đối với tôi bây giờ, chẳng có gì quan trọng bằng mẹ và em trai cả. Mẹ tôi điều trị được một tuần, vừa đỡ là mẹ đòi về nhà vì sợ tốn tiền viện phí. Một mình tôi trên này với em, tôi một mình gánh hết mọi thứ, cũng giấu luôn cả tình trạng sức khỏe của em vì mẹ tôi yếu lắm, giờ mà sốc nữa thì... tôi không dám chắc điều gì sẽ xảy ra.

Ngày nào cũng ra vào ở bệnh viện, tôi chỉ còn cách gồng mình lên. Chỉ khi trở về phòng trọ, tôi mới để mình được khóc thoải mái. Tôi thầm than với ông trời sao bất công quá. Một đứa sinh viên năm 2, chưa tròn 20 tuổi, sao tôi đã phải trải qua những chuyện như vậy? Giờ tôi biết lấy đâu ra tiền để phẫu thuật cho em trai tôi? Nếu không được phẫu thuật bây giờ nó sẽ tàn phế mất.

Thấy tôi như vậy, một chị hàng xóm ở khu trọ đã chỉ cho tôi cách kiếm tiền thật nhanh để có tiền lo cho mẹ và em. Nghe xong, tôi rụng rời chân tay. Hóa ra, khoản tiền lớn mà chị ấy cho tôi vay là từ cái nghề ấy mà ra. Chưa đợi chị nói xong, tôi viện cớ bỏ về phòng. Từ đầu, tôi đã quyết sẽ không bao giờ bước chân vào vũng lầy dơ bẩn ấy.

Càng gần ngày phẫu thuật, tôi càng túng quẫn. Tôi bất chấp tất cả, tìm đến tất cả bạn bè, vậy mà không ai có thể giúp tôi. Vào lúc khó khăn nhất, tim nghẹn thắt lại vì nghĩ đến tương lai của em tôi, vì sức khỏe của mẹ tôi. Tôi đã nghĩ đến lời đề nghị của chị hàng xóm. Tôi quyết định tối sẽ nói với chị về chuyện đó.



Giữa lúc ấy, tôi nhận được điện thoại của lớp trưởng lớp Đại học, kêu sẽ dẫn tôi đến gặp một người. Tại quán café, tôi, lớp trưởng và cô phó khoa tôi cùng ngồi nói chuyện. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, cô “yêu cầu” tôi chấp nhận phương án mà cô đã đề ra. Cô sẽ cho tôi mượn khoản tiền lo phẫu thuật cho em trai, bù lại, tôi sẽ đến làm phục vụ và rửa bát tại quán cơm văn phòng của em trai cô để kiếm tiền trả cho cô. Trời ơi, đây là một sự trao đổi ư? Cô cho tôi mượn tiền, giúp đỡ tôi khi khó khăn nhất, mà còn tạo điều kiện cho tôi có việc làm thêm. Như vậy mà cô nói cứ như cô và tôi đang thực hiện một cuộc trao đổi, đôi bên cùng có lợi ấy.

Tôi hôm đó, tôi trở về nhà trọ. Cảm giác như vừa chết hụt. Thiếu chút nữa thì tôi đã đặt chân vào con đường ấy…

Bây giờ thì tôi đã ra trường, đã đi làm. Tôi may mắn xin được một công việc tại thành phố, nơi mà tôi đã từng học Đại học. Hàng tháng, ngoài tiền chi tiêu, tôi cũng dành được một khoản để gửi về cho mẹ và em trai. Tôi cũng vẫn thường xuyên liên lạc với cô phó khoa – ân nhân mà suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên. Cô giống như một người mẹ, người đã sinh ra tôi một lần nữa vậy. Và tôi sẽ mãi ghi nhớ khoảng thời gian đó, để sau này, dù có thế nào, cũng quyết không rơi vào con đường tội lỗi ấy.