"Nỗi đau khổ" của những bạn bị bệnh trĩ hành hạ

bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:00 30/05/2014

Căn bệnh trĩ "đáng ghét" này gây phiền phức và khó chịu vô cùng.

Chào bác sĩ Mèo.

Em năm nay 18 tuổi, cách đây 1 thời gian em bị bệnh trĩ nội. Sau 1 tuần uống thuốc và uống nước rau diếp cá em đã không bị đi ra máu nữa nhưng búi trĩ vẫn còn (búi không to lắm). Em cứ để mặc, lâu lâu lại bị đi tiêu ra máu, sau đó uống nước rau diếp cá và hết rồi lại bị. Cứ tiếp diễn như vậy cho đến bây giờ.

Thưa bác sĩ, có cách nào để búi trĩ hết hẳn không ạ? Bệnh này hơi tế nhị nên em rất ngại phải đi khám. Mong bác sĩ giải đáp giúp em. (hf...@gmail.com)

Trả lời:


Chào em,

"Đau khổ như những ai đau khổ vì bệnh trĩ...". Câu nói này diễn tả được phần nào nỗi khó chịu của một người bị mắc chứng này.

Với kiến thức y học ngày nay, bệnh trĩ thường được các bác sĩ kiềm chế không mấy khó khăn. Những kiến thức chuyên môn dưới đây (được thu thập từ kinh nghiệm của các bác sĩ chuyên khoa về trĩ) sẽ có thể giúp em tiêu trừ hoặc ít ra cũng làm giảm bớt nỗi đau khổ vì bệnh này.

Chú trọng về ăn uống

Việc ăn uống đúng cách có thể làm một người bị bệnh trĩ nặng giảm hơn một nửa nỗi khó chịu và có thể làm tiêu tan gần hết bệnh của một người ở thời kỳ nhẹ hay trung bình.

- Hãy uống nhiều nước và ăn thức ăn có nhiều chất xơ. Khi em ăn uống như vậy, chắc chắn phân sẽ lỏng hơn. Em thường chỉ khó chịu khi phân quá cứng, quá đặc.

- Hạn chế ăn muối và kiêng các chất gia vị cay, nóng, cà phê, rượu, những thực phẩm chứa chất caffein. Muối có khuynh hướng giữ nước lại trong cơ thể, làm các tế bào và mạch máu trương căng ra, làm nặng hơn triệu chứng trĩ. Những gia vị cay, nóng và chất kích thích thường tạo cảm giác khó chịu khi phân đi qua hậu môn.

Đừng rặn và đừng khiêng nặng

Hành động rặn sẽ làm trĩ ló ra ngoài hậu môn nhiều hơn. Tương tự, em cũng sẽ phải gồng lên khi khiêng một vật nặng như tủ lạnh, bàn ghế... Trĩ thường xuất hiện do những tĩnh mạch bị trương căng lên. Hành động gồng hay rặn làm cao áp huyết trong các mạch máu và làm trương căng chỗ trĩ nhiều hơn nữa.

Lưu ý: Với những ai chưa bị trĩ, hành động gồng hay rặn có thể khiến bạn mắc bệnh trĩ.



Người mập và có thai dễ bị bệnh trĩ hơn

Trọng lượng và sức nặng của bào thai tạo ra một áp suất đè lên các tế bào và mạch máu tại hậu môn, dễ tạo nên bệnh. Nếu bạn quá nặng cân, hãy giảm ăn và tập thể thao để giảm cân. Nếu bạn đang mang thai, nên nằm nghiêng về bên trái nhiều (20 phút/4 tiếng đồng hồ). Hành động này làm giảm bớt sức ép của bào thai trên tĩnh mạch hậu môn.

Công dụng của kem thoa trĩ

Các loại kem thoa trĩ (hemorrhoid cream) có bán tự do tại các tiệm thuốc Tây. Kem này thường có công dụng làm cho chỗ trĩ không đau đớn khi thoa vào. Kem chỉ có công dụng giảm đau trong một lúc mà thôi, không phải là thuốc trị bệnh.

Nên rửa hậu môn sau khi đi vệ sinh

Thông thường, việc rửa sẽ làm hậu môn sạch hơn là lau bằng giấy. Khi bị trĩ, việc lau chùi bằng giấy thường gây đau đớn. Nếu không thích rửa, hãy chùi bằng loại giấy lau mặt bán trong hộp loại giữ ẩm (moisturized facial tissue), nó sẽ ít làm trầy chỗ trĩ hơn. Phải dùng giấy lau mặt vì hiện trên thị trường không có loại giấy vệ sinh có giữ ẩm - moisturized toilet tissue).

Ngâm nước ấm

Việc ngâm nước muối ấm (15 phút mỗi ngày) thường xoa dịu được cơn đau của trĩ và làm trĩ bớt sưng lên. Em có thể xả nước ấm trong bồn tắm vừa đủ ngập qua hậu môn rồi ngồi bó gối hay ngồi chồm hỗm trong bồn cho đến khi hết đau.

Chế độ sinh hoạt

Hết sức tránh đứng lâu, ngồi lâu, không nên ngồi xổm vì có thể ảnh hưởng đến sự tuần hoàn máu ở khoang xương chậu làm cho ứ máu tại các tĩnh mạch trĩ. Nên dùng hố xí bệt, tăng cường hoạt động thể lực, đặc biệt là vận động cơ bắp. Tùy theo sở thích của mỗi người mà lựa chọn một hay hai môn thể thao yêu thích, kiên trì tập luyện trong một thời gian dài. Bơi lội là một trong những môn thể thao rất hữu ích cho việc phòng ngừa bệnh trĩ, ngoài ra chạy chậm và đi bộ đều có tác dụng phòng ngừa ở các mức độ khác nhau. Nên tập thói quen đi đại tiện đúng giờ, tốt nhất mỗi ngày nên đi một lần. Hạn chế sinh hoạt tình dục khi có các biểu hiện của bệnh trĩ.

Việc điều trị bệnh cần kiên nhẫn và đúng cách. Em không nên tự ý dùng thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ. Đi khám trĩ là điều mà ai cũng dễ xấu hổ nhưng đó lại là việc hết sức bình thường. Bên cạnh việc cải thiện chế độ ăn uống và sinh hoạt như bác sĩ Mèo đã khuyên, em hãy dẹp bỏ tự ti và đi khám chuyên khoa ngay để biết cách điều trị hợp lý em nhé.

Chúc em sớm.khỏi bệnh!

Trị chứng "tiểu són" bằng bài tập Kegel 2