Ngoại hình "biến dạng" khi mắc phải những thói quen cực xấu

Minh Hiền, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 29/08/2015

Đó là những thói quen mà rất nhiều người thường xuyên mắc phải đấy!

Hàng ngày, chúng ta vẫn thường mắc phải những thói quen gây ảnh hưởng đến cơ thể mà không hề hay biết. Việc sớm nhận diện được những thói quen này sẽ giúp mỗi người phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp cũng như gìn giữ thẩm mỹ cho bản thân.

Bẻ khớp ngón tay, ngón chân

Nhiều người thường bẻ khớp ngón tay ngón chân để tìm cảm giác dễ chịu khi cơ thể bị mỏi. Hành động này sẽ tác động đến bó gân golgi ở gần khớp, có chứa dây thần kinh quy định cảm giác chuyển động giúp cho cơ bắp cũng như các khớp xương xung quanh bó gân này được thả lỏng. Khi bẻ đốt ngón tay các khớp co giãn đột ngột sẽ phát ra tiếng kêu. 

3-64813

Tuy nhiên, nếu vượt quá ngưỡng chịu đựng, bao khớp sẽ phải chịu một tác động rất lớn khiến dây chằng dễ bị giãn và rách. Bẻ đốt tay trong thời gian dài, sự cọ xát và áp lực lên mặt khớp cao hơn sẽ khiến hao mòn mặt khớp, nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến thoái hóa và viêm mặt sụn khớp. Ngoài ra, các khớp bị bẻ thường xuyên sẽ khiến chúng bị bè ra và to hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ của đôi bàn tay đó!

Thói quen đẩy lưỡi

Thông thường, lưỡi của chúng ta luôn thụt về phía sau, khi hai hàm răng cắn lại hay khi nuốt nước bọt, chuyển động của lưỡi sẽ co rút lại. Tuy nhiên ở một vài người có thói quen đẩy lưỡi, vị trí của lưỡi sẽ được đặt chen giữa 2 hàm răng và trong sinh hoạt hàng ngày, lưỡi sẽ thường xuyên vô tình đẩy ra phía trước. Lực đẩy của lưỡi là rất mạnh, do đó thói quen xấu này sẽ dẫn đến hiện tượng bệnh nhân bị hô cả hai hàm. Kết quả là hàm răng không chỉ xô lệch xấu xí mà khả năng nhai, cắn của nhóm răng cửa sẽ bị giảm đi đáng kể.

2-da740

Chống cằm

Nhiều người thường có thói quen chống cằm khi suy nghĩ về một vấn đề nào đó, khi làm việc hay ngồi học. Tuy nhiên việc chống cằm thường xuyên sẽ tác động một lực tương đối lớn lên khung xương hàm dưới. Hệ quả dẫn đến là xương hàm dưới sẽ phát triển không đồng đều, về lâu dài sẽ gây ra bất đối xứng trên khuôn mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ.

Nghiến răng

Thói quen nghiến răng thường xảy ra ở ban đêm và xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Thói quen này xuất hiện do căng thẳng thần kinh, người lớn bị stress do công việc; học sinh, sinh viên bị áp lực học tập và thi cử nặng; ở trẻ em, có thể do bị ký sinh trùng đường ruột, do sán, lãi kim, làm cho cơ thể trẻ luôn bị bứt rứt khó chịu. 

Khi ngủ chúng ta thường vô thức nghiến răng mà không biết rằng lực nghiến rất mạnh. Hậu quả của tật nghiến răng là răng 2 hàm sẽ bị mài mòn, nếu chúng ta nghiến răng trong thời gian dài, các mặt răng sẽ bị mòn nhẵn gây ê buốt khi ăn thức ăn lạnh, chua quá, hay ngọt quá đều gây ra đau đớn. Giải pháp điều trị là chúng ta phải đeo một máng nhựa nằm giữa 2 hàm răng trong lúc ngủ. Sau một thời gian dần dần sẽ từ bỏ được thói quen này.

5-7550e

Ngồi bắt chéo chân

Khi chúng ta ngồi bắt chéo, hành động này sẽ tạo áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi, gây thoái hóa khớp bánh chè đùi. Khi những khớp này bị tổn thương hay thoái hóa sẽ khiến chúng ta cảm thấy đau lúc đứng dậy sau khi ngồi một thời gian. Về lâu dài, khả năng đi lại, vận động của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và rất khó phục hồi.

Bạn nên tập ngồi dáng đúng chuẩn, giữ thẳng lưng, tựa lưng vào ghế, hai chân hơi khép, thả xuống đất tự nhiên, lòng bàn chân để cân bằng trên mặt đất.