Nguy hiểm khi chảy máu cam kèm cơn đau đầu

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 12:01 08/07/2013

Bạn không thể coi thường các dấu hiệu đi kèm khi chảy máu cam đâu nhé!

Nguy hiểm khi chảy máu cam kèm cơn đau đầu 1

Thời gian gần đây em luôn trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, thiếu minh mẫm và hay chóng mặt, choáng váng mỗi khi đứng lên ngồi xuống. Ngoài ra, em còn cảm thấy da dẻ lúc nào cũng xanh xao như kiểu mặt cắt không còn giọt máu, chân tay thì thỉnh thoảng xuất hiện những vết bầm tím lan rộng mặc dù em chẳng bị ngã hay va đập vào đâu cả. Khoảng gần 1 tuần nay lại xuất hiện thêm triệu chứng chảy máu cam nhiều vì thế em rất lo lắng cho sức khỏe của mình. Mong bác sĩ giải đáp liệu em có mắc phải bệnh gì nghiêm trọng không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (lee_kj...@yahoo.com.vn).

Nguy hiểm khi chảy máu cam kèm cơn đau đầu 2
Chào em,

Theo những gì em mô tả trong thư thì bác sĩ Mèo nghĩ nhiều khả năng là em đã mắc phải chứng suy tủy xương.

Đây là bệnh lý nguy hiểm vì tế bào máu giảm cả 3 dòng ở ngoại biên do hệ thống tế bào gốc (Phuripotential system cell) hoặc các vi mô lân cận bị tổn thương tạo thành môi trường không thuận lợi cho sự sinh sản và trưởng thành của các tế bào máu.
Tỷ lệ nữ giới mắc bệnh suy tủy cao hơn nam giới và lứa tuổi từ dưới 20 - 30 chiếm phần trăm nhiễm bệnh cao nhất.

Suy tủy có nhiều nguyên nhân khác nhau và khá phức tạp nhưng thường gặp nhất là:

- Nhiễm khuẩn: Trong các loại nhiễm khuẩn thì nhiễm khuẩn huyết đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Căn nguyên là do vi sinh vật. Trường hợp này có khả năng xác định được nếu cơ sở y tế đủ điều kiện nuôi cấy máu của bệnh nhân nghi nhiễm khuẩn huyết. Biện pháp này không những xác định được vi khuẩn loại gì mà còn thực hiện được kỹ thuật kháng sinh đồ để chọn ra loại kháng sinh thích hợp cho điều trị tiêu diệt mầm bệnh.

- Bệnh lao: đặc biệt là lao khu trú trong tủy xương.

- Virus: Có khoảng 10% thiếu máu do suy tủy bởi virut viêm gan, virut Epstain Barr, Cytomegalo virut.

- Nhiễm độc: do tiếp xúc với các chất độc (butazone vàng, thuốc chống co giật, chlorpromazine, chloramphenicol, sulfamid, chất phóng xạ, chất quang tuyến...).

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp suy tủy không rõ nguyên nhân do đó gây không ít khó khăn cho việc điều trị cũng như công tác dự phòng.

Bệnh khởi phát khi hệ thống da và niêm mạc xanh xao, nhợt nhạt, xuất huyết với nhiều hình thức khác nhau tùy theo từng bệnh nhân như: xuất huyết dưới da (chấm, nốt, mảng...), chảy máu cam, chảy máu chân răng khi đánh răng...

Những trường hợp nặng có thể biểu hiện xuất huyết nội tạng như chảy máu đường tiêu hóa (nôn, đi ngoài ra máu), ở nữ giới có thể rong kinh, kinh kéo dài...

Điều trị bệnh suy tủy rất khó khăn, thường phải kết hợp nội khoa với ngoại khoa cùng các biện pháp tích cực sau:

- Nằm nghỉ ngơi, tránh hoạt động thể chất nặng.

- Loại bỏ ngay các loại thuốc nghi gây suy tủy.

- Điều trị nội khoa thường dùng nội tiết tố để giảm triệu chứng và ức chế miễn dịch.

- Điều trị ngoại khoa điển hình là cắt lách và ghép tủy xương (phương pháp điều trị tốt nhất hiện nay nhằm mục đích phục hồi khả năng tạo máu).

Việc chẩn đoán suy tủy có liên quan mật thiết với xét nghiệm máu và chọc tủy làm huyết đồ (hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu giảm rõ rệt, máu chảy kéo dài, dấu hiệu dây thắt dương tính) nên không phải cơ sở y tế nào cũng thực hiện được. Vì vậy bác sĩ Mèo khuyên em cần ngay lập tức đến bệnh viện chuyên khoa tuyến trên khám trực tiếp để chẩn đoán bệnh chính xác và nhận được chỉ định điều trị thích hợp, kịp thời.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

Nguy hiểm khi chảy máu cam kèm cơn đau đầu 3