Quên ăn bữa sáng có thể khiến tim "nổi loạn"

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 30/11/2012

Nó thậm chí còn khiến bạn bị tử vong đấy!

Quên ăn bữa sáng có thể khiến tim "nổi loạn" 1

Mấy tuần gần đây, cứ vào khoảng 10h - 10h30' sáng là em lại bị mệt đột ngột không giải thích được. Thường thì biểu hiện cụ thể là đau đầu, chóng mặt, cảm giác đói cồn cào, vã mồ hôi, run tay, thậm chí có đôi khi còn buồn nôn và nôn nữa. Tuy vậy, tình trạng trên chỉ kéo dài khoảng 30 phút là sẽ dần dần dịu đi và hết hẳn sau khi em ăn bữa trưa. Mong bác sĩ giải đáp liệu em đã mắc phải bệnh gì và cách chữa trị có khó không ạ? Em xin cảm ơn! (munmu...@yahoo.com)
Quên ăn bữa sáng có thể khiến tim "nổi loạn" 2
Chào em,
 
Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng em đã mắc phải chứng hạ đường huyết tự phát.
 
Bệnh xảy ra khi sự giảm lượng đường (glucoza) trong máu xuống dưới mức bình thường (< 3,9 - 6,4 mmol/lít). Đây là một bệnh thể dịch, bệnh sinh hóa, ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng và hoạt động của cơ thể con người, có thể gây ra nhiều rối loạn cho sức khỏe, thậm chí nó còn nguy hiểm hơn tăng đường huyết vì có thể gây tử vong nhanh chóng.

Có nhiều nguyên nhân gây nên hạ đường huyết, bao gồm:

- Chế độ dinh dưỡng: Do ăn không đúng bữa (ăn trễ giờ so với bữa ăn bình thường) hoặc bỏ bữa (đặc biệt là bữa sáng); ăn không đủ lượng cacbonhydrat (các loại tinh bột).

- Do bệnh tiểu đường: Việc điều hòa lượng đường trong máu một cách hài hòa phụ thuộc vào hai loại hormon insulin và glucagon do tuyến tụy sản xuất ra. Trong bệnh tiểu đường do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng tốt với insulin nên làm tăng lượng glucoza trong máu.

- Nguyên nhân khác: Hoạt động quá mức bình thường như tập thể dục, thể thao (chạy điền kinh, bơi lội, leo núi, đua xe đạp đường trường...), lao động nặng...; Mắc các bệnh nhiễm vi khuẩn như nhiễm trùng phổi và đường tiểu tiện..., bệnh trầm trọng về thận, gan, tuyến giáp, nội tiết hormon.

Các biểu hiện cơ bản của bệnh:

- Thể nhẹ: Thường bệnh nhân không chịu được đói, người run, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi, chóng mặt, tim đập nhanh, đánh trống ngực, lờ đờ, buồn ngủ.

- Thể vừa: Có trường hợp rối loạn tinh thần, sầu uất, ủ rũ, mất phương hướng, đôi khi xuất hiện cơn co giật như động kinh, nhìn đôi. Có người bị liệt nửa người, buồn nôn, đau bụng, ngất, nhưng thường chỉ vài phút, vài giờ là khỏi hẳn.

- Thể nặng: Hôn mê xảy ra đột ngột, hôn mê sâu, co cơ hàm hoặc cơn co giật toàn thân, có khi liệt nửa thân. Nếu tiêm glucoza thì khỏi nhanh hơn. Có trường hợp tử vong vì trụy tim mạch trong các cơn nặng.

Điều cần lưu ý là chúng ta phải phân biệt chứng hạ đường huyết với các trạng thái loạn thần kinh, tâm thần, động kinh, u não, viêm não, các nguyên nhân hôn mê (đặc biệt là hôn mê do tăng đường huyết).

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em tốt nhất nên đến bệnh viện để khám trực tiếp và nhận được tư vấn điều trị thích hợp cho tình trạng bệnh của mình.

Ngoài ra, em cũng nên chú ý thực hiện những điều sau:

- Luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla... trong túi để lúc xảy ra hạ đường huyết có thể dùng ngay.

- Tuyệt đối không bỏ bữa và ăn đủ lượng tinh bột.

- Cố gắng tập thể dục thường xuyên và đúng bài bản.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Quên ăn bữa sáng có thể khiến tim "nổi loạn" 3