Phe con gái đã biết bảo quản mỹ phẩm chưa?

Huyền Thu (Theo doctissimo), Theo 00:01 11/09/2010

Đây là sự quan tâm của bất cứ một cô nàng yểu điệu nào đấy!

Có một thực tế là, chúng mình chỉ chú ý tới hạn sử dụng ghi bên ngoài sản phẩm thôi mà ít ai biết rằng, bên cạnh hạn sử dụng thông thường còn có hạn sử dụng sau khi mở nắp sản phẩm.



Bạn hãy để ý một chút nhé, trên bao bì, vỏ hộp của hầu hết những sản phẩm làm đẹp đều có một biểu tượng mô tả một chiếc bình mở ra đi kèm với một con số bên cạnh, tiếp theo là chữ M. M chính là viết tắt của “month”/ “mois” bạn ạ. Và biểu tượng này cho chúng ta biết hạn sử dụng của sản phẩm sau khi mở nắp.

Bảo quản mỹ phẩm: những điều cần lưu ý

• Nếu thấy mỹ phẩm xuất hiện mùi/màu lạ thì hãy vứt bỏ ngay.

•  Mỹ phẩm để trong môi trường khắc nghiệt rất dễ biến chất và trong trường hợp này, hãy vứt bỏ, bạn nhé.


• Nếu phấn trang điểm dạng nén bị rạn, nứt, vỡ… đây chính là dấu hiệu cho thấy bạn nên để chúng “ra đi”.

• Trong khi các loại mỹ phẩm đựng trong hũ rất nhanh hỏng thì mỹ phẩm đựng trong tuýp, lọ, hộp khử mùi,… thì ngược lại. Bạn biết vì sao không? Với mỹ phẩm dạng hũ, muốn lấy mỹ phẩm ra, bạn luôn luôn phải cho tay vào bên trong hũ. Vì thế, vi khuẩn từ ngón tay rất dễ tấn công “cô nàng” mỹ phẩm. Còn mỹ phẩm đựng trong tuýp, lọ, hộp khử mùi,… sẽ hạn chế được điều này.

• Không bao giờ để mỹ phẩm gần cửa sổ bạn nhé. Sự tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời làm mỹ phẩm rất dễ bị biến chất.


• Các “cô nàng” mỹ phẩm không chỉ rất sợ hãi cái nóng mà độ ẩm quá cao cũng khiến chúng phải “ra đi” sớm. Nguyên nhân, độ ẩm cao là môi trường đặc biệt lý tưởng cho nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, hãy để mỹ phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát nhưng không được gần ánh nắng mặt trời.

• Các mỹ phẩm dạng lỏng, mỹ phẩm có cồn (kem, sữa, sơn móng,…) là những sản phẩm nhạy cảm nhất. Do đó, chúng cần có “chế độ chăm sóc” rất đặc biệt. Bạn cần để mỹ phẩm dạng lỏng ở nơi khô mát, tránh ánh nắng mặt trời,… tủ lạnh là lựa chọn tốt nhất nếu bạn không sử dụng các loại mỹ phẩm này thường xuyên.


• Sơn móng tay để lâu ngày không sử dụng  rất dễ bị nhão hoặc đông đặc thành keo. Hãy vứt bỏ, đừng “cố đấm ăn xôi” bằng cách thêm vào một vài giọt dung môi, việc làm này hoàn toàn chẳng có tác dụng gì cả.

“Tuổi thọ” của các sản phẩm làm đẹp sau khi mở nắp là bao lâu?

Những loại mỹ phẩm chúng tớ liệt kê sau đây có “tuổi thọ” lần lượt từ thấp đến cao, bạn nhé.

- Mascara – “bí kíp” cho hàng mi cong vút lại có “tuổi thọ” rất hạn chế là 3 tháng.

- Các loại kem dưỡng thể và kem ban ngày có hạn sử dụng từ 10 – 12 tháng.

- “Tuổi thọ” của son môi cũng khá dài, 1 năm, trong điều kiện bảo quản cách xa nguồn nhiệt và không dùng chung.


- Sơn móng tay: có thể giữ được trong khoảng 1 năm. Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy rằng, đa phần chúng thường bị nhão hoặc đông đặc sớm hơn hạn sử dụng bình thường.

- Kem chống nắng: thông thường trên thân sản phẩm có ghi hạn sử dụng là 12 tháng hoặc hơn. Tuy nhiên, việc tiếp xúc quá nhiều với cát nóng ở bãi biển, ánh nắng mặt trời,… sẽ khiến cho bộ lọc tia cực tím của kem chống nắng mất dần chức năng bảo vệ của nó. Vì thế, bạn không nên sử dụng lại kem chống nắng từ mùa hè năm trước nhé.

- Nước hoa: tương tự như rượu, “tuổi thọ” của nước hoa rất dài. Nhưng khi thấy mùi hoặc màu của nước hoa có sự thay đổi bất thường, dù chưa hết hạn sử dụng, bạn cũng không nên tiếp tục sử dụng nhé.