Sai lầm quen thuộc mà ít ai để ý khi uống nước có ga

Jinilyn, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 30/06/2015

Uống nước có ga không cẩn thận sẽ ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Sử dụng đồ uống có ga thay thế cho nước lọc

Vào mùa hè, bạn nên uống nước lọc hàng ngày, tránh xa các loại nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng. Bởi các loại nước có ga gần như không có tác dụng trong việc bổ sung lượng nước cho cơ thể. Trái lại, uống nước có ga làm giảm nhu cầu uống nước của cơ thể, khiến cơ thể càng thêm "khô héo", mất nước hơn.

Thêm đó, loại thức uống này có khá nhiều hóa chất gây hại cho sức khỏe, chúng khiến bạn hồi hộp, tim đập nhanh hơn và cũng có thể khiến cơ thể bị đầy hơi, khó tiêu, khả năng hấp thụ dưỡng chất yếu đi. Thay vào đó, bạn có thể tăng cường các loại nước ép rau quả, ăn thêm nhiều rau, trái cây.


Uống nước có ga với thực phẩm “cấm kị”

- Đồ nóng như cháo, phở, bún,…: Sự biến đổi nóng lạnh đột ngột dễ làm cho răng lợi bị kích thích mạnh và sinh bệnh. Ngoài ra, điều này cũng bất lợi đối với dạ dày và ruột.

- Rượu, bia: Nhiều người thường mắc sai lầm khi nghĩ rằng pha loãng bia với các loại nước ngọt có ga sẽ làm giảm độ cồn của bia, khi uống vào sẽ lâu say hơn. Trên thực tế, cách "chống say" này hoàn toàn phản tác dụng. Khi uống hỗn hợp "bia pha nước ngọt" sẽ khiến bạn chóng say và mệt mỏi hơn, đặc biệt khi đói bụng. Nước ngọt có ga còn làm tăng nhanh tác dụng hấp thu của cơ thể đối với chất rượu cồn, về lâu dài còn gây tổn hại đến gan.


- Kẹo the: Việc uống nước có ga với các loại kẹo the sẽ gây phản ứng hóa học làm “sôi” dạ dày, tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Ngậm lâu trong miệng

Điều này dễ làm cho cổ họng bị sung huyết. Nếu tình trạng này kéo dài, huyết quản ở cổ họng sẽ bị co lại, lượng máu chảy ở đó giảm. Hậu quả là công năng của cổ họng bị rối loạn, sức miễn dịch cục bộ thấp, dễ sinh viêm họng, khản tiếng, đau họng...

Ngoài ra việc ngậm nước có ga lâu trong miệng dễ khiến men răng bị tổn thương. Đường và acid trong đồ uống có ga và soda sẽ làm hỏng men răng một cách từ từ và sau đó là răng sẽ bị sâu không thể “cứu chữa” được.