Nguy hiểm từ chứng bệnh khiến "giọng khàn như vịt"

Bác sĩ Mèo , Theo Trí Thức Trẻ 00:00 25/09/2013

Bệnh xuất hiện khi bạn nói quá nhiều đấy!

Chào bác sĩ,

Cách đây gần 2 tháng, sau khi la hét và hát karaoke quá nhiều trong chuyến đi dã ngoại với gia đình, em bị đau họng và ho khan kéo dài. Tuy đã uống đủ mọi loại thuốc nhưng cho đến nay bệnh vẫn không khỏi hẳn mà chuyển từ ho sang khàn giọng. Bây giờ em nói không rõ tiếng nữa, cứ sền sệt rất khó nghe, càng cố nói thì lại càng khàn đặc lại và cảm thấy người rất mau mệt. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (gill...@yahoo.com.vn).


Nguy hiểm từ chứng bệnh khiến "giọng khàn như vịt"  1

Trả lời:

Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng hạt xơ dây thanh.

Đây là tình trạng bệnh lý do sử dụng 2 dây thanh quá mức, làm cho chúng bị tổn thương, lâu ngày dẫn tới hạt dây thanh.

Bệnh đặc trưng bởi tổn thương dạng khối nhỏ, đối xứng vị trí 1/3 giữa dây thanh hai bên, chân khối thường rộng. Khi có hạt dây thanh sẽ làm người bệnh phát âm nặng nề, giọng nói ngày càng khàn, hay hụt hơi, nói gắng sức, đau ngực khi nói.

Hạt dây thanh thường xuất hiện ở nữ trẻ hoặc nam độ tuổi vị thành niên, nhất là những người có thói quen nói nhiều, nói to, mắc một số bệnh lý kèm theo như viêm xoang, viêm dạ dày, viêm amidan, sống trong môi trường nhiều bụi bẩn, tiếng ồn...

Khi xác định khàn tiếng do hạt dây thanh thì cần phải phẫu thuật bóc hạt dây thanh, trả lại sự rung động mềm mại của dây thanh.

Nguy hiểm từ chứng bệnh khiến "giọng khàn như vịt"  2
 
Sau đó cần tạm ngưng nói, biện pháp này giúp cải thiện chất giọng do giảm phù nề, teo bớt hạt xơ nhưng dường như triệu chứng khàn không rút lui hẳn. Triệu chứng khàn có thể tăng dần ngoại trừ điều chỉnh tần suất và tần số giọng nói cho phù hợp (tức thay đổi thói quen nói lớn, nói nhiều).

Thuốc kháng viêm cũng thường được dùng để giảm sưng, giảm phù nề nhưng không thể giải quyết tận gốc triệu chứng khàn.

Ngoài ra, luyện âm cũng là một trong số những phương pháp hiệu quả để điều trị hạt dây thanh, giúp người bệnh nhận ra tình hình và những thói quen xấu của giọng nói, từ đó tìm ra chiến lược thích hợp cho giọng nói để giảm bớt tác động lên dây thanh.

Tuy nhiên cách này chỉ có hiệu quả khi phát hiện sớm và cần nhiều thời gian, công sức.

Nói tóm lại, kết hợp đa trị liệu bằng chế độ dinh dưỡng, thay đổi thói quen sinh hoạt và một số thảo dược có tác dụng chống viêm, kháng virut, long đờm, giảm phù nề thì hạt xơ sẽ không thể làm hỏng vĩnh viễn giọng nói trong trẻo của em.

Vì vậy, bác sĩ Mèo khuyên em nên nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa khám trực tiếp để nhận được chỉ định điều trị thích hợp và kịp thời đối với tình trạng của mình.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nguy hiểm từ chứng bệnh khiến "giọng khàn như vịt"  3